Nhân vật

TechInAsia xếp Chủ tịch VNG Lê Hồng Minh vào nhóm 8 founder công nghệ hàng đầu Đông Nam Á

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) vừa diễn ra tại Hà Nội, Chủ tịch VNG Lê Hồng Minh xuất hiện mạnh mẽ như một hình ảnh đại diện cho nền công nghệ Đông Nam Á hiện đại.

TechInAsia xếp Chủ tịch VNG Lê Hồng Minh vào nhóm 8 founder công nghệ hàng đầu Đông Nam Á

Chủ tịch VinaGame Lê Hồng Minh.

Theo TechInAsia, ông Lê Hồng Minh là 1 trong 8 founder hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ ở Đông Nam Á. Ngoài Chủ tịch VinaGame, Việt Nam còn xuất hiện một cái tên đình đám khác, là Chủ tịch và là người sáng lập tập đoàn Thế Giới Di Động.

8. Nguyễn Đức Tài, Thế Giới Di Động, Việt Nam

Ông Nguyễn Đức Tài tốt nghiệp thạc sĩ ngành tài chính ở Pháp năm 1995 và sau đó được nhận vào một công ty tài chính ở Thụy Sĩ. Năm 2003, ông từ bỏ vị trí giám đốc ở công ty này, và cái tên Thế Giới Di Động ra đời một năm sau đó.

Nhanh chóng thống lĩnh thị trường bán lẻ điện tử, Thế Giới Di Động hiện có hơn 1.700 cửa hàng trên khắp Việt Nam, chiếm 45% thị phần bán lẻ smartphone và điện thoại di động cả nước. Kể từ thời điểm niêm yết chứng khoán vào năm 2014, cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động đã tăng giá gấp hơn 6 lần. Thế Giới Di Động cũng năm ngoái đã lọt vào danh sách 50 công ty đại chúng lớn nhất châu Á của Forbes.

Hiện tại, giá trị của công ty do ông Nguyễn Đức Tài đồng sáng lập vào khoảng 1,7 tỷ USD với doanh thu lên tới 3 tỷ USD trong năm 2017.

7. Steve Melhuish, PropertyGuru, Singapore 

Được sáng lập bởi Steve Melhuish, PropertyGuru là một website cho phép người mua tìm thông tin bất động sản theo địa điểm, loại hình và giá cả. Khách hàng được xem nội thất  sơ đồ thiết kế của căn hộ, giúp tiết kiệm thời gian so với các phương thức truyền thống. Người mua cũng có thể lựa chọn phương án tối ưu về giá cả do có thể so sánh nhiều nhà cung cấp.

PropertyGuru kiếm tiền bằng cách thu phí các hãng môi giới bất động sản sử dụng nền tảng của họ, bán quảng cáo online và quảng cáo trên các tờ rơi. Tại Singapore, công ty này hiện chiếm tới 90% thị trường.

Năm 2016, PropertyGuru đã ký hợp đồng hợp tác với Đại Việt Group trong nỗ lực bước chân vào thị trường Việt Nam.

6. Ganesh Kumar Bangah, MOL, Malaysia

Ganesh là kiến trúc sư đằng sau thành công của MOL, một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực thanh toán điện tử ở Đông Nam Á. MOL Points là hình thức tiền tệ điện tử xuất hiện trước Bitcoin, được sử dụng để mua game và những dịch vụ khác trên internet. MOL đặt mục tiêu lợi nhuận trong năm 2018 là 1 tỷ USD.

5. Anthony Tan, Grab, Singapore  

Năm 2011, Tan cùng bạn học Tan Hooi Ling ở Đại học Harvard cùng nhau viết ra một ứng dụng, cho phép người dùng có thể đặt xe (xe máy, ô tô, taxi, giao hàng). Người dùng nhập điểm đón và điểm đến, ứng dụng sẽ hiện cước phí. Tiếp đó là đặt xe và đợi tài xế đến đón.

7 năm sau đó, Grab thống trị thị trường Đông Nam Á với 95% thị phần. Công ty này hiện đang cung cấp các dịch vụ ở tám quốc gia và 195 thành phố ở Đông Nam Á. Theo công bố của Grab, ứng dụng di động của công ty công nghệ này đã được tải xuống trên 90 triệu thiết bị di động, và có hơn 5 triệu người sử dụng hằng ngày.

4. Maximilian Bittner, Lazada, Singapore 

Lazada là một công ty thương mại điện tử của Đức được thành lập bởi Rocket internet, nhưng chỉ thực sự phát triển khi được Alibaba mua lại năm 2015 dưới dự dẫn dắt của CEO Maximilian Bittner. Lazada đang hoạt động ở 6 quốc gia Đông Nam Á gồm Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Singapore. Theo số liệu của Iprice Insights, ngoại trừ Singapore và Indonesia, Lazada đều dẫn đầu về số lượt truy cập hàng tháng trong quý 2/2018 tại 4 quốc gia còn lại

Hiện Max Bittner đã thôi việc quản lý tại Lazada và trở thành một cố vấn cấp cao của Alibaba tại khu vực Đông Nam Á.

3. Lê Hồng Minh, VinaGame, Việt Nam

Trở về Việt Nam sau học đại học ở Australia năm 2001, Lê Hồng Minh làm nhân viên tại Vina Capital. Tuy nhiên với niềm đam mê mãnh liệt với trò chơi điện tử, ông quyết định nghỉ việc và thành lập công ty VinaGame (nay là Công ty Cổ phần VNG) năm 2004.

Tháng 7/2004, VinaGame ký hợp đồng với Kingsoft để mang trò chơi Võ Lâm Truyền Kỳ về Việt Nam. Trong vòng một tháng, Võ Lâm Truyền Kỳ đã tạo nên cơn sốt tại Việt Nam với số người chơi truy cập tại cùng một thời điểm có thời điểm lên tới 200.000 người.

Kể từ thành công đầu tiên này, VinaGame dần lớn mạnh và thống trị thị trường trò chơi điện tử tại Việt Nam. Hàng loạt sản phẩm tiếp theo của công ty này được tiếp nhận một cách tích cực.

Ngoài mảng game, VinaGame còn đầu tư sang nhiều lĩnh vực công nghệ khác. Công ty của ông Lê Hồng Minh năm 2007 cho ra đời công cụ nghe nhạc Zing MP3. Hiện nay, Zing MP3 nằm trong top ba ứng dụng được tải nhiều nhất trên smartphone. Một ứng dụng nổi tiếng khác của VNG là Zalo. Ngày 22/2/2017, Zalo công bố đã chạm mốc 70 triệu người dùng.

2. Forrest Li, Sea/Garena, Singapore 

Forrest Li sinh ra và lớn lên ở thành phố cảng Thiên Tân (Trung Quốc). Anh theo học Đại học Thượng Hải và thường dành hầu hết buổi đêm chơi game đến sáng tại một quán café internet.

Garena được thành lập năm 2009, tập trung vào ba mảng kinh doanh cốt lõi: Nội dung số, thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến. Mảng kinh doanh nội dung số của Garena mang về lợi nhuận cao giúp hãng này duy trì các khoản đầu tư cho hai mảng còn lại, giúp các lĩnh vực này đang phát triển một cách nhanh chóng.

Website thương mại điện tử Shopee và nền tảng thanh toán di động AirPay là hai sản phẩm dẫn đầu của Garena. Năm 2017, Công ty chi 64 triệu USD để mua 82% cổ phần của Foody tại Việt Nam.

1. Min-Liang Tan, Razer, Singapore 

Đam mê game từ bé, Min-Liang Tan sáng lập công ty sản xuất thiết bị Razer năm 2005. Từ sản phẩm đầu tay chỉ là một con chuột máy tính chuyên dành cho game thủ có tên gọi Diamondback, Razer tới nay đã phát triển thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. 

Được mệnh danh là Tony Stark của trò chơi điện tử, Min-Liang Tan có lượng người theo dõi khổng lồ qua Facebook và Instagram. Theo Forbes, hiện tài sản của Tan trị giá hơn 1 tỷ USD. Năm ngoái, Razer tạo ra doanh thu 517,9 triệu USD, giá trị vốn hóa đạt 2,2 tỷ USD. Đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu năm 2017 đã mang về cho Razer 528 triệu USD.

Xem thêm >> Tin chứng khoán ngày 14/9: Vietcombank toan tính gì khi chỉ thoái 1/3 vốn tại MB?

Tin mới lên