Diễn đàn VNF

Cổ phần hóa ngành nông nghiệp: Không vì lợi ích cá nhân mà cố giữ vốn cổ phần

Giải pháp căn cơ để ngành nông nghiệp đẩy mạnh cổ phần là phải đổi mới tư duy trong cách làm từ người đứng đầu ngành cho tới lãnh đạo các doanh nghiệp. Đó là quan điểm của ông Phạm Quốc Doanh, Phó trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương.

Cổ phần hóa ngành nông nghiệp: Không vì lợi ích cá nhân mà cố giữ vốn cổ phần

Ông Phạm Quốc Doanh, Phó trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương

Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ NN-PTNT đã sắp xếp, cổ phần hóa được 12 TCty, 2 Cty trực thuộc Bộ, 2 Cty thuộc Tập đoàn cao su Việt Nam; đồng thời phê duyệt kế hoạch thoái vốn cho 1 Tập đoàn và 11 Tổng Cty. Số vốn đã thoái tính đến hết năm 2015 là 2.175 tỷ đồng, đạt 39,6% kế hoạch.

– Ông đánh giá thế nào về tiến độ thực hiện cổ phần hóa DN nông, lâm nghiệp trong thời gian qua?

Phải thừa nhận rằng, Bộ NN- PTNT là một trong 3 Bộ có tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước nhanh nhất. Tuy nhiên, mặc dù vượt so với kế hoạch đề ra về số lượng nhưng chất lượng các DN sau khi cổ phần hóa chưa cao. Đơn cử, số vốn do Nhà nước nắm giữ tại một số DN sau khi cổ phần, tái cơ cấu vẫn còn lớn, có nơi vốn Nhà nước chiếm đến hơn 90% dẫn đến tình trạng các DN sau khi sắp xếp đổi mới phương thức hoạt động vẫn làm theo kiểu cũ khiến hiệu quả chưa cao. Thực tế này, đang hiện hữu rất rõ tại các nông, lâm trường quốc doanh hiện nay.

– Có nhiều ý kiến cho rằng, vướng mắc lớn nhất của quá trình CPH, các Cty nông, lâm nghiệp là vấn đề về đất đai. Quan điểm của ông?

Không ít Cty nông – lâm nghiệp có "vỏ" là DN nhà nước, nhưng "ruột" của nó lại không còn hoạt động kinh doanh theo mô hình DN nhà nước nữa. Bởi vì mang danh nghĩa đất đai họ vẫn quản lý, báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng bên trong đó thì đã giao khoán hết cho các hộ dân, dân tự sản xuất kinh doanh, còn Cty chỉ đứng ra thu khoán. Gọi là thu khoán cho chữ nghĩa thôi, thực ra là "phát canh thu tô". Tình trạng tranh chấp đất đai, người nhận khoán tự mua đi bán lại, đất canh tác diễn ra rất phức tạp ở nhiều nông – lâm trường.

Theo chủ trương mới, những DN nào khoán trắng đất canh tác sẽ bị thu hồi, giao đất cho các địa phương quản lý. Tuy nhiên, nếu xử lý không khéo sẽ xảy ra rắc rối, khiếu kiện, mà xử lý khiếu kiện còn mệt mỏi hơn. Hiện nay, nhiều cá nhân nhận khoán đất đang hy vọng khi chuyển giao đất cho địa phương là để hợp thức hóa lại hoàn toàn. Điều này sẽ dẫn đến hai kịch bản: một là đối với những người đang sử dụng đất đúng đối tượng thì rất tốt, nhưng không loại trừ nhiều trường hợp giao đất không đúng đối tượng, kể cả cán bộ lãnh đạo. Vô hình chung chúng ta đã hợp thức hóa những việc làm không đúng, vi phạm pháp luật.

– Khía cạnh khác, một lãnh đạo Cty lâm nghiệp có nói rằng, tổng giá trị tài sản vườn cây chỉ 5 tỷ đồng, nhưng thuê hàng nghìn hecta đất tính trong 10 năm tốn hàng chục tỷ đồng, vốn sẽ âm nên không thể CPH . Ông nghĩ sao về điều này?

Không thể nói DN đang sử dụng hàng nghìn hecta đất mà tài sản chỉ có giá trị 5-7 tỷ đồng. Nếu trồng cây cao su thì giá trị của cây cao su trên 1ha đất đó đã 30-40 triệu đồng. Đối với 1ha rừng trồng thì cũng đạt 20-30 triệu đồng. Như vậy, nếu canh tác 1.000ha đất thì tài sản vườn cây lên đến 20-30 tỷ đồng.

Theo Báo cáo tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới nông – lâm trường quốc doanh, quả thật giá trị tài sản cố định của các Cty nông – lâm nghiệp thấp hơn rất nhiều so với các Cty công nghiệp, nhưng không đến mức âm vốn. Vấn đề là chúng ta định giá có chính xác, đúng giá trị tài sản của DN hay không. Việc bán cổ phần khó hay dễ không phải ở giá trị cao hay thấp, mà ở chủ trương, định hướng, nhà nước nắm giữ nhiều hay ít cổ phần, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đó lãi cao hay thấp, lợi thế của loại sản phẩm đó có hấp dẫn nhà đầu tư hay không.

– Vậy theo ông, việc định giá hiện nay đối với các DN nông, lâm nghiệp đã chính xác?

Như trường hợp TCty Chè VN (VinaTea) tôi được biết, khó khăn cơ bản làm chậm quá trình cổ phần hóa là do khâu định giá DN bị ách tắc về thủ tục và không thống nhất về quy định hạch toán vốn. Cụ thể, phía Bộ Tài chính cho rằng, các vườn chè đã được giao khoán cho DN vẫn là tài sản của Nhà nước, do đó phải đánh giá lại giá trị ở mức tối thiểu 20% nguyên giá. Tuy nhiên, cách làm này đã không được VinaTea chấp thuận vì cho rằng khi nhận khoán từ người dân, các DN trực thuộc VinaTea đã trả hết giá trị vườn chè và được quyền sở hữu phần vốn này chứ không còn là vốn Nhà nước.

– Như ông nói, thì việc đổi mới tư duy trong tiến trình cổ phần hóa là giải pháp căn bản giúp ngành NN thực hiện tốt nhiệm vụ được Chính phủ giao?

Đúng vậy, theo tôi cần phải đổi mới tư duy trong cách làm từ người đứng đầu ngành cho tới lãnh đạo các DN. Phải thật sự quyết tâm cổ phần hóa, không vì một mục đích cá nhân mà cố giữ lại vốn cổ phần. Đối với những ngành nghề như NN- PTNT thì trong Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại DN thì thuộc lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Vì vậy, ở đây những đơn vị, Cty nào chưa CPH thì chúng ta sẽ CPH theo cách Nhà nước không nắm giữ, còn nếu như các đơn vị đã cổ phần hóa rồi thì bán nốt phần vốn nhà nước đang giữ ở trong các Cty cổ phần. Chúng ta sẽ bán rất nhanh phần vốn đang ở các DN 100% vốn Nhà nước và ở các Cty cổ phần.

Tin mới lên