Nhân vật

Chuyên gia kiến nghị hạ thêm lãi suất để tín dụng chảy vào doanh nghiệp

(VNF) - TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích, trong bối cảnh lãi suất đang cao, nếu mở rộng tín dụng thì nguồn lực này sẽ chảy vào những lĩnh vực ngoài mong muốn như bất động sản, chứng khoán, những ngành có mức độ rủi ro tương đối cao. Trong khi, nếu lãi suất giảm xuống thì tăng trưởng tín dụng này sẽ vào được những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Chuyên gia kiến nghị hạ thêm lãi suất để tín dụng chảy vào doanh nghiệp

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa

Xung quanh việc nới tăng trưởng tín dụng lên trên mức 20%, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tăng trưởng tín dụng trên mức 20% là có thể đạt được, do các điều kiện kinh tế vĩ mô đang tương đối thuận lợi để NHNN có thể xem xét tới việc tăng cung tiền tệ và trên cơ sở đó giảm lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, một điều rất quan trọng cần phải tính toán, xem xét đó là liệu doanh nghiệp, nền kinh tế có khả năng hấp thụ nguồn vốn tín dụng được mở rộng hay không?

Ông Nghĩa cho rằng, việc các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế sẽ có cơ hội tiếp cận và khả năng hấp thụ tốt phụ thuộc vào lãi suất, nếu lãi suất cao thì các doanh nghiệp khó có thể hấp thụ được nguồn vốn tín dụng đó.

TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích, trong bối cảnh lãi suất đang cao, nếu mở rộng tín dụng thì nguồn lực này sẽ chảy vào những lĩnh vực ngoài mong muốn như bất động sản, chứng khoán, những ngành có mức độ rủi ro tương đối cao. Trong khi, nếu lãi suất giảm xuống thì tăng trưởng tín dụng này sẽ vào được những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Vị chuyên gia này cũng dẫn ra hai khả năng khi đưa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên trên 20%. Nếu nền kinh tế hấp thụ tốt, đúng hướng, trong điều kiện lãi suất tương đối thấp có thể tạo nên hiệu ứng tăng cầu, góp phần tăng trưởng GDP. Còn nếu không giảm lãi suất mà đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao như vậy thì chưa chắc đã tạo nên được tác dụng tăng tổng cầu an toàn và có thể dẫn đến lạm phát cao hơn trong những năm tiếp theo.

Ông Nghĩa cho rằng, thực tế, mặt bằng lãi suất của Việt Nam vẫn ở mức cao, kể cả khi so với Trung Quốc và các nước ASEAN… làm tăng gánh nặng chi phí tài chính của doanh nghiệp lên khá lớn. Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam làm việc phần lớn bằng vốn đi vay, tỉ lệ đòn bẩy tài chính cao, trong 100 tỷ thì vốn tự có chỉ khoảng 10-20 tỷ, còn lại là vốn vay, dẫn đến chi phí tài chính trong giá thành sản phẩm còn rất lớn.

"Có doanh nghiệp đạt doanh thu năm khoảng 150 tỷ thì lãi vay ngân hàng đã lên tới 5-6 tỷ, vượt cả chi phí về trích lập khấu hao, đó là điều mà chỉ làm doanh nghiệp mới hiểu được sức ép của lãi suất ngân hàng lớn đến như thế nào", ông Nghĩa chia sẻ.

Đặc biệt, các doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo thường xuyên nhập khẩu nguyên vật liệu nên vốn lưu động rất lớn. Như trong ngành bao bì, giả sử doanh thu 100 tỷ thì riêng tiền nguyên phụ liệu đã chiếm tới 75-80%, tất cả chi phí này phải đi vay ngân hàng làm vốn lưu động. Cho dù tăng vòng quay vốn như thế nào thì chi phí trả lãi vay ngân hàng trong tổng chi phí vẫn rất lớn tạo nên sức ép, hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

"Điều kiện quan trọng là lãi suất phải giảm để nâng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và tăng được sức cạnh tranh của doanh nghiệp", TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Tin mới lên