Tài chính

Cổ phần hóa BSR chịu ảnh hưởng thế nào khi lãnh đạo bị triệu tập?

(VNF) – Niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đối với việc cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đang đứng trước thách thức mới khi 4 lãnh đạo của công ty này bị triệu tập liên quan cáo buộc nhận tiền "bất hợp pháp" từ nguyên Tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Minh Thu.

Cổ phần hóa BSR chịu ảnh hưởng thế nào khi lãnh đạo bị triệu tập?

Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất - được định giá kỷ lục 3,2 tỷ USD, là doanh nghiệp nhà nước có giá trị định giá lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa

Hôm nay (11/9), 4 lãnh đạo của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) sẽ tham dự phiên tòa xử đại án OceanBank theo triệu tập từ Hội đồng xét xử, bao gồm: ông Nguyễn Hoài Giang – Chủ tịch BSR, ông Đinh Văn Ngọc – nguyên Tổng giám đốc BSR, ông Vũ Mạnh Tùng – Phó Tổng giám đốc BSR và ông Phạm Xuân Quang - Kế toán trưởng BSR.

Việc triệu tập này là liên quan đến lời khai của bị cáo Nguyễn Minh Thu – nguyên Tổng giám đốc OceanBank rằng các lãnh đạo BSR nhận hàng chục tỷ đồng tiền "chăm sóc khách hàng" – thực chất là chi lãi ngoài – từ OceanBank để duy trì tiền gửi của BSR tại OceanBank.

Cụ thể, tại phiên tòa ngày 9/9, bà Thu cho hay đã đã trực tiếp chi cho 3 khách hàng gồm Liên doanh Dầu khí Việt-Nga (Vietsovpetro), Công ty Lọc hóa dầu Bình sơn (BSR) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL).

Giai đoạn 2012 – 2014, bà Thu khai đã chi cho BSR gần 19 tỷ đồng. Trong đó, mỗi lần chi cho Chủ tịch Nguyễn Hoài Giang từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Bị cáo Thu cho biết bà đưa cho ông Giang khoảng 7-8 lần.

"Tổng giám đốc là anh Đinh Văn Ngọc, Phó Tổng Giám đốc là anh Tùng nhận khoảng 500 triệu - 1 tỷ đồng mỗi lần. Kế toán trưởng tên Quang từ 300 đến 500 triệu đồng. Số lần bị cáo gặp và làm việc với các anh không khác nhau nhiều lắm", bị cáo Thu nói.

"Đây là lời khai một chiều của bị cáo Thu. Qua trao đổi với các vị lãnh đạo, tôi được biết họ không nhận tiền của Minh Thu", đại diện Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn phản hồi về lời khai của nguyên Tổng giám đốc OceanBank.

Đúng, sai hạ hồi phân giải. Nhưng xét ở khía cạnh khác, thông tin 4 lãnh đạo cấp cao của BSR bị triệu tập đến tòa liên quan đến cáo buộc nhận tiền "bất hợp pháp" xảy ra giữa lúc BSR đang gấp rút chuẩn bị cho đợt bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 11 tới đây, rõ ràng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và đặc biệt là niềm tin của nhà đầu tư.

Đợt IPO tới, BSR sẽ chỉ bán 5 – 6% cổ phần. Mục đích của đợt bán này chủ yếu là chuyển đổi BSR từ công ty 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần (cổ phần hóa), nên dù thông tin tiêu cực trên ảnh hưởng đến hiệu quả IPO thì BSR vẫn sẽ "gượng gạo" hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa nếu chỉ bán thành công 1 cổ phần.

Thế nhưng, với đợt bán vốn Nhà nước thứ 2 – cực kỳ quan trọng – là bán 36% vốn cho đối tác chiến lược, thông tin triệu tập các lãnh đạo BSR ảnh hưởng rất lớn, bởi thành bại của đợt bán vốn này phụ thuộc rất nhiều vào các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà đầu tư nước ngoài liệu có tin tưởng vào một doanh nghiệp mà lãnh đạo dính bê bối như vậy?

Trong một cuộc họp báo hồi tháng 5 vừa qua, Chủ tịch BSR Nguyễn Hoài Giang nhìn nhận rằng, ngoài diễn biến thị trường tài chính không thuận lợi như thời điểm trước đây (thời điểm mà ông xe ôm, bà bán rau cũng bàn tới chuyện cổ phần, cổ phiếu) thì việc giá dầu thô giảm, và nhất là những bê bối trong ngành dầu khí vừa qua đã tác động, ảnh hưởng tới niềm tin nhà đầu tư.

Đến thời điểm này, chính ông Giang cùng loạt lãnh đạo BSR cũng dính bê bối.

Nhà đầu tư nước ngoài liệu có còn mặn mà với tiến trình cổ phần hóa BSR khi lãnh đạo công ty này dính bê bối?

Minh bạch là yếu tố mà các nhà đầu tư nước ngoài rất đề cao, cũng là yếu điểm của các doanh nghiệp nhà nước. Điều này mới đây đã được ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ nhấn mạnh tại hội thảo "Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp tổ chức hôm 8/9.

"Để có thể tối đa hóa doanh thu từ cổ phần hóa và tăng sự tin tưởng của các nhà đầu tư, việc cần thiết là phải cho họ thấy được một quá trình cổ phần hóa và thoái vốn minh bạch và cung cấp cho họ đầy đủ các thông tin có liên quan về doanh nghiệp", ông Adam Sitkoff nhìn nhận.

Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư, cũng là một chuyên gia kinh tế, cố TS Alan Phan từng nhấn mạnh rằng, nhiều doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam thất bại trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược thông qua IPO chủ yếu là do vẫn tồn tại yếu tố chính trị nằm trong cơ chế quản trị tại các doanh nghiệp.

"Phần lớn nhà đầu tư nước ngoài rất ngại yếu tố này", cố TS Alan Phan nhận định.

Ngày 31/5/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định số 1938/QĐ-BCT về việc xác định giá trị Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để cổ phần hóa.

Theo đó, giá trị doanh nghiệp của BSR tại thời điểm ngày 31/12/2015 là 72.879.914.663.162 đồng, tương đương khoảng 3,2 tỷ USD. Trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 44.934 tỷ đồng.

Đây là doanh nghiệp nhà nước có giá trị định giá lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa.

Được biết, BSR là đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Kể từ khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động năm 2009 đến tháng 7/2017, tổng doanh thu của BSR đã đạt khoảng 840.000 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 14.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu của công ty này lại đang sa sút rõ rệt.

Nếu như năm 2013, doanh thu của BSR lên đến 155.000 tỷ đồng thì đến năm 2014, con số này giảm xuống còn 128.000 tỷ đồng. Năm 2015 giảm xuống còn 96.000 tỷ đồng và về mức 74.000 tỷ đồng trong năm 2016. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2017, doanh thu của BSR ước đạt 40.353 tỷ đồng.

Tin mới lên