Tài chính

Cổ phần hóa ì ạch, nhiều doanh nghiệp Nhà nước vẫn 'khất' IPO

(VNF) - Bộ Tài chính cho biết tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn ở doanh nghiệp nhà nước trong 6 tháng đầu năm nay vẫn còn chậm.

Cổ phần hóa ì ạch, nhiều doanh nghiệp Nhà nước vẫn 'khất' IPO

Tiến độ cổ phần hóa ở nhiều tập đoàn, tổng công ty vẫn còn chậm - Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng cuối năm 2017 được Bộ Tài chính công bố, chỉ có 19 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa trong 6 tháng đầu năm với giá trị được phê duyệt 31,3 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng cho biết, từ đầu năm đến nay các tập đoàn, tổng công ty và SCIC đã thoái vốn 2,1 nghìn tỷ đồng, thu về 2,7 nghìn tỷ đồng.

Tiến độ cổ phần hóa các công ty phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Cao su cũng đang chậm.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhận định tiến độ cổ phần hóa DNNN như vậy là vẫn còn chậm so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Tiến, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DNNN là do sự chần chừ, e ngại và thiếu quyết liệt của lãnh đạo các doanh nghiệp và khả năng hấp thụ của thị trường chưa lớn.

Ông Tiến dẫn dụ trường hợp của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). Theo kế hoạch IPO ban đầu được công bố, lẽ ra Vinafood 2 đã triển khai đấu giá cổ phiếu vào ngày 30/8/2016, thời gian chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần là ngày 1/10/2016 nhưng đến nay kế hoạch này vẫn chỉ… nằm trên giấy.

Đầu năm nay, Vinafood 2 từng cho biết nhiều khả năng sẽ tiến hành IPO vào tháng 4 và chuyển sang hình thức công ty cổ phần trước tháng 6/2017.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hồi trung tuần tháng 2, Vinafood 2 cho biết đã hoàn thành các thủ tục liên quan để tiến hành IPO. Kế hoạch là trong quý 2/2017 sẽ hoàn thành bán vốn nhà nước và đại hội đồng cổ đông lần đầu để chuyển sang công ty cổ phần.

Tuy nhiên, một lần nữa Vinafood 2 lại "lỡ hẹn" với kế hoạch này.

Nguyên nhân chậm cổ phần hóa được Vinafood 2 đưa ra chủ yếu do tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều bất lợi, không đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2012 - 2015.

Đến nay kế hoạch IPO của Vinafood 2 vẫn chỉ… nằm trên giấy.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có ý kiến chỉ đạo về việc gia hạn bán cổ phần lần đầu, qua đó gia hạn thời gian bán cổ phần lần đầu đối với Vinafood 2 tối đa là 3 tháng kể từ ngày được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Đáng chú ý là mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đã ký ban hành kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao tại Vinafood 2. Hàng loạt sai phạm của lãnh đạo Vinafood 2 đã được chỉ ra trong kết luận này.

Theo kết luận thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và bán tài sản trên đất, từ năm 2014 đến nay Vinafood 2 đã bán tài sản trên đất, đồng thời chuyển quyền sử dụng đất sai quy định theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Vinafood2 đã bán lô đất 697 m2 tại ấp Tân Phú 2, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang trị giá 179 triệu đồng; bán 3 cồn nuôi trồng thủy sản và tài sản đi kèm tại Công ty Nông sản thực phẩm Trà Vinh trị giá 101,9 tỷ đồng; bán căn nhà số 02 Điện Biên Phủ, thành phố Trà Vinh trị giá 12,6 tỷ đồng. Tổng giá trị 3 tài sản đã bán là 114,7 tỷ đồng.

Theo kết luận thanh tra, trách nhiệm đối với khuyết điểm, sai phạm nêu trên chủ yếu thuộc về Hội đồng thành viên Vinafood 2, trực tiếp là Chủ tịch Hội đồng thành viên tại thời điểm ban hành chủ trương bán tài sản. Trách nhiệm đề xuất chủ trương là tổng giám đốc; trách nhiệm tham mưu là giám đốc các công ty và trưởng phòng kỹ thuật xây dựng cơ bản và cá nhân liên quan thuộc tổng công ty.

Với những sai phạm này, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu Vinafood 2 phải tiếp tục triển khai thực hiện cổ phần hóa theo đúng kế hoạch, tiến độ và quy định của pháp luật; phải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có những tồn tại, khuyết điểm và sai phạm đã nêu trên.

Ngoài Vinafood 2, một DNNN khác cũng lỡ hẹn với cổ phần hóa là Tổng công ty Điện lực – Dầu khí Việt Nam (PV Power). PV Power từng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa vào tháng 8/2016, dự kiến đấu giá cổ phần lần đầu ra bên ngoài (IPO) vào tháng 10/2016; tổ chức đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất, đăng ký doanh nghiệp, ra mắt công ty cổ phần vào tháng 12/2016.

Đến tháng 4/2017, Bộ Công thương đã ban hành quyết định về việc xác định giá trị PV Power để tiến hành cổ phần hóa. Theo đó, giá trị thực tế của PV Power là hơn 60.623 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước nắm giữ là 33.556 tỷ đồng.

Phương án cổ phần hóa PV Power dự kiến sẽ được phê duyệt trước ngày 30/6/2017 nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có thêm thông tin gì. Thời điểm IPO kế hoạch vào cuối tháng 8/2017 cũng vẫn còn đang bỏ ngỏ.

PV Power từng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa vào tháng 8/2016, dự kiến IPO vào tháng 10/2016 - Ảnh: Lao Động.

Một trường hợp đáng chú ý nữa là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil). Đơn vị này cũng đã từng trình lên Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa để đảm bảo mục tiêu IPO trong tháng 6/2017, thời điểm IPO dự kiến vào cuối quý 3 hoặc đầu quý 4/2017

Theo Quyết định số 58 ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ sẽ không nắm giữ cổ phần chi phối tại PV Oil nên sau khi cổ phần hóa, cổ đông nhà nước chỉ nắm khoảng 35% cổ phần. Thậm chí, về lý thuyết, các nhà đầu tư chiến lược có thể được mua tới hơn 51% cổ phần của PV Oil.

Tuy nhiên, đến tháng 5/2017, hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) cho biết việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng có thể sẽ lùi lại đến tháng 7/2017. Đến nay, vẫn chưa có thêm thông tin mới về tiến trình IPO của PV Oil.

Đến tháng 6/2017, PV Oil lại cho biết đang trình phê duyệt kế hoạch bán đến 64,9% vốn nhà nước trong đợt này, trong đó bán cho cổ đông chiến lược từ 44-49%, bán thông qua đấu giá công khai 15-20% và bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên 1%. PV Oil cũng thông tin thêm, thời điểm IPO dự kiến vào cuối quý 3 hoặc đầu quý 4/2017.

Để giải quyết tình trạng chậm cổ phần hóa, "khất nợ" IPO, Bộ Tài chính nêu một số giải pháp quan trọng. Trong đó, cần tập trung triển khai phương án sắp xếp DNNN giai đoạn đến năm 2020; xây dựng lộ trình và tổ chức bán phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Khẩn trương xử lý các khoản lỗ, nợ xấu của doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng; đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Tin mới lên