Chứng khoán

TTCK 2014 và những dấu ấn khó phai

(VNF) - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm qua ghi dấu nhiều thăng trầm và sóng gió, để lại dấu ấn khó phai trong lòng nhà đầu tư với nhiều cảm xúc thăng hoa hoặc cay đắng.

TTCK 2014 và những dấu ấn khó phai

Dấu ấn khó phai

Thống kê trong năm 2014 diễn ra nhiều dấu ấn vô cùng quan trọng như sự kiện Trung Quốc có hành động ngang ngược khi đưa giàn khoan vào biển Đông  và hạ đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam, khiến nhà đầu tư hoàng loạn. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phải lên tiếng trấn an để tránh bị lợi dụng bởi lúc này các quỹ đầu tư lớn và khối tự doanh công ty chứng khoán vẫn tích cực mua vào.

Đây có lẽ là lịch sử đen tối nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam khi bị tác động mạnh từ bên ngoài.

Năm qua, hoạt động giao dịch, tăng vốn khủng diễn ra khá mạnh trên thị trường. Các chiêu thức huy động vốn từ các doanh nghiệp như làm đẹp báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh đột biến, tạo hiện tượng cổ đông nội bộ đồng loạt gom cổ phiếu, lãnh đạo đăng đàn "tung" ra những kế hoạch hay dự án đẹp như mơ... để "thổi" giá và thanh khoản cổ phiếu trên sàn cho cho mục đích phát hành thêm thành công.

Một số doanh nghiệp nợ nần chồng chất, làm ăn thua lỗ còn phát hành thêm cổ phiếu nhằm mục đích để cấn trừ nợ. Đáng chú ý là hai cổ phiếu FLC và KLF đã đạt kỷ lục về khối lượng tích lũy liên tiếp 3 phiên đạt trên 113,6 triệu cổ phiếu, chiếm 36% tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành. KLF cũng đạt khối lượng tích lũy cao nhất 78,8 triệu cổ phiếu, chiếm tới 52% tổng khối lượng.

Thông tư 36 chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 2/2015, trong đó quy định về tín dụng cho vay đầu tư cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng (trước đó là 20% tính cả trái phiếu). Ngoài ra, tổ chức tín dụng chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán khi đáp ứng được đầy đủ các tỷ lệ an toàn hoạt động và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Mặc dù những con số trên không có ý nghĩa siết chặt, mang tính định hướng nhưng ngay sau khi Thông tư 36 xuất hiện, thị trường chứng khoán đã chao đảo với những dấu hiệu kém tích cực.

Năm 2014 là cộc mốc đáng nhớ nhất đối với nhóm cổ phiếu dầu khí khi góp phần kéo thị trường tăng lên mốc 645 điểm. Tuy nhiên, khi giá dầu giảm thì nhóm dầu khí đã kéo chỉ số VN-Index lao dốc về mức thấp nhất là 513 điểm.

Thị trường đã vô cùng khắc nghiệt khi có thể đánh bay thành quả suốt năm qua thậm chí còn làm nhiều nhà đầu tư thua lỗ.

Trong năm 2014, việc triển khai sản phẩm ETF, giúp cơ quan quản lý tích cực nghiên cứu để có thể sớm triển khai thí điểm quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí bổ sung. Hoạt động tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán dựa trên các chỉ tiêu an toàn tài chính để tiến hành rà soát, đánh giá phân loại công ty chứng khoán (CTCK), trên cơ sở đó tiến hành xử lý theo hướng hợp nhất, sáp nhập, giải thể CTCK.

Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép doanh nghiệp nhà nước được thoái vốn dưới mệnh giá và giá trị sổ sách đã tạo sự linh hoạt, góp phần hỗ trợ công tác huy động vốn, nâng cao sức cạnh tranh, tạo sự minh bạch.

Mặc dù thị trường vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách khi vốn ngoại diễn biến không tích cực như kỳ vọng, một số doanh nghiệp niêm yết có kết quả sản xuất kinh doanh tốt, thì vẫn còn không ít đơn vị gặp nhiều khó khăn, khi vay nợ ngắn hạn, hàng tồn kho tăng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi tích cực, xét về các phương diện tốc độ tăng chỉ số, mức độ ổn định, khối lượng giao dịch, cho thấy đang phản ánh khá rõ nét những chuyển biến tích cực của nền kinh tế.

Triển vọng lạc quan hơn  

Nhận định chung của giới đầu tư là: Nhiều kết quả tích cực trong năm 2014 tạo nền tảng hỗ trợ tốt cho sự lạc quan hơn của TTCK trong năm 2015. Theo đó, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gắn với đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK sẽ được triển khai quyết liệt hơn.

Các giải pháp để thu hút hiệu quả hơn các dòng vốn nước ngoài tham gia thị trường sẽ tiếp tục triển khai. Việc tái cấu trúc TTCK theo hướng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm; thúc đẩy tái cấu trúc hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán, hiện đại hóa tổ chức TTCK; tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Các yếu tố này sẽ giúp tăng quy mô, cũng như thanh khoản cho TTCK. Việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán giúp doanh nghiệp đánh giá được khả năng quản trị của mình, tạo ra sự khác biệt, góp phần thúc đẩy TTCK phát triển.

Trong dài hạn, chính sách kiểm soát chặt dòng tiền từ khu vực ngân hàng vào TTCK của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ mang lại tác động tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, cần theo dõi, phân tích thêm để tránh tác động không tích cực.

Bên cạnh một số ngân hàng đã vượt tỷ lệ được phép cho vay đầu tư chứng khoán, hiện nhiều ngân hàng còn dư địa cho vay đầu tư chứng khoán. Do đó, trên cơ sở theo dõi thêm tác động của chính sách kiểm soát chặt dòng vốn từ ngân hàng đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, UBCK rất cần phối hợp với NHNN đánh giá đúng, chính xác số tiền chảy vào TTCK, qua đó có ứng xử và giải pháp kịp thời để tránh tác động tiêu cực đến thị trường.

Để hỗ trợ TTCK phát triển tích cực hơn trong năm 2015, cơ quan quản lý nhà nước sẽ cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, để trình Chính phủ xem xét ban hành như: quyết định thành lập Sở GDCK Việt Nam, Nghị định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh…

Các hoạt động đấu giá cổ phần các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa và tái cơ cấu, triển khai các chương trình hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty để thực hiện đấu giá cổ phần và gắn với niêm yết đăng ký giao dịch trên TTCK sẽ tiếp tục được triển khai.

Việc phát hành trái phiếu với các kỳ hạn dài từ 5 - 15 năm đã giúp Chính phủ thu hút nguồn vốn dài hạn, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn, đồng thời đa dạng hóa hàng hóa trên thị trường trái phiếu.

Trong năm 2015, TTCK sẽ chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn khi mặt bằng lãi suất và lạm phát được giữ ổn định. Để xây dựng TTCK an toàn, minh bạch và hiệu quả, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng và triển khai công tác tái cấu trúc thị trường, ban hành các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh, điều tiết hoạt động của các chủ thể tham gia, là rất quan trọng.

Tin mới lên