Tài chính

Chứng khoán Việt kỳ vọng lên hạng 'thị trường mới nổi' cuối năm 2017

(VNF) - Theo thông tin từ trang FinanceAsia, lãnh đạo các tổ chức tài chính tại Việt Nam kỳ vọng, đến cuối năm 2017, thị trường chứng khoán trong nước từ vị trí "sơ khai" sẽ được nâng hạng lên thị trường "mới nổi". Sự chuyển biến tích cực này sẽ giúp Việt Nam có đủ điều kiện hình thành một sân chơi rộng lớn cho giới đầu tư.

Chứng khoán Việt kỳ vọng lên hạng 'thị trường mới nổi' cuối năm 2017

FinanceAsia cho biết mặc dù kỳ vọng này chưa được công bố rộng rãi, song các nhà lãnh đạo trong giới tài chính đều nóng lòng chờ đợi sự thay đổi này sẽ sớm trở thành hiện thực. Hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn nằm trong chỉ số các thị trường sơ khai (frontiers market index) của MSCI cùng với các nước như Bangladesh, Ghana, Ukraine và Jamaica. 

Theo FinanceAsia, ông Phan Anh Vũ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank Securities) dự đoán quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam với mức vốn hóa 57 tỷ USD hiện nay sẽ tăng lên gấp 5 lần vào năm 2017 và thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ lọt vào chỉ số các thị trường mới nổi (emerging markets index) của MSCI. Mục tiêu này nằm trong nỗ lực thực hiện cổ phần hóa của Chính phủ và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường, ông Vũ cho biết.

Công ty MSCI Inc. có trụ sở ở New York (Mỹ) đưa ra nhiều chỉ số chứng khoán khác nhau làm thước đo cho các thị trường chứng khoán trên toàn cầu, trong đó các chỉ số MSCI frontier markets index, MSCI emerging markets index hay MSCI world index. Các chỉ số của MSCI đo diễn biến của các thị trường chứng khoán với tổng tài sản khoảng 9,5 nghìn tỷ USD và các chỉ số này luôn được giới đầu tư tín nhiệm. Việc Việt Nam lọt vào chỉ số các thị trường mới nổi của MSCI sẽ mở ra cơ hội nhận được thêm một luồng vốn đầu tư mạnh từ các nhà đầu tư ngoại.

Tuy nhiên, để được nâng hạng thị trường chứng khoán đòi hỏi Việt Nam phải cải thiện sự minh bạch của thị trường cũng như mức độ thanh khoản. Ông Vũ cho biết Chính phủ sẽ đẩy mạnh việc cải cách vào năm tới.

Cũng nhìn nhận theo hướng lạc quan này, bà Lê Thị Lệ Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI Hà Nội thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn cho biết mới đây MSCI đã tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về việc cần làm gì để "tốt nghiệp" thị trường chứng khoán từ "sơ khai" lên "mới nổi". Một khi thị trường đáp ứng các tiêu chí của MSCI như quy mô vốn hóa thị trường, mức độ tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài, thì sau quá trình 2 năm, thị trường có thể được nâng hạng. "Chúng tôi mong chờ thông báo chính thức của Chính phủ liên quan đến viêc đáp ứng yêu cầu của MSCI", bà Hằng nói.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi là một trong những mục tiêu nằm trong kế hoạch cải cách thị trường. Việc Chính phủ quyết định nâng trần sở hữu cho khối ngoại từ ngày 1/9 theo Nghị định 60/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012 được xem là một bước tiến lớn của Việt Nam tiến tới thông lệ quốc tế. Theo đó, Nghị định quy định nâng tỷ lệ sở hữu - nới "room" cho nhà đầu tư nước ngoài ở nhiều ngành nghề trong đó có công ty chứng khoán sẽ là 100% thay vì 49% theo quy định cũ, còn với ngân hàng tối đa là 30%. 

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn nghi ngại về khả năng thực hiện. Đến nay mới chỉ có SSI là công ty chứng khoán đầu tiên nâng "room" khối ngoại lên 100% (bắt đầu từ ngày 1/9/2015). Sự hồ hởi của SSI không tạo thành trào lưu. Hầu hết các công ty trên sàn vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể trước khi quyết định nới "room" cho khối ngoại. 

Liên quan đến cổ phần hóa, các Tập đoàn lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Petrolimex và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), số lượng cổ phần đấu giá chỉ chiếm khoảng 3% điều lệ và điều này vẫn hạn chế sự tiếp cận từ nhà đầu tư ngoại, theo FinanceAsia.

Ông Chin Chia Ping, Giám đốc MSCI Hồng Kông đồng tình quan điểm rằng Chính phủ Việt Nam đã có những cải cách quan trọng, tuy nhiên, nếu Việt Nam vẫn hạn chế sự tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty lớn thì thị trường chứng khoán vẫn chỉ ở mức độ sơ khai.

"Nới tỷ lệ giới hạn sở hữu nước ngoài là một chuyện, tuy nhiên tăng cường các cổ phiếu giao dịch tự do lại là vấn đề khác", Ông Chin Chia Ping cho biết. "Điều này làm hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường".

Giám đốc MSCI Hồng Kông cũng cho rằng để nâng cấp thành trường mới nổi đòi hỏi Việt Nam phải mở rộng hơn nữa đối với sở hữu nước ngoài, các dòng vốn ra vào dễ dàng, đáp ứng mức độ tối thiểu về thanh khoản và giá trị vốn hóa của thị trường, cũng như tính minh bạch và mức độ công bố thông tin.

Tin mới lên