Tài chính quốc tế

Chứng khoán toàn cầu 'bốc hơi' hơn 2 nghìn tỷ USD trong 'ngày Brexit lịch sử'

(VNF) - Thị trường chứng khoán toàn cầu mất khoảng 2 nghìn tỷ USD giá trị hôm 24/6 sau khi Anh trưng cầu dân ý rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Đây cũng là phiên giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.

Chứng khoán toàn cầu 'bốc hơi' hơn 2 nghìn tỷ USD trong 'ngày Brexit lịch sử'

Nguyên nhân chủ yếu của mức giảm mạnh trên thị trường chứng khoán thế giới là do nhà đầu tư bán tháo tài sản và đầu tư vào những kênh an toàn như vàng sau khi 52% cử tri Anh bỏ phiếu chọn rời Liên minh Châu Âu (EU).

Trong đó, cổ phiếu của ngành tài chính chịu thiệt hại nặng nhất với 400 tỷ USD bốc hơi do nhà đầu tư lo ngại kinh tế sẽ càng giảm tốc hơn nữa và các ngân hàng trung ương sẽ hạ lãi suất để kích thích đầu tư. 

Tổng giá trị vốn hóa của chỉ số chứng khoán toàn cầu S&P đã giảm xuống 41,5 nghìn tỷ USD, trong khi cổ phiếu của những công ty quốc tế niêm yết tại đây đã mất giá tới 5% trong phiên.

Tổng giá trị vốn hóa của chỉ số S&P cho thị trường chúng khoán toàn cầu (nghìn tỷ USD).

Thị trường chứng khoán Mỹ mất khoảng 830 tỷ USD, trong đố riêng các cổ phiếu của chỉ số S&P 500 đã mất 657 tỷ USD. Giá trị vốn hóa của các thị trường mới nổi đã bị thổi bay 128 tỷ USD trong ngày 24/6 chỉ vì Brexit.

Còn theo thống kê của Bloomberg, 400 người giàu nhất thế giới mất 127,4 tỷ USD sau khi thị trường chứng khoán toàn cầu quay cuồng trước thông cử tri Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Mười lăm người giàu nhất nước Anh mất tổng cộng 5,5 tỷ USD trong tổng tài sản của họ ngày 24/6 sau sự kiện Brexit. Người giàu nhất nước Anh, ông Gerald Grosvenor, cũng mất nhiều nhất. Tài sản của ông hao hụt 1 tỷ USD, theo hãng tin Bloomberg. 

Các ngân hàng lớn của Anh được cho là bốc hơi ít nhất 100 tỷ USD do 3 chỉ số mã chứng khoán của các ngân hàng Lloyds, Barclays và RBS đều giảm 30%, dù các ngân hàng này đã cắt lỗ phân nửa sau đó trong ngày.

Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đều cho biết họ đã sẵn sàng để cung cấp thanh khoản nếu cần thiết nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường toàn cầu.

Các nhà đầu tư đã chuyển hướng sang vàng, đồng yên Nhật và trái phiếu chính phủ để tìm kiếm sự an toàn. Các nhà phân tích nói rằng việc Anh rời khỏi EU có thể làm chậm thương mại và đầu tư trong nước, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp tài chính quan trọng của vương quốc, dẫn tới khả năng đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Phiên giảm điểm 24/6 của thị trường chứng khoán Việt Nam đã mang nặng yếu tố tâm lý khi nhà đầu tư ngoại bán ra ít trong khi chính nhà đầu tư trong nước mới là những người giao dịch nhiều nhất.

Kết thúc phiên 24/6, giá trị vốn hóa 2 sàn chứng khoán Việt Nam cũng bị tác động mạnh. Cụ thể, vốn hóa trên sàn HOSE đã giảm tới 22,618 tỷ đồng (-1,78%) từ 1.269.928 tỷ đồng xuống còn 1.247.310 tỷ đồng. Còn HNX cũng giảm từ 155.691 tỷ đồng xuống còn 152.886 tỷ đồng, tức giảm 2.804 tỷ đồng (1,8%). Tổng cộng vốn hóa trên thị trường niêm yết sau phiên giao dịch 24/6 đã giảm tới 25.422 tỷ đồng.

Chiến lược gia Jeff Kravetz đến từ Ngân hàng Mỹ giải thích vụ Brexit khiến thị trường chứng khoán toàn cầu bị bất ngờ nhưng khi mọi thứ lắng xuống, tất cả sẽ nhận ra rằng đây không phải là "thời điểm diệt vong của thế giới".

Theo Financial Times, Thống đốc các ngân hàng trung ương dự kiến sẽ nhóm họp tại Basel (Thụy Sỹ) vào cuối tuần này đề bàn về việc đối phó với Brexit.

Tin mới lên