Tài chính

Chứng khoán tuần 7-11/8: Ngân hàng gặp khó, VN-Index lùi về sát mốc 770 điểm

(VNF) – Đỉnh điểm của áp lực bán trên thị trường đến từ hoạt động bán tháo hàng loạt của giới đầu tư trong phiên giao dịch ngày 9/8. Tính chung phiên ngày 9/8, toàn thị trường niêm yết đã "bay hơi" 45.849 tỉ đồng, tương ứng với hơn 2 tỷ USD

Chứng khoán tuần 7-11/8: Ngân hàng gặp khó, VN-Index lùi về sát mốc 770 điểm

Toàn thị trường niêm yết đã "bay hơi" 45.849 tỷ đồng trong ngày 9/8

Kết thúc tuần vừa qua, VN-Index giảm 16,6 điểm tương ứng mức giảm 2,1% xuống còn 772,08 điểm, HNX-Index giảm 1,08 điểm xuống còn 100,86 điểm tương ứng mức giảm 1,06%, UPCOM-Index giảm 1,04 điểm tương ứng mức giảm 1,87% xuống còn 54,70 điểm.

Thanh khoản trên cả hai sàn tăng trưởng nhẹ. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 210,3 triệu đơn vị trên phiên tăng 23,22% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX đạt 74 triệu cổ phiếu trên phiên tăng 4,21%. Mức tăng trưởng nhẹ của thanh khoản chủ yếu đến từ sự gia tăng đột biến của thanh khoản thị trường trong phiên giao dịch ngày 09/08.

Những cổ phiếu Blue-chip như GAS, VCB, PLX, NVL, SAB...giảm điểm gây tác động xấu đến thị trường, trong khi đó CTG, HPG, VIC, BHS, FPT tăng điểm giúp VN-Index kìm hãm đà giảm điểm.

Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 358 tỷ đồng trên cả hai sàn. Trong đó, khối ngoại mua ròng trên HOSE với hơn 327.9 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với hơn 30.2 tỷ đồng.

Được mua ròng mạnh nhất có thể kể đến HPG(72,76 tỷ), VCI(72,75 tỷ), BHS(41 tỷ), SBT(34 tỷ)....chiều ngược lại, FIT bị bán ròng 59 tỷ, SSI bị bán ròng 34 tỷ, MSN bị bán ròng 32,56 tỷ, VNM bị bán ròng 61,45 tỷ....

Đỉnh điểm của áp lực bán trên thị trường đến từ hoạt động tháo hàng của giới đầu tư trong phiên giao dịch ngày 09/08. Tính chung phiên ngày 9/8, toàn thị trường niêm yết đã "bay hơi" 45.849 tỉ đồng, tương ứng với hơn 2 tỷ USD. Trong đó, nhóm ngân hàng giảm mạnh nhất, với 10 ngân hàng niêm yết trên sàn đã mất 15.725 tỉỷđồng, tương đương khoảng 639 triệu USD. Riêng cổ phiếu BIDV đã cuốn bay của thị trường 7.521 tỷ đồng. Không chỉ nhóm cổ phiếu ngân hàng bị tác động mà BIDV giảm sàn còn tác động lan tỏa tới cổ phiếu tài chính nói riêng và thị trường nói chung

Sau phiên "đen tối" ngày 9/8, thị trường dần ổn định trở lại trong các phiên giao dịch cuối tuần. Lực cầu gia tăng nhẹ cùng sự suy giảm của áp lực bán đã giúp giao dịch trở nên cân bằng hơn. Tuy vậy, tâm lý của giới đầu tư vẫn duy trì sự thận trọng tăng cao khi thanh khoản và các chỉ số đều đi xuống trong các phiên cuối tuần.

Trong tuần qua, chỉ ghi nhận ngành dầu khí tăng 0,71% và ngành nguyên vật liệu tăng 0,45%, ngân hàng giảm mạnh với mức giảm 3,65%, chứng khoán giảm 2,29%, dược phẩm giảm 1,66%...

Cổ phiếu TDG tăng mạnh 21,57% trong tuần qua nhiều khả năng đến từ thông tin tích cực liên quan đến kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Cụ thể, doanh thu 6 tháng đầu năm đạt hơn 112,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt hơn 7 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 46% và 44% so với cùng kỳ năm trước.

Cổ phiếu ATG tăng 18,34% và cổ phiếu TSC tăng 21,5% dù không có thông tin đáng chú ý nào được đưa ra. Dòng tiền đầu cơ vẫn đang đẩy mạnh hoạt động ở những cổ phiếu này sau khi cổ phiếu này đã ghi nhận chuỗi giảm giá mạnh trong thời gian trước đó

Cổ phiếu SBT giảm mạnh 22,66% trong tuần qua nhiều khả năng đến từ những lo ngại về rủi ro điều chỉnh giá cổ phiếu sau khi BHS hoàn tất sáp nhập với SBT trong thời gian tới.

Cổ phiếu CMX giảm 20.06% trong tuần qua khi chưa đón nhận thêm thông tin mới liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Cổ phiếu QCG giảm 19,96% dù cách đây không lâu công ty đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2017 với doanh thu thuần 299,3 tỷ đồng – tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng 41%, chậm hơn tốc độ tăng doanh thu giúp lãi gộp QCG đạt 47,7 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Có thể hình dung 2 kịch bản xảy ra trong tuần tới. Ở kịch bản thứ nhất, thị trường tiếp tục điều chỉnh mạnh và thanh khoản tiếp tục ở mức cao. Nhà đầu tư nên bán ra cổ phiếu trong danh mục đang nắm giữ.

Khả năng thứ hai là nhà đầu tư sẽ tĩnh tâm lại và lực bán sẽ không còn mạnh nữa. Nhưng dưới sự tác động của Blue-chip, VN-Index vẫn có thời điểm rơi xuống dưới mốc 770 điểm hoặc chốt phiên với mức giảm lớn. Nhà đầu tư có thể cân nhắc các phiên giảm điểm tiếp theo của chỉ số VN-Index để gia tăng tỷ trọng cho danh mục, tập trung ở các mã cổ phiếu cơ bản đầu ngành có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.

Tin mới lên