Tài chính

Chứng khoán tuần 16-20/10: ROS tăng 32% không đủ kéo VN-Index vượt mốc 830 điểm

(VNF) - Tuần này, thanh khoản đã được cải thiện, nhưng tình trạng phân hóa mạnh vẫn diễn ra ở hầu hết các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. VN-Index liên tục tỏ ra "yếu đuối" trước nỗ lực vượt lên trên mốc 830 điểm.

Chứng khoán tuần 16-20/10: ROS tăng 32% không đủ kéo VN-Index vượt mốc 830 điểm

ROS tăng 32% vẫn không thể giúp VN-Index vượt mốc 830 điểm

Kết thúc tuần giao dịch giữa tháng 10, VN-Index tăng 5,89 điểm lên mức 826,84 điểm, tương ứng mức tăng 0,72%, HNX-Index giảm 0,97 điểm xuống 108,14 điểm, tương ứng mức giảm 0,89%, UPCOM-Index tăng 0,41 điểm lên mức 54,38 điểm tương ứng mức tăng 0,76%.

Dù trái ngược về mặt điểm số, nhưng thanh khoản trên cả hai sàn lại đồng loạt tăng trưởng. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 162,83 triệu đơn vị trên phiên tăng trưởng 15% so với tuần giao dịch trước, trong khi trên sàn HNX đạt 46,86 triệu cổ phiếu trên phiên, tăng trưởng 11,23%.

Sau 6 tuần liên tiếp bán ròng, nhà đầu tư nước ngoài hiện đã trở lại trạng thái mua ròng, với tổng giá trị đạt hơn 270 tỷ đồng. Đáng chú ý, khối này đã ghi nhận nhiều đột biến trên sàn HNX như phiên giao dịch khủng nhất ngày 17/10 bởi giao dịch thỏa thuận lớn cổ phiếu ACB, hay phiên mua ròng mạnh nhất trong năm tại ngày 18/10.

Thống kê tuần qua trên sàn HOSE, khối ngoại thực hiện 4 phiên bán ròng và duy nhất 1 phiên mua ròng vào đầu tuần ngày 16/10. Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng 217.090 đơn vị, giảm mạnh so với tuần trước bán ròng 7,1 triệu đơn vị. Tổng giá trị bán ròng tương ứng 86,87 tỷ đồng, tăng 28,37% so với tuần trước.

Cụ thể, khối này đã mua vào gần 51 triệu đơn vị, giá trị 1.915,02 tỷ đồng (tăng 74,82% về lượng và 54,18% về giá trị so với tuần trước đó) và bán ra 51,21 triệu đơn vị, giá trị 2.001,89 tỷ đồng (tăng 41,18% về lượng và 52,84% về giá trị so với tuần trước).

Trên sàn HOSE, KDH là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trong tuần qua với khối lượng 7,56 triệu đơn vị, trương ứng tổng giá trị 189,31 tỷ đồng.

Đứng ở vị trí thứ 2 là BID được mua ròng 3,55 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 92,12 tỷ đồng. Tiếp đó là PVD với 1,41 triệu đơn vị, giá trị hơn 24 tỷ đồng.

Trái lại, nhà đầu tư ngoại tiếp tục đẩy mạnh bán ra cổ phiếu KBC và đây vẫn là mã dẫn đầu danh mục bị bán ròng mạnh với 8,15 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị bán ròng đạt 121,71 tỷ đồng.

Tiếp theo đó là HPG bị bán ròng 2,31 triệu đơn vị, giá trị 97,14 tỷ đồng và HBC bị bán ròng 912.500 đơn vị, giá trị 58,59 tỷ đồng.

Về phía nhóm ngành, dược phẩm - y tế bật mạnh với mức tăng 5,06%, tiếp theo ngành công nghiệp bật tăng 3,54%, dầu khí tăng 3,49%, ngân hàng tăng 2,25%...Chiều ngược lại, nguyên vật liệu giảm 1,32%, công nghệ thông tin giảm 1,31%, tài chính giảm 1%...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí, bất động sản tiếp tục là tâm điểm của thị trường trong tuần qua. Sự luân chuyển chủ động của dòng tiền vẫn được duy trì rất tốt giúp tình trạng phân hóa được duy trì ở nhóm cổ phiếu này qua các phiên. Theo đó, VPB, VCB, BID, VIC, PLX, ROS… thay phiên nhau nổi sóng và giúp VN-Index giữ vững nhịp tăng.

Tuần này, Faros đã có màn bứt phá ngoạn mục

Ngoại trừ nhóm cổ phiếu blue-chip thì phần còn lại của thị trường diễn ra không mấy tích cực. Thanh khoản được cải thiện nhưng tình trạng phân hóa mạnh vẫn diễn ra ở hầu hết các nhóm cổ phiếu. Do đó, VN-Index liên tục thoái lùi với gia tốc khá nhanh khi nỗ lực vượt lên trên mốc 830 điểm thất bại.

Phiên cuối tuần, nỗ lực thất bại của VN-Index trong việc chinh phục mốc 830 điểm tiếp tục kích hoạt một làn sóng bán tháo trên toàn thị trường. Dù ROS tăng điểm rất tốt với chuỗi tăng trần qua 3 phiên liên tiếp nhưng điều này vẫn là không đủ để kéo sự hưng phấn quay trở lại.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sự sôi động của dòng tiền đầu cơ ăn theo kết quả kinh doanh quý III/2017 giúp nhiều cổ phiếu nổi sóng như APC, C32, CAV … Tuy nhiên, sự sôi động cũng đã hạ nhiệt trước diễn biến không mấy tích cực trên thị trường về cuối tuần.         

Tuần qua, cổ phiếu đứng trong Top 5 về thị giá là ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros đã có màn bứt phá ngoạn mục.

Với 5 phiên tăng liên tiếp, trong đó 3 phiên cuối tuần được kéo lên trần cùng giao dịch sôi động, là một trong những điểm tựa giúp Vn-Index tiến bước hoặc đóng vai trò là má phanh giúp chỉ số này không giảm quá sâu. Tổng kết tuần, ROS đã tăng gần 24% và là á quân của bảng xếp hạng.

Như vậy, tính chung trong tháng 10 này, ROS đã tăng 31,93% từ mức giá 107.100 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa ngày 29/9) lên mức 141.300 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa ngày 20/10).

Cùng với đó, dẫn đầu về mức tăng là IDI của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I. Mặc dù tuần qua, các lãnh đạo Công ty đua nhau thoái vốn khỏi IDI nhưng cùng với việc duy trì giao dịch sôi động, cổ phiếu này cũng đã có tuần khởi sắc.

Cụ thể, với 5 phiên tăng liên tiếp, trong đó có 2 phiên đầu tuần tăng trần, đã kéo giá cổ phiếu IDI từ mức 6.630 đồng/cổ phiếu lên 8.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 29,71%.

Thống kê trong tuần qua, Chủ tịch Hội đồng quản trị ông Lê Thanh Tuấn đã bán xong gần 2,79 triệu cổ phiếu IDI, Thành viên Hội đồng quản trị Trương Công Khanh và Phó tổng giám đốc Lê Văn Cảnh cùng bán hết 1 triệu cổ phiếu IDI, còn Phó tổng giám đốc Phạm Đình Nam đã bán xong 2 triệu cổ phiếu IDI. Ngoài ra, các Thành viên Hội đồng quản trị khác như ông Nguyễn Văn Hung và ông Lê Xuân Quế lần lượt đăng ký bán 400.000 và 420.000 cổ phiếu IDI.

Chiều ngược lại, DAT của Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch và Phát triển Thủy sản là cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần qua khi trải qua 5 phiên giảm sàn liên tiếp, đẩy giá cổ phiếu này xuống mức 19.550 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng cộng mức giảm đạt gần 30%.

Tuy nhiên, giao dịch của DAT khá nhỏ giọt với những phiên khớp vài chục đơn vị. Tổng giá trị giao dịch của DAT trong cả tuần chỉ đạt 5 triệu đồng.

Trong tuần qua, Hội đồng quản trị Công ty đã thông qua nghị quyết sẽ phát hành gần 5,72 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2015 và 2016 với tỷ lệ 15%, tức người sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 15 cổ phiếu mới. Thời gian phát hành dự kiến trong quý IV/2017.

Cũng có 5 phiên giảm sâu, EMC của Công ty cổ phần Cơ điện Thủ Đức đứng sát cạnh DAT với mức giảm 28,19%.

Cổ phiếu SBT giảm 10,97% trong tuần qua khi chưa đón nhận thêm thông tin mới liên quan đến hoạt động kinh doanh chính. Điểm đáng lưu ý là cổ phiếu này đã không ngừng nối dào chuỗi lao dốc trong hơn 2 tháng qua.       

Dù đã nhiều lần kiểm tra thành công ngưỡng kháng cự 830 điểm, nhưng chỉ số VN-Index chưa thực sự bứt phá, với việc thanh khoản suy yếu thì nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục rung lắc trong phiên giao dịch đầu tuần sau.

Nhà đầu tư ngắn hạn đang nắm giữ cổ phiếu có thể xem xét chốt lời dần khi thị trường tiến vào vùng kháng cự trong khoảng 830-832 điểm. Nhà đầu tư trung và dài hạn nên tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt và căn những nhịp điều chỉnh để mua thêm những mã có triển vọng tích cực trong cả năm nay.

Tin mới lên