Diễn đàn VNF

Chuyên gia Fulbright: Dự án 4 con đường tại Thủ Thiêm rất bất hợp lý

(VNF) – TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, giảng viên chính sách công của Đại học Fulbright Việt Nam, đã chỉ ra các điểm bất hợp lý trong cơ chế BT, chi phí xây dựng và giá trị quyền sử dụng đất tại dự án 4 con đường ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP. HCM).

Chuyên gia Fulbright: Dự án 4 con đường tại Thủ Thiêm rất bất hợp lý

TS Nguyễn Xuân Thành

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết theo Hợp đồng BT, chủ đầu tư (Công ty Đại Quang Minh) sẽ xây 4 con đường tại Thủ Thiêm với tổng chi phí xây dựng tính vào năm 2013 là 8.265 tỷ đồng (nếu kể cả chi phí lãi vay và dự phòng lạm phát thì lên tới 12.182 tỷ đồng).

Đổi lại, Nhà nước sẽ thanh toán cho chủ đầu tư bằng giá trị quyền sử dụng đất được định giá vào năm 2013 là 12.491 tỷ đồng. Vì hưởng đất giá trị cao hơn chi phí xây dựng nên chủ đầu tư sẽ phải nộp vào ngân sách số tiền bằng đúng mức chênh lệch là 4.226 tỷ đồng (trong đó, 2.376 tỷ đồng đã nộp và 1.850 tỷ đồng sẽ nộp sau).

“Tìm đi tìm lại mà hợp đồng BT không thấy nói gì về lợi nhuận mà chủ đầu tư được hưởng. Nhìn vào phương thức thanh toán thì hiểu rằng toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất mà chủ đầu tư được hưởng chỉ đủ để trang trải đúng cho chi phí xây dựng bỏ ra (và có cho chi phí lãi vay và dự phòng lạm phát). Hơn thế nữa, nếu chi phí quyết toán sau này thấp hơn con số 8.265 tỷ đồng thì chủ đầu tư cũng không được lợi, vì Nhà nước sẽ chỉ thanh toán tiền sử dụng đất theo con số quyết toán”, ông Thành nhận định.

“Nếu tin vào các con số và cam kết trong hợp đồng, thì cả bên A và bên B rất là vì dân, vì nước. Còn trong kinh tế thị trường thì chủ đầu tư chắc chắn phải có lợi nhuận. Mà nếu vậy thì lợi nhuận chỉ có thể có được nếu chi phí xây dựng thực tế thấp con số 8.265 tỷ đồng và/hay giá trị quyền sử dụng đất cao hơn con số 12.491 tỷ đồng”, ông Thành cho biết thêm.

Về chi phí xây dựng 4 con đường tại Thủ thiêm, ông Thành làm một phép tính:  chia tổng mức đầu tư 12.182 tỷ đồng cho 11,9 km đường thì suất đầu tư sẽ là 1.023 tỷ đồng/km. “Con số này không phải là đắt nhất mà còn đắt hơn cả chi phí làm đường hầm (khoảng 40 triệu USD/km)”.

Tuy nhiên, nếu xét theo đúng như hợp đồng thì con số chi phí xây dựng làm căn cứ tính toán chỉ là 8.265 tỷ đồng. Như vậy, suất đầu tư là 695 tỷ đồng/km (33,3 triệu USD, thời giá năm 2013).

Dù vậy, ông Thành vẫn cho rằng “Có làm cầu và xử lý nền đất yếu cũng không đắt như vậy vì chi phí đền bù và giải tỏa thì dự án này không chịu”.

“Không biết khi hoàn thành trong thời gian tới đây, 4 con đường này sẽ được quyết toán thế nào để thể hiện cho sự hợp lý của suất đầu tư trên. Còn hiện tại, chi chí xây dựng dở dang của 4 con đường được tính là 4.248 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2017 khi chưa có kiểm toán, còn sau khi kiểm toán tại cùng thời điểm này thì là 2.776 tỷ đồng; và đến 31/12/2017 là 2.095 tỷ đồng”, ông Thành thông tin thêm.

Về giá trị quyền sử dụng đất tại Thủ Thiêm, Công ty Đại Quang Minh được hưởng 79ha khi đầu tư 4 con đường. Diện tích đất này được định giá 12.491 tỷ đồng, tức bình quân 15,6 triệu đồng/m2.

“Nếu căn cứ vào số này thì đúng là quá rẻ”, vị chuyên gia từ Fulbright bình luận

Theo giải thích từ phía chủ đầu tư, công ty không được kinh doanh hết diện tích 79ha đất được nhận. Theo đó, có 33,3ha là đất giao thông và công viên (312.500 m2 đất giao thông và 17.900 m2 đất công viên). Đất trường học, nhà văn hóa và bến du thuyền có diện tích 10,7 ha (71.356 m2 đất trường học, nhà văn hóa và bến du thuyền 35.221 m2).

Còn lại, đất ở, đất thương mại và đất dịch vụ tổng hợp có tổng diện tích 36,1 ha (chính xác là 361.249 m2).

“Để có được con số tổng 12.491 tỷ đồng thì 36,1ha đất này được định giá 31,3 triệu đồng/m2, tương đương hay cao hơn một chút so với đất nằm ngay ngoài khu đô thị Thủ Thiêm được giao dịch lúc đó. Lập luận nói rằng cho sự hợp lý của giá đất đó là do đất chưa có hạ tầng đầy đủ.

“Nhưng đây là cái vòng tạo lợi nhuận lớn cho chủ đầu tư: tiền đất phải trả được định trong bối cảnh chưa có hạ tầng; biết chắc là sẽ có hạ tầng trong tương lai gần; tiền làm hạ tầng cuối cùng là do nhà nước chịu”, ông Thành nhận xét.

 

Giải thích về chi phí xây dựng 4 con đường, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Đại Quang Minh, nói:

“Các chuyên gia có thể căn cứ trên nguyên tắc chung nhưng ở đây họ quên rằng chúng tôi phải xử lý nền đất yếu. Đây là giải pháp tốn nhiều chi phí nhất vì khối lượng vật liệu từ cát, xi măng, cọc nhồi giá rất cao với khối lượng lớn. Chúng tôi cũng phải đầu tư toàn bộ hạ tầng kỹ thuật được ngầm hóa toàn bộ từ điện, viễn thông, cấp thoát nước...

“Ngoài ra, còn có 11 cây cầu, trong đó có 2 cầu cạn có chiều dài 1,8 km và một cây cầu dầm thép bắc qua hầm vượt sông Sài Gòn có chiều dài 100 m; một cây cầu vượt qua Quảng trường trung tâm rộng 55 m vượt nhịp 38 m (sử dụng bê tông siêu cường lực UHPC) đảm bảo cho các lễ hội duyệt binh, diễu hành... Đó là chưa kể chi phí về lãi suất, trượt giá.

“Nếu nói 4 tuyến đường này đắt thì cũng phải chấp nhận vì quá trình thi công có nhiều chi tiết phải xử lý đã đội giá thành lên rất cao. Quá trình này kỳ công mà không ai hình dung ra được phải làm từng mét vuông một và mất rất nhiều thời gian chi phí rất nhiều”.

Tin mới lên