Tài chính tiêu dùng

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: 'Thói quen dùng tiền mặt phải được xoá bỏ trong vòng 10 năm'

"Nền kinh tế ưa chuộng tiền mặt là nền kinh tế lạc hậu khi tốn kém quá nhiều chi phí cho in tiền, chuyên chở và tạo điều kiện cho tham nhũng, phi pháp, đầu cơ… Vì vậy, không còn lựa chọn nào khác hơn là đưa Việt Nam thành nền kinh tế phi tiền mặt trong vòng 10 năm tới".

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: 'Thói quen dùng tiền mặt phải được xoá bỏ trong vòng 10 năm'

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.

Kinh tế phi tiền mặt là xu thế tất yếu

Định hướng Việt Nam trở thành quốc gia hạn chế sử dụng tiền mặt là vấn đề được đông đảo các nhà lãnh đạo, chuyên gia kinh tế quan tâm, thảo luận trong nhiều diễn đàn, đặc biệt là trong sự kiện APEC

Trước vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định thanh toán không dùng tiền mặt chắc chắn là một xu thế tất yếu. "Chúng ta không có lựa chọn nào khác hơn là đưa nền kinh tế Việt Nam thành nền kinh tế phi tiền mặt", ông nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, nền kinh tế ưa chuộng tiền mặt là một nền kinh tế lạc hậu. Đặc biệt, trong thời điểm kinh tế xã hội phát triển không ngừng, các quốc gia trên thế giới hầu như đã "quên" cách dùng tiền mặt, tiền điện tử và tiền kỹ thuật số đã trở thành phương tiện thanh toán chính, nếu Việt Nam vẫn chi trả bằng tiền mặt thì sẽ sớm trở nên lạc lõng.

Việc tiến đến một nền kinh tế phi tiền mặt theo Vị chuyên gia nhận định sẽ mang lại nhiều lợi ích. 

Trước hết, việc không sử dụng tiền mặt sẽ giúp giảm chi phí in tiền, chuyên chở, bảo vệ.

Bên cạnh đó, trong khi việc sử dụng tiền mặt thường không để lại "dấu tích", kéo theo hệ lụy là những hành động tham nhũng, phi pháp, đầu cơ,… thì việc không dùng tiền mặt sẽ bắt buộc tất cả các đối tượng phải giao dịch qua hệ thống ngân hàng. Do vậy lợi ích thứ hai theo ông đó là việc dùng tiền mặt sẽ giúp kiểm soát được nguồn gốc, đường đi của tiền, góp phần làm minh bạch hóa nền kinh tế.

Cũng theo ông Hiếu, Việt Nam đang ở cách thời điểm bước vào nền kinh tế thị trường hơn 30 năm, với lượng cung tiền gấp hàng nghìn lần, nếu cứ mãi sử dụng cách in tiền và cung tiền giấy ra lưu thông thì đến một lúc nào đó, sẽ không thể kiểm soát được. "Thói quen dùng tiền mặt phải được xoá bỏ trong vòng 10 năm tới!", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Khó khăn còn tồn tại

Trước việc Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%, ông Hiếu cho rằng vấn đề này vẫn còn tồn tại một số khó khăn.

Ông Hiếu đưa ra con số 12% là khối lượng giao dịch tiền mặt tính trên tổng phương tiện thanh toán, con số này được tính chung cho tất cả hệ thống tiền tệ, bao gồm giao dịch của tất cả các doanh nghiệp chuyển tiền, ngân hàng thanh toán.

Ông cho rằng nếu để kéo con số 12% xuống còn 10% theo kế hoạch vẫn có thể khả thi, tuy nhiên vẫn phải phụ thuộc vào vấn đề đại bộ phận dân cư Việt Nam hiện đang sử dụng tiền mặt là phương tiện thanh toán chính.

Ông Hiếu diễn giải, việc sử dụng tiền mặt vốn là thói quen sử dụng của đại đa số người dân. Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn mang vóc dáng của nền kinh tế nông nghiệp, người dân vẫn quen chi trả nhau bằng tiền mặt.

Cùng với đó, những người lao động làm trong các khu công nghiệp, họ có thể nhận lương qua tài khoản nhưng vì thu nhập thấp nên ngay lập tức rút tiền ra để tiêu dùng khiến cho lượng người sử dụng tiền mặt vẫn còn nhiều.

Vị chuyên gia kinh tế cũng cho rằng cấu trúc tài chính đang có vấn đề, chỉ có một số cơ quan, cơ sở kinh doanh, nhà hàng và người dân ở đô thị sử dụng tài khoản và những máy móc hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt. Theo ông Hiếu mới chỉ 20-30% người dân có tài khoản ngân hàng. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng người sử dụng tiền mặt trong thanh toán vẫn nhiều. Theo đó, ông nhấn mạnh thêm việc phải làm sao thúc đẩy người dân sử dụng tài khoản ngân hàng thì mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Liên hệ thực tế tại Mỹ về việc quốc gia này rất tích cực trong việc hướng dẫn người dân từ mọi lứa tuổi tiếp cận với ngân hàng, cách sử dụng tài khoản ngân hàng, ông cũng đề xuất NHNN nên chủ trì một chương trình giáo dục cơ bản, phổ biến cho tất cả người dân đặc biệt quan tâm đến vấn đề chi tiêu không tiền mặt.

Bên cạnh đó, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng khẳng định Đề án tái cơ cấu ngân hàng gắn liền với xử lý nợ xấu 2016-2020 mà Chính phủ ban hành phải được thực hiện hết sức nghiêm túc, các cơ quan thanh tra của NHNN phải đặc biệt quan tâm đến việc thanh tra các ngân hàng để xem các ngân hàng đang chuẩn bị những bước gì cho tái cơ cấu. Bởi đây là một Đề án có phạm vi bao quát, liên quan đến vấn đề nợ xấu, chỉ tiêu tài chính, quản lý rủi ro… là cơ sở để NHNN điều chỉnh, cơ cấu lại, hoàn thiện hệ thống ngân hàng, một yếu tố quan trọng để đạt mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt.

Tin mới lên