Chứng khoán

7 điều cần biết về vụ IPO lớn nhất thế giới năm 2015

Sự kiện Japan Post lên sàn không chỉ là vụ IPO lớn nhất thế giới kể từ đầu năm đến nay mà còn là vụ tư nhân hóa lớn nhất của Nhật Bản kể từ năm 1987.

7 điều cần biết về vụ IPO lớn nhất thế giới năm 2015

Ngày 4/11 tới, tập đoàn Japan Post của Nhật Bản sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Đây không chỉ là vụ IPO lớn nhất thế giới kể từ đầu năm đến nay mà còn là vụ tư nhân hóa lớn nhất của Nhật Bản kể từ năm 1987.

Dưới đây là một số điểm đáng chú ý về vụ IPO này:

Làn sóng tư nhân hóa các công ty bưu điện

Ở Italy, cổ phiếu của Poste Italiane vừa mới lên sàn và Trung Quốc cũng đang có kế hoạch vào năm tới sẽ bán cổ phần trong ngân hàng bưu điện. Royal Mail của Anh lên sàn năm 2013 và các nước từ Bỉ tới Đức cũng đã sẵn sàng tư nhân hóa hệ thống bưu điện.

Ở Nhật Bản, bưu điện không đơn thuần chỉ là nơi để gửi thư. Cơ quan này còn có hoạt động tài chính là nhận tiền gửi tiết kiệm của người dân và bán bảo hiểm. Hiện Japan Post là ngân hàng lớn nhất Nhật Bản xét theo lượng tiền gửi và cũng là công ty bảo hiểm lớn nhất xét theo tài sản. Với hơn 200.000 nhân viên, đây cũng là một trong những công ty đông nhân viên nhất ở Nhật Bản.

Ngày 4/11 tới, Chính phủ Nhật sẽ bán khoảng 11% cổ phần trong 3 công ty thuộc Japan Post là công ty mẹ cùng hai mảng ngân hàng và bảo hiểm. Sẽ có thêm cổ phần được bán ra trong những năm sắp tới. Kế hoạch của Chính phủ Nhật là cuối cùng sẽ chỉ giữ khoảng 1/3 cổ phần của công ty mẹ, trong khi thoái vốn hoàn toàn khỏi mảng ngân hàng và bảo hiểm.

Cựu Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi lần đầu tiên đưa ra và đẩy mạnh ý tưởng này từ 10 năm trước. Ông cho rằng khối tài sản khổng lồ của Japan Post nên được quản lý một cách hiệu quả hơn dưới "bàn tay" của khu vực tư nhân. Phần lớn số tiền mà Japan Post nắm giữ được đầu tư vào trái phiếu chính phủ và tài trợ cho các dự án công. Ông Koizumi nói rằng đây là một sự lãng phí và khiến gánh nặng nợ quốc gia của Nhật Bản phình to.

Trong nhiều năm qua, kế hoạch tư nhân hóa Japan Post đã nhận được hai luồng ý kiến trái chiều từ các nghị sĩ. Các chính trị gia Nhật Bản chỉ đi đến đồng thuận sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, với ý định dùng số tiền huy động được tài trợ cho quá trình tái thiết các vùng bị ảnh hưởng ở miền Đông Bắc.

Vụ IPO này rất phù hợp với mục tiêu khuyến khích các hộ gia đình đầu tư nhiều hơn thay vì tiết kiệm mà chính phủ của Thủ tướng đương nhiệm là Shinzo Abe đang hướng tới.

Ai mua cổ phần của Japan Post?

Gần 80% sẽ được bán cho các nhà đầu tư cá nhân Nhật Bản. 20% còn lại được bán cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Nhu cầu đối với cổ phiếu Japan Post là rất lớn. Cổ phiếu của cả 3 công ty đều được định giá ở mức cao so với thị trường.

Sự kiện tư nhân hóa Japan Post được dự báo sẽ đem đến những tác động rất to lớn đối với hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế và thị trường tài chính Nhật Bản. Mảng ngân hàng của Japan Post đang phải chịu những giới hạn về hoạt động cho vay tiền và nhận tiền gửi. Sau khi IPO các giới hạn này sẽ được dỡ bỏ, do đó giúp tăng khả năng cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực. Thậm chí một số ngân hàng sẽ phải sát nhập để tồn tại.

Japan Post Bank cũng đang tìm cách chuyển số tiền 1.700 tỷ USD hiện đang được đầu tư vào các trái phiếu chính phủ có lợi suất thấp sang các loại chứng khoán khác có mức lợi suất cao hơn như trái phiếu chính phủ nước ngoài hay cổ phiếu. Năm ngoái, quỹ hưu trí lớn nhất Nhật Bản cũng đã làm điều tương tự.

Việc Japan Post Bank tái cấu trúc danh mục đầu tư sẽ bơm dòng tiền mới vào TTCK Nhật Bản. Japan Post Bank cũng có thể bản một lượng trái phiếu Chính phủ cho NHTW Nhật Bản - đơn vị đang muốn mua vào trái phiếu để tạo ra lạm phát.

Sẽ có những bưu điện bị đóng cửa? Điều này không có nhiều khả năng xảy ra. Theo luật, Japan Post vẫn phải duy trì các dịch vụ bưu điện kể cả sau khi đã bán cổ phần ra công chúng. Vì thế, Japan Post sẽ giữ nguyên hoạt động của 24.000 chi nhánh trên toàn quốc.

Tin mới lên