Nhân vật

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải - người mở đường cho doanh nghiệp tư nhân và kinh tế HTX

Sinh thời cố Thủ tướng Phan Văn Khải được xem là người mở đường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, thông qua việc chỉ đạo xây dựng Luật doanh nghiệp 2009 với tinh thần cốt lõi là nhà nước chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cũng vì thế, tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần khiến rất nhiều doanh nhân xúc động.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải - người mở đường cho doanh nghiệp tư nhân và kinh tế HTX

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Với doanh nhân Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Hợp Lực, thì ký ức về cố Thủ tướng Phan Văn Khải không chỉ được thể hiện qua tư tưởng, quyết sách của một nhà lãnh đạo lớn của đất nước mà còn là những hành động cụ thể để "cởi trói" cho doanh nghiệp tư nhân và kinh tế hợp tác xã.

"Năm 2002, tôi mới là chủ nhiệm hợp tác xã vận tải Hợp Lực. Thời điểm đó, làm vận tải gặp rất nhiều khó khăn do vướng mắc các rào cản về cơ chế, chính sách. Mỗi một đầu xe, cơ quan thuế thu 1 thuế môn bài. Dù là hợp tác xã nhưng 60 đầu xe của chúng tôi là 60 suất thuế môn bài. Nếu cứ đóng thuế như thế này thì cước vận tải không thể bù lại được doanh thu. Hợp tác xã vận tải cả nước có nguy cơ phá sản.

Cá nhân tôi đã đề xuất nhiều lần, thậm chí, tại nhiều diễn đàn ở địa phương tôi đã phát biểu rất gay gắt nhưng cũng không được giải quyết. Người ta thậm chí đã giữ xe, xã viên mất việc làm, hàng hóa ứ đọng, mọi thứ bị dồn vào chân tường. Về chủ trương, nhà nước khuyến khích kinh tế hợp tác xã phát triển nhưng cơ chế, chính sách lại không theo kịp thực tiễn của kinh tế thị trường.

Một bộ phận cán bộ thời kỳ đó vẫn muốn bám vào cơ chế cũ, không chịu đổi mới. Lúc đó, Luật hợp tác xã cũng chưa có khiến cho chúng tôi rất lúng túng. Có những thời điểm kêu không thấu, tôi chỉ còn cách úp mặt vào tường khóc", ông Đệ nhớ lại khó khăn cách đây hơn 15 năm.

Ông Đệ cho biết thêm: "Đúng vào lúc đó, nghe tin Thủ tướng có buổi gặp mặt với doanh nghiệp tại TP. HCM, tuy không được mời nhưng tôi vẫn quyết định cơm đùm cơm nắm bắt tàu chợ vào Nam với hy vọng được… tấu với người đứng đầu Chính phủ.

Sau khi tìm cách vào được hội trường (lúc đó được bảo vệ khá nghiêm ngặt), sau phần phát biểu của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi đã đánh "liều" vừa giơ tay đăng ký phát biểu, vừa đi thẳng lên sân khấu. Ngay lập tức bộ phận an ninh đã giữ lại nhưng rất may Thủ tướng đã ra dấu cho anh em cảnh vệ cứ để cho tôi phát biểu.

Tôi còn nhớ như in câu nói của Thủ tướng lúc đó: "cứ để cho anh ấy nói". Nói thật lúc ấy mình rất run vì lần đầu tiên được gặp Thủ tướng theo cái cách chẳng giống ai. Nhưng vì kiến nghị của mình chính đáng, vì sự phát triển của cả cộng đồng vận tải nên tôi đã nói liền một mạch 5 vấn đề, trong đó nhấn mạnh đến chuyện thuế môn bài của hợp tác xã vận tải. Thậm chí tôi đã nói theo kiểu không có trong kịch bản và vượt thời gian cho phép nhưng Thủ tướng và cả hội trường vẫn ngồi nghe mà không cắt lời.

Khi bài phát biểu kết thúc, dưới hội trường có khá nhiều tiếng vỗ tay. Thú thật tôi đã khóc rồi quệt nước mắt ra về. Cũng không hy vọng có thể thay đổi được chính sách ngay lập tức nhưng ít nhất, bức xúc đã được giải tỏa trước người đứng đầu Chính phủ.

Tiếp mạch hồi ức về cố Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Đệ kể tiếp: "Chiều ngày hôm đó, tôi ngồi ăn cơm bụi ở vỉa hè Sài Gòn để chờ tàu về Thanh Hóa thì nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ. Người gọi là anh Quách Lê Thanh (lúc đó là Tổng Thanh tra Chính phủ), đồng hương với tôi. 

Anh Thanh kể: Sau hội nghị, Thủ tướng có nói với anh Thanh rằng: cậu doanh nghiệp ở Thanh Hóa phát biểu rất gay gắt nhưng rất đúng. Thủ tướng giao cho Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng lúc bấy giờ triệu tập Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nghiên cứu, sửa đổi để cởi trói cho doanh nghiệp. Thủ tướng gửi lời khen phần phát biểu của tôi. Thú thật lúc đó, tôi lại khóc vì vui mừng xen lẫn xúc động".

Theo ông Đệ thì hình như "cuộc đời không phụ người có tâm huyết với cộng đồng", chỉ 15 ngày sau hội nghị tại TP. HCM, những kiến nghị của ông đã được giải quyết. Từ đó, 100 xe chỉ cần một pháp nhân hợp tác xã nộp thuế môn bài là được. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải trong Nam ngoài Bắc biết tin đã gọi điện thoại cảm ơn ông.

Tuy nhiên, ông Đệ đều nói: các anh chị hãy cảm ơn Thủ tướng Phan Văn Khải. Và cũng đúng một năm sau đó, Luật hợp tác xã 2003 do Chính phủ của Thủ tướng Phan Văn Khải xây dựng chính thức được Quốc hội thông qua, trở thành hành lang pháp lý để các hợp tác xã, trong đó có hợp tác xã vận tải hoạt động.

Sau này, doanh nghiệp của doanh nhân Nguyễn Văn Đệ ngày càng phát triển, cá nhân ông cũng tham gia giữ nhiều trọng trách xã hội quan trọng, từng tham gia kiến nghị tại nhiều diễn đàn kinh tế lớn nhưng kỷ niệm về lần gặp cố Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn là một dấu ấn khó phai mờ.

Nếu thời điểm đó, doanh nghiệp vận tải không được Thủ tướng trực tiếp "gỡ khó", hợp tác xã vận tải Hợp Lực rất khó để có đường băng cất cánh, trở thành tập đoàn Hợp Lực lớn mạnh hôm nay. Ông Đệ cho rằng cá nhân ông và nhiều doanh nhân kinh doanh vận tải sau này luôn ghi nhớ, thể hiện lòng biết ơn đối với một vị Thủ tướng vì dân, vì doanh nghiệp.

"Nhớ lại gần 2 nhiệm kỳ giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ, tôi nghĩ cố Thủ tướng Phan Văn Khải là nhà lãnh đạo kỹ trị với những tư tưởng đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt và đặc biệt gần gũi với người dân và doanh nghiệp. Sau nhiệm kỳ của ông, có một giai đoạn người ta thấy thấp thoáng bóng dáng của cơ chế cũ trở lại, ràng buộc kinh tế tư nhân thông qua hàng ngàn điều kiện kinh doanh.

Tuy nhiên, hiện nay, tôi đang thấy những tư tưởng của cố Thủ tướng Phan Văn Khải được người đứng đầu Chính phủ bây giờ kế thừa và phát huy trong một Chính phủ lấy liêm chính, kỷ cương, hành động để phục vụ nhân dân", doanh nhân Nguyễn Văn Đệ kết lại dòng hồi ức cố Thủ tướng Phan Văn Khải.

Tin mới lên