Chứng khoán

Cổ phần hóa năm 2015: Cơ hội và thách thức đan xen

(VNF) - Năm 2015, Chính phủ quyết tâm cổ phần hóa 280 doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đây vừa là cơ hội và thử thách cho giới đầu tư. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng với số lượng cổ phần rất lớn bán ra sẽ khiến thị trường "bội thực", trong khi dòng tiền đầu tư ngoài ngành, vốn từ ngân hàng vào chứng khoán đang bị thắt chặt.

Cổ phần hóa năm 2015: Cơ hội và thách thức đan xen

Quyết liệt cổ phần hóa

Theo thống kê, lượng đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành năm ngoái đạt tỷ lệ rất cao, gấp 1,4 so với cả 3 năm trước. Các doanh nghiệp đã thoái được gần 5.000 tỷ đồng nhưng tổng thu về đã lên tới gần 7.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực bất động sản chiếm 45% tổng thu từ thoái vốn.

Năm 2015, các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được hối thúc lên sàn, xây dựng mục tiêu chiến lược, kinh doanh theo hướng tập trung vào ngành nghề chính, đổi mới quản trị doanh nghiệp, thực hiện công khai minh bạch… Mục tiêu là hoàn thành cổ phần hóa 280 DNNN theo kế hoạch.

Theo đó, các doanh nghiệp có ban chỉ đạo thì phải khẩn trương tiến hành xác định giá trị, công bố và tiến hành cổ phần hóa. Doanh nghiệp nào cổ phần hóa rồi nhưng chưa đạt tỷ lệ như quy định thì tiếp tục bán cổ phần nhằm giảm thấp tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ. Việc cổ phần hóa phải gắn liền với việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán khi đủ điều kiện.

Nhà nước chỉ nắm giữ cổ phần chi phối (trên 50%) đối với những lĩnh vực chủ chốt, đặc biệt quan trọng. Qua đó, tăng mạnh số thu từ cổ phần hóa để đầu tư một số dự án quan trọng, cấp thiết cho phát triển kinh tế xã hội. Doanh nghiệp Nhà nước tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ.

Các doanh nghiệp được cổ phần hóa hầu hết có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành, tài chính phức tạp. Việc cổ phần hóa được số doanh nghiệp này là những nỗ lực, đáng ghi nhận.

Hầu hết các doanh nghiệp sau cổ phần hóa có tốc độ tăng trưởng khá, hoạt động hiệu quả hơn. Sự ra đời của các công ty cổ phần hóa tiếp tục làm tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, tạo bước đổi mới trong nhận thức tư duy về quan hệ sản xuất và vai trò của DNNN trong nền kinh tế thị trường.

Trong quá trình cổ phần hóa, DNNN đã có chính sách trợ cấp hỗ trợ đào tạo, đào tại lại nghề cho người lao động dôi dư, bảo đảm được ổn định xã hội. Nhiều công ty bước đầu đổi mới quản trị doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản và đất đai, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Các quyền sở hữu, quản lý, giám sát, kiểm tra của Nhà nước được tăng cường, thực hiện công khai, minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp… DNNN cổ phần hóa đã áp dụng các chuẩn mực quản trị kinh doanh có hiệu quả cao, tăng cường công tác cán bộ, nâng cao kỷ luật chấp hành pháp luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất kinh doanh, quản lý nhằm hạ giá thành, nâng cao năng suất lao động.

Thử thách…

Một nhiệm vụ quan trọng là thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng được tiến hành rất quyết liệt. Nhưng thực tế cho thấy vẫn còn những hạn chế, như các doanh nghiệp chưa chủ động xử lý các vấn đề tồn tại trước khi cổ phần hoá; nhiều đơn vị còn không tổ chức kêu gọi nhà đầu tư dẫn tới quá trình chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đạt hiệu quả rất thấp.

Hiện tại mới chỉ có nhà đầu tư trong nước tham gia mà chưa có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Các cơ chế cổ phần hoá, chưa "mở" hết room, nên còn rất nhiều rào cản mang tính kỹ thuật. Thủ tục thẩm định hồ sơ, tư vấn, đưa ra quy định kéo dài, khiến cho nhiều doanh nghiệp IPO cũng nản lòng.

"Chúng ta phải có nhóm kỹ thuật để thẩm định xem những thông tin có minh bạch không và để thăm dò xem thị trường có mặn mà không. Nếu thị trường không mặn mà, chúng ta phải dừng lại để chuẩn bị kỹ hơn như quảng bá hình ảnh, tìm cổ đông thực sự, hay nói cách khác là phải đi "chào hàng", một chuyên gia kinh tế nhận định.

Với doanh nghiệp lớn, muốn cổ phần hoá thành công thì trước hết bước chuẩn bị phải tốt, có thể mời cổ đông chiến lược để tăng giá trị của mình trước rồi mới IPO. Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) dự kiến sẽ được bán tiếp cổ phần để giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước từ khoảng 90% xuống còn 36%. Vietnam Airlines cũng mới bán cổ phần vào năm ngoái.

Thực tế cho thấy, sau cổ phần hóa đa số doanh nghiệp sẽ hoạt động tốt vì đồng tiền của họ sẽ gắn với hoạt động của chính mình. Một số doanh nghiệp cổ phần hóa chạy theo phong trào, hình thức, tức là không chuẩn bị định hướng phát triển mà chỉ là "bình mới, rượu cũ" sẽ khó tránh khỏi khó khăn, thậm chí là phá sản, giải thể.

Đối với những doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy trình thì sẽ hoạt động tốt và đứng vững trong thị trường. Các doanh nghiệp bắt buộc phải minh bạch tài chính, công khai chiến lược phát triển, kế hoạch hoạt động hàng năm… để các cổ đông, nhà đầu tư kiểm tra, thị trường giám sát. Nếu doanh nghiệp muốn công khai được thì rõ ràng phải có bộ máy quản trị tốt, nếu không sẽ rất khó để làm việc này.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng tái cơ cấu DNNN vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế mà lớn nhất là hiệu quả của DNNN chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn lực về tài sản và vốn. Một số doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả và thua lỗ, năng suất lao động trong DNNN thấp.

Việc tiến hành cổ phần hóa vẫn còn chậm và vẫn còn nhiều DNNN không cần giữ cổ phần chi phối hoặc không cần nắm giữ cổ phần. "Cổ phần hóa về tổng thể thì chúng ta không mất mà chỉ làm cho doanh nghiệp mạnh lên. Đều là doanh nghiệp Việt Nam cả và cách chúng ta làm là tạo điều kiện, khuyến khích để người dân làm kinh tế", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Theo ý kiến của giới đầu tư nước ngoài, hiện nay có quá nhiều người tham gia vào quá trình cổ phần hóa. Họ cần phải "hiện đại hóa" quy trình phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và niêm yết (IPO và niêm yết) trên thị trường, chứ cổ hóa xong để đó thì chẳng có gì thay đổi.

Chính phủ Việt Nam cũng phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN; hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho việc tái cơ cấu, để doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường.

Tin mới lên