Chứng khoán

Cổ phần hóa COMA: Nhà nước vẫn sẽ giữ 51%

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, Nhà nước sẽ vẫn nắm giữ 51% cổ phần của COMA

Cổ phần hóa COMA: Nhà nước vẫn sẽ giữ 51%

COMA hiện vẫn đang là một doanh nghiệp hàng đầu về cơ khí xây dựng

Bộ Xây dựng vừa có tờ trình gửi Chính phủ xin phê duyệt Phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty mẹ - Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) thành công ty cổ phần.

Theo tờ trình này, hình thức cổ phần hóa là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Về vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần phát hành, theo Quyết định số 716/QĐ-BXD  ngày 28/6/2015 của Bộ Xây dựng về việc phê duyệt giá trị doanh nghiệp, giá trị thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm 0h ngày 01/7/2014 là 1.689,3 tỷ đồng; trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 239,7 tỷ đồng.

Căn cứ kế hoạch đầu tư dự án của COMA giai đoạn 2015 - 2017, nhu cầu vốn tự có (chiếm 30% tổng nhu cầu vốn đầu tư) trong ba năm 2015 - 2017 là 119,6 tỷ đồng, COMA sẽ cần thêm 110,3 tỷ đồng vốn tự có huy động thông qua phát hành cổ phiếu.

Theo Báo cáo tài chính tại ngày 30/06/2014, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 11 lần (1.408 tỷ đồng/124 tỷ đồng). Với mức vốn điều lệ xác định là 350 tỷ đồng sẽ góp phần giảm tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu về mức hợp lý.

Về cổ phần phát hành lần đầu, Bộ Xây dựng đề xuất cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu là 35.000.000 cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng (mười nghìn đồng)/01 cổ phần.

Trong số này, cổ phần Nhà nước nắm giữ là 17.850.000 cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ; cổ phần bán cho cán bộ công nhân viên là 1.309.900 cổ phần, chiếm 3,74% vốn điều lệ; bán ra bên ngoài là 15.840.100 cổ phần, chiếm 45,26% vốn điều lệ. Trong phần "bán ra bên ngoài", dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược 10.500.000 cổ phần, chiếm 30% vốn điều lệ; đồng thời đấu giá công khai (IPO) 5.340.100 cổ phần chiếm 15,26% vốn điều lệ.

Trường hợp không có nhà đầu tư chiến lược trước khi bán đấu giá công khai, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bán đấu giá công khai toàn bộ 15.840.100 cổ phần, chiếm 45,26%vốn điều lệ.

Về tiêu chí lựa chọn, phương thức và giá bán cho nhà đầu tư chiến lược, phải là nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài có năng lực tài chính và đủ nguồn góp vốn ưu tiên các nhà đầu tư có cùng ngành nghề hoạt động với COMA; có cam kết bằng văn bản hỗ trợ COMA xây dựng sau cổ phần hóa về chuyển giao công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực tài chính; quản trị doanh nghiệp; cung ứng nguyên vật liệu, thiết bị; phát triển thị trường.

Nhà đầu tư chiến lược cũng phải cam kết nắm giữ cổ phần tại Tổng công ty tối thiểu 05 năm kể từ ngày COMA được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp dưới hình thức công ty cổ phần; đồng thời không thực hiện các giao dịch nào với COMA sau cổ phần hóa dẫn đến xung đột lợi ích và tạo ra sự độc quyền hoặc cạnh tranh không lành mạnh với khách hàng, nhà đầu tư khác.

Về phương thức và giá bán cho nhà đầu tư chiến lược, Bộ Xây dựng đề nghị bán theo phương thức thỏa thuận trực tiếp với mức giá không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc bán đấu giá công khai. Hình thức phát hành là đấu giá công khai với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần.

Về đấu giá cổ phần lần đầu, phải hoàn thành trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa; trường hợp không bán hết số lượng cổ phần phát hành, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa sẽ tiếp tục bán thỏa thuận cho các nhà đầu tư đã tham gia đấu giá và nhà đầu tư chiến lược. Sau khi bán thỏa thuận mà vẫn không bán hết sẽ xử lý theo quy định hiện hành.
 

Tin mới lên