Bất động sản

Có phải Bitexco đang tháo chạy khỏi dự án The Manor Central Park?

(VNF) - Việc Tập đoàn Mitsubishi "nhảy" vào dự án The Manor Central Park đang làm rộ lên đồn đoán Bitexco sắp tháo chạy khỏi đại dự án này.

Có phải Bitexco đang tháo chạy khỏi dự án The Manor Central Park?

Có phải Bitexco đang tháo chạy khỏi dự án The Manor Central Park?

Bitexco bán dự án?

Theo thông tin từ phía Bitexco, ngày 27/7/2016, công ty này đã kí kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Mitsubishi để cùng triển khai dự án The Manor Central Park với giá trị đầu tư là 290 triệu USD.

Để triển khai việc hợp tác nói trên, Bitexco và Mishubishi sẽ thành lập một Công ty liên doanh, trong đó, Bitexco nắm giữ 55% cổ phần còn Mitsubishi nắm giữ 45% cổ phần còn lại.

Tuy nhiên, phía Bitexco cho biết, công ty liên doanh này sẽ chỉ phát triển 240/1000 căn nhà thấp tầng và 2/17 tòa chung cư cao tầng của dự án The Manor Central Park. Phần còn lại vẫn do Bitexco đơn phương thực hiện.

Bitexco cũng nhấn mạnh, dù rót vốn cho dự án song Mitsubishi sẽ không tham gia điều hành quản lý trực tiếp.

Như vậy, tin đồn về việc Bitexco tháo chạy khỏi dự án là không chính xác. Tập đoàn này chỉ làm một việc đơn thuần là góp vốn đầu tư với Mitsubishi để triển khai một phần của dự án The Manor Central Park.

Cũng có thể hiểu là sau khi đã hoàn thành căn bản phần hạ tầng, Bitexco đã mời thêm nhà đầu tư thứ cấp vào cùng phát triển dự án quan trọng nhưng cũng đòi hỏi khá nhiều về nguồn vốn này.

Theo dòng chảy chung

Việc Bitexco chào mời Mitsubishi, một doanh nghiệp nước ngoài, cùng góp vốn là một hành động tất yếu để đẩy nhanh tiến độ thi công trong bối cảnh đã được cấp phép khá lâu mà dự án vẫn chưa thành hình.

Đó cũng là xu hướng chung của các dự án có quy mô lớn, mang tính chất phát triển dài hơi, cần nhiều vốn và thời gian thực hiện trên thị trường hiện nay.

Chẳng hạn như hồi tháng 3/2016, Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) đã rót 500 triệu USD để cùng thực hiện dự án River City với Công ty An Phát Investment và CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt. Đây là dự án lớn gồm 12 block chung cư với khoảng 8000 căn hộ, văn phòng được xây dựng trên khu đất rộng 11,25 ha tại quận 7, TP. HCM.

Hay như tập đoàn Frasers Centrepoint (Singapore) đã góp 70% cổ phần (tương đương 85 triệu USD) vào Dự án G Homes của Tập đoàn An Dương Thảo Điền tại Quận 2, TP. HCM.

Hoặc Gaw Capital (Anh Quốc) bắt tay với C.ty bất động sản Tiến Phước, C.ty TNHH bất động sản Trần Thái cùng đổ 1,2 tỷ USD để đầu tư tổ hợp Empire City tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM) với tỉ lệ góp vốn nội ngoại là 50/50.

Còn tại Hà Nội, trong năm 2015, Gami Group cũng đã chuyển nhượng 60% cổ phần cho Keppel Land (Singapore) để cùng thực hiện dự án Hà Nội Westgate nằm trên Đại lộ Thăng Long đoạn qua huyện Quốc Oai, với tổng vốn đầu tư trên 100 triệu USD.

Như vậy, không còn mang nhiều tính chất thù địch, thâu tóm, dòng vốn ngoại đổ vào bất động sản hiện nay đang đi theo xu hướng hợp tác win – win. Nhà đầu tư ngoại với tiềm lực tài chính mạnh, kĩ năng quản lý và phát triển tốt, kết hợp với doanh nghiệp nội am hiểu môi trường pháp lý sẽ dẫn đến thành công cho các dự án.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng qua, vốn ngoại vẫn đang tiếp tục chảy mạnh vào bất động sản. Ngành bất động sản hiện có số vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép mới đạt 986,2 triệu USD, chiếm 11,3% tổng vốn đăng kí cấp mới, đứng thứ 2, sau ngành công nghiệp chế biến.

Còn theo Cục Đầu tư nước ngoài, 30% vốn ngoại của khối ASEAN là đổ vào bất động sản với tổng số 97 dự án. Trong đó, nhiều nhất là Singapore, chiếm 80% số dự án và 60% tổng vốn đầu tư.

Tin mới lên