Tài chính

Cổ phần hóa 24 đơn vị thuộc ngành giao thông trong năm 2016

(VNF) - Bộ Giao thông Vận tải vừa tổ chức cuộc họp triển khai kế hoạch sắp xếp, tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp năm 2016.

Cổ phần hóa 24 đơn vị thuộc ngành giao thông trong năm 2016

Theo đó, trong năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai thực hiện cổ phần hóa 24 doanh nghiệp, đơn vị. Trong đó bao gồm 14 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển tiếp từ năm 2015 là 4 Công ty mẹ - Tổng công ty là Hàng hải Việt Nam, VEC, Cửu Long, Công nghiệp tàu thủy; Bệnh viện Nam Thăng Long; 8 công ty con thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy; 1 công ty con thuộc Tổng công ty VEC.

10 đơn vị sự nghiệp triển khai mới trong năm 2016  bao gồm 2 Trường, 2 Bệnh viện thuộc Cục Y tế Giao thông Vận tải; 5 Trung tâm Kỹ thuật đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam và 1 Trung tâm Đăng kiểm cơ giới đường bộ thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Cụ thể, sẽ hoàn thành việc bán cổ phần cho nhà đầu tư, cổ đông chiến lược đối với 2 Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Cảng hàng không Việt Nam; hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hóa cổ phần hóa 2 Công ty mẹ - Tổng công ty: VEC, Cửu Long sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vốn điều lệ, phương án cổ phần hóa. Hoàn thành phương án cổ phần hóa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Bệnh viện Nam Thăng Long sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ xây dựng, phê duyệt và hoàn thành phương án cổ phần hóa 7 công ty con thuộc SBIC sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án xử lý tài chính để đủ điều kiện cổ phần hóa các doanh nghiệp; tiến tới cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy; đồng thời tiếp tục thực hiện, hoàn thành quyết toán và bàn giao vốn Nhà nước sang công ty cổ phần đối với các tổng công ty, công ty đã hoàn thành cổ phần hóa; chuyển giao quyền đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo quy định.

Về công tác thoái vốn, Bộ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện việc thoái vốn tại 51 doanh nghiệp, dự kiến thu về 1.693,6 tỷ đồng, bao gồm: thoái vốn toàn bộ phần vốn nhà nước tại 9 tổng công ty, công ty, dự kiến thu nộp ngân sách nhà nước 936 tỷ đồng. 

Đối với các doanh nghiệp thoái vốn không thành công, thực hiện chuyển giao phần vốn nhà nước còn lại về Tổng công ty SCIC theo quy định. Các tổng công ty thuộc Bộ thoái vốn tại 42 doanh nghiệp, dự kiến thu về 757,6 tỷ đồng (chưa bao gồm các doanh nghiệp cảng biển thuộc Vinalines).

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp đã được phê duyệt, trọng tâm là Vinalines và SBIC trên cơ sở thực tiễn, tiến hành rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, nhằm mục tiêu phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, tạo sức độ hấp dẫn để thu hút được các nguồn lực từ xã hội, phát triển các lĩnh vực trọng yếu, phục vụ phát triển nền kinh tế quốc dân. Trong đó, tăng cường công tác thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước không cần giữ chi phối hoặc không cần nắm giữ cổ phần.

Tin mới lên