Tiêu điểm

Cổ phần hóa VEC: Vốn điều lệ có thể lên tới 71 ngàn tỷ đồng

(VNF) - VEC có quy mô vốn điều lệ mức khởi điểm ban đầu 32.000 tỷ đồng, nhưng trong tương lai có thể tăng lên 71.000 tỷ đồng.

Cổ phần hóa VEC: Vốn điều lệ có thể lên tới 71 ngàn tỷ đồng

Sở hữu các tuyến cao tốc là một thế mạnh của VEC khi cổ phần hóa

Tại cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được tổ chức chiều 14/12, nhiều thông tin quan trọng liên quan đến tương lai của VEC đã được hé lộ.

Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC, cuối tháng 11/2015 Bộ Tài chính đã có văn bản chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh tăng vốn điều lệ VEC, sau đó Vụ Kinh tế tổng hợp, Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến của các Vụ liên quan và tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ quy trình chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần theo quy định của Chính phủ, VEC đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn tất công tác tái cơ cấu, điều chỉnh vốn điều lệ… để chuyển sang thực hiện các bước tiếp theo của quy trình cổ phần hóa.

Hiện tại, VEC đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để xác định vốn điều lệ; làm việc với Văn phòng Chính phủ để thông qua phương án tài chính 5 dự án đường bộ cao tốc và cơ chế xử lý bù đắp thiếu hụt dòng tiền của 2 Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Ngoài ra, VEC cũng đang xây dựng cơ chế đặc thù về mô hình tổ chức, mô hình đầu tư, vận hành, khai thác các dự án đường cao tốc; chuẩn bị hồ sơ pháp lý về tài sản, nguồn vốn, công nợ của VEC và trình Bộ Giao thông Vận tải dự toán chi phí cổ phần hóa.

Trong khi đó, theo ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải, công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa của VEC đã trải qua hàng loạt giải trình, báo cáo bổ sung từng phương án, đến nay Bộ đã có báo cáo trình Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ.

"Với quy mô vốn điều lệ mức khởi điểm ban đầu 32.000 tỷ đồng, tương lai có thể tăng lên 71.000 tỷ đồng, có thể khẳng định đây là cơ hội tốt để VEC chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và hiệu quả kinh tế", ông Vũ Anh Minh nói.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa VEC là "một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2015, theo đúng lộ trình chương trình đã đề ra đầu năm 2015 là phải cơ bản cổ phần hóa xong; tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa hoàn tất được phương án cổ phần hóa vì yếu tố pháp lý và chờ quyết định của cấp có thẩm quyền".

"Về mặt chủ quan, mặc dù chúng ta đã triển khai thực hiện rất nhiều nội dung, công việc theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, của các bộ, ngành nhưng vẫn chưa thật sự chủ động, đặc biệt là trong việc xây dựng phương án, mô hình hoạt động trong tương lai, sự cần thiết của cơ chế pháp lý… để chúng ta có thể triển khai các bước tiếp theo", ông Đông nói.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu Hội đồng thành viên VEC chủ động xây dựng phương án cổ phần hóa, trong đó bám sát các cơ quan chức năng về những báo cáo đã trình, nghiên cứu kỹ ý kiến của các bộ, ngành liên quan để hoàn chỉnh phương án cổ phần hóa. Bên cạnh đó, Hội đồng thành viên của VEC cần chủ động rà soát tất cả tài sản của VEC và hướng giải quyết các tài sản này. 

Tin mới lên