Tiêu điểm

Chuyện tiền bạc sau kế hoạch chặt cây xà cừ tại Hà Nội

Trong số 1.300 cây xanh bị lên kế hoạch đốn hạ tại Hà Nội có 986 cây xà cừ đường kính lớn. Giá loại gỗ này trên thị trường hiện nay không hề rẻ, rơi vào khoảng từ 10 đến 15 triệu/1m3.

Chuyện tiền bạc sau kế hoạch chặt cây xà cừ tại Hà Nội

Hàng cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng.

Theo khảo sát tại các làng mộc ở Hà Nội, giá gỗ xà cừ tăng mạnh trong thời gian gần đây. Nguyên nhân vì gỗ quý ngày càng khan hiếm, đắt đỏ, vì vậy nhiều xưởng mộc lại quay sang "trọng dụng" xà cừ.

Ông Hoàng Văn Bắc - thợ mộc tại làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống Đồng Kỵ (Từ Sơn – Bắc Ninh) cho biết: "Giá gỗ xà cừ tăng mạnh trong vài năm trở lại đây, hiện nay trên thị trường dao động từ 10 đến 15 triệu đồng/1m3".

Theo vị này, gỗ xà cừ hiệu quà kinh tế cao vì khá "đa năng". Ngoài làm đồ dùng nội thất, bàn ghế giường tủ, cầu thang... còn đặc biệt hữu dụng để chế tác các món đồ thủ công mỹ nghệ như tượng, lục bình.

Ông Nguyễn Tiến Sinh, một chủ xưởng gỗ ở Thạch Thất (Hà Nội) cho biết: "Gỗ xà cừ có thớ gỗ săn, rắn chắc, chống mối mọt tốt. Trước đây không được ưa chuộng vì thường cong vênh, dễ nứt, nhưng nay công nghệ xử lý cũng đã giải quyết được. Trong bối cảnh các loại gỗ quý ngày càng khan hiếm, gần đây giá loại gỗ này cũng tăng cao, năm ngoái có giá khoảng  6 đến 8 triệu/1m3 thì thời điểm hiện tại đã tăng gần gấp đôi".


Một sản phẩm được làm từ gỗ xà cừ

Trong khi đó, TP Hà Nội đang có kế hoạch đốn hạ 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm – Hà Nội), trong số này có 986 cây xà cừ đường kính lớn; còn lại là, hoa sữa, phượng vĩ, sấu...

Theo đơn giá thanh toán sản phẩm dịch vụ công ích đô thị hồi năm 2015 do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký ban hành, để chặt một cây xà cừ lớn, TP phải chi gần 36 triệu đồng. Như vậy riêng tiền chặt xà cừ đợt này có thể đã lên tới 36 tỷ đồng.

Chưa bàn tới chuyện phải hy sinh một phần "lá phổi xanh" của thành phố, thì đây cũng là số tiền không nhỏ. Nhưng điều quan trọng là hàng ngàn m3 khối gỗ sau khi đốn hạ sẽ được "thanh lý"  ra sao?

Trước đó, hồi năm 2015 Hà Nội từng chặt hạ hơn 500 cây xà cừ tại đường Nguyễn Trãi, trong đó có cây trồng gần 100 năm, đường kính trên 50cm để làm tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh khiến dư luận hết sức bất bình.

Ông Nguyễn Xuân Hưng – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh nói trên báo chí rằng, sau khi chặt hạ khối lượng gỗ xà cừ được thu hồi và cơ quan liên ngành của thành phố kiểm định rất chặt chẽ. Sau đó chính quyền thành phố sẽ đưa gỗ ra bán đấu giá. Còn giá mỗi mét khối gỗ bao nhiêu thì tùy thuộc vào thị trường, ở từng thời điểm khác nhau. 

Sau một thời gian ngắn báo chí phát hiện một bãi tập kết, gồm gốc, thân cây xà cừ vừa chặt hạ tại khu vực Cầu Diễn, Bắc Từ Liêm. Bãi tập kết có diện tích chừng hơn 10ha.

Ngày 23/7/2015, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Hà Nội) thông tin, đã đấu giá xong đợt một 3 lô gỗ xà cừ, muồng, phượng, keo, bàng, sếu, bằng lăng… thuộc Đề án cải tạo thay thế cây xanh và gỗ thu hồi được sau khi chặt hạ cây trên đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân. Trong đó, lô 1 có gần 190m3 gỗ xà cừ; hơn 83m3 gỗ muồng, phượng, bàng, keo và hơn 78m3 củi các loại được định giá khởi điểm gần 769 triệu đồng.

Số gỗ của lô 2 bán đấu giá tại kho là trên 50m3 gỗ xà cừ và 6,7m3 củi các loại, có giá khởi điểm là hơn 152 triệu đồng. Lô 3 gồm gỗ xà cừ đem đấu giá tại kho là 52,83m3 cùng 6,16m3 củi các loại với giá khởi điểm trên 160 triệu đồng.

Công ty cổ phần thiết bị công nghiệp Minh Đức là đơn vị đã trúng thầu cả 3 lô với số tiền lần lượt là 775 triệu đồng, hơn 156 triệu đồng và gần 143 triệu đồng, tổng cộng là 1,074 tỷ đồng. Con số này như vậy chỉ bằng 1/18 nếu so với chi phí (tạm tính) để chặt 500 cây xà cừ trên đường Nguyễn Trãi (500 cây x 36 triệu đồng/cây).

Có ý kiến cho rằng, nên chăng Hà Nội tổ chức đấu thầu rộng rãi cho các tổ chức cá nhân tham gia "khai thác tận thu" xà cừ, như vậy có thể thành phố không phải mất khoản tiền chi ra để thuê chặt cây quá lớn, trong khi chỉ thu về số tiền bán gỗ bèo bọt.

Tin mới lên