Diễn đàn VNF

Chủ tịch SSI: Phải có cơ chế giám sát những khoản tín dụng ‘bắt tay’

(VNF) – Nêu quan điểm về xử lý nợ xấu, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng đặc biệt nhấn mạnh đến các khoản tín dụng "bắt tay" không theo nguyên tắc thị trường, đồng thời khuyến cáo phải làm rõ và có cơ chế giám sát những khoản tín dụng kiểu này.

Chủ tịch SSI: Phải có cơ chế giám sát những khoản tín dụng ‘bắt tay’

Ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng, phải làm rõ và có cơ chế giám sát những khoản tín dụng "bắt tay", không theo nguyên tắc thị trường

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa nêu quan điểm cá nhân liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu.

Vị chủ tịch SSI bày tỏ quan điểm đồng tình với Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình rằng nợ xấu nào cũng là nợ xấu. Ông Hưng nhấn mạnh thêm, nợ xấu nào cũng cần phải giải quyết, giống như cục máu đông nào cũng là cục máu đông, dù là mới xuất hiện hay đã xuất hiện từ lâu nếu không được xử lý sẽ làm tắc nghẽn hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng tiêu cực thậm chí có thể gây đổ vỡ nền kinh tế.

Vẫn theo ông Hưng, nợ xấu phát sinh do các tài sản được hình thành từ tín dụng dưới chuẩn, nói một cách dễ hiểu là các khoản vay do khách quan hay chủ quan được sử dụng kém hiệu quả, không đủ khả năng thanh toán lãi và gốc cho ngân hàng. Nếu quy trách nhiệm cho những người gây ra nợ xấu mà không phân biệt lý do khách quan hay chủ quan sẽ dẫn đến việc không ai dám vay và cho vay vì sợ bị quy trách nhiệm khi xảy ra rủi ro khách quan.

"Tôi cũng là một khách hàng có những khoản vay ngân hàng với danh nghĩa cả cá nhân và pháp nhân, với những quy định như hiện nay tài sản đảm bảo chắc chắn không gây khó khăn gì cho ngân hàng trong việc thu hồi tín dụng. Cho nên Quốc hội cần nhanh chóng bổ sung các quy định để ngân hàng sớm giải quyết được vấn đề này. Khi thuận lợi giải quyết tài sản thế chấp sẽ giúp những người thực hiện có thể giải quyết thu hồi tín dụng và không sợ bị quy trách nhiệm", ông Nguyễn Duy Hưng nêu quan điểm.

Chủ tịch SSI đặc biệt lưu tâm đến các khoản nợ xấu mà nó phát sinh ngay từ khi tín dụng được giải ngân, có nghĩa là cả người vay và người cho vay đều biết rằng phương án kinh doanh không khả thi và tài sản đảm bảo mang xử lý cũng không thể thu hồi khoản vay.

"Đây là những khoản tín dụng về bản chất bên vay và bên cho vay có sự bắt tay chứ không theo các nguyên tắc của thị trường", Chủ tịch SSI nhấn mạnh.

Theo ông Hưng, nếu không làm rõ và có cơ chế giám sát những khoản tín dụng kiểu này thì không chỉ không giải quyết được nợ xấu đã hình thành, mà nguy cơ phát sinh nợ xấu kiểu này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi phong trào đầu cơ tài sản có dấu hiệu bắt đầu sôi động trở lại.

Ông Hưng cũng lưu ý thêm, nếu tiếp tục nới lỏng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng cao hơn sẽ kích hoạt trở lại cơ chế tạo ra cục máu đông khi nguyên nhân gốc rễ sinh ra nợ xấu không giải quyết được vẫn chưa được triệt tiêu.

"Sợ nhất là nợ xấu cũ chưa giải quyết được lại xuất hiện nợ xấu mới. Làm sao để những nợ xấu chủ quan không thể xuất hiện thậm chí còn quan trọng hơn giải quyết nợ xấu đang tồn đọng", sếp SSI nhìn nhận.

Tin mới lên