Tài chính

Cổ tức của Nhà nước tại BIDV, VietinBank là 'tiền của nhân dân'

(VNF) - Lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính nói việc đòi cổ tức tiền mặt tại BIDV và VietinBank không phải do ngân sách khó khăn mà vì đây "là tài sản của Nhà nước, là tiền của nhân dân".

Cổ tức của Nhà nước tại BIDV, VietinBank là 'tiền của nhân dân'

Bộ Tài chính bảo lưu quan điểm yêu cầu đại diện vốn Nhà nước tại VietinBank và BIDV bỏ phiếu chia cổ tức tiền mặt để chuyển về NSNN

Bộ Tài chính mới đây có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bỏ phiếu lại đối với quyết định của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Cơ quan này đề xuất tiến hành bỏ phiếu lại để quyết định chi trả cổ tức tiền mặt, thay vì cổ tức bằng cổ phiếu như đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) vừa qua đã quyết định. 

Theo kế hoạch ban đầu, hai ngân hàng này đều dự kiến chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông theo tỉ lệ 10%. Tuy nhiên sau đó, cả hai ngân hàng đều không thực hiện kế hoạch này. Trong khi BIDV chia cổ tức 8,5% bằng cổ phiếu thì VietinBank không chia cổ tức.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cổ tức được chia tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước "là tài sản của ngân sách nhà nước (NSNN), là tiền của nhân dân". Do đó, đến thời hạn thì doanh nghiệp phải trả cổ tức cho cổ đông. "Ở đây, Nhà nước trực tiếp bỏ vốn vào doanh nghiệp nên cổ tức được chia phải được chuyển về NSNN", ông Tiến nói.

Lãnh đạo này cũng cho rằng vai trò của chủ sở hữu vốn Nhà nước được thể hiện cụ thể thông qua lá phiếu cổ đông - ở đây là lá phiếu người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đó. Trong vấn đề cổ tức tại VietinBank và BIDV, Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại hai ngân hàng này biểu quyết chia cổ tức bằng tiền mặt.

"Nếu người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không bỏ phiếu chia cổ tức tiền mặt thì phải giải trình được lý do vì sao. Nếu lý do không thỏa đáng trong việc giữ cổ tức lại cho doanh nghiệp thì phải tiến hành bỏ phiếu phân phối lại lợi nhuận. Điều này thực hiện hoàn toàn đúng luật", ông Tiến khẳng định.

Nói về vấn đề chia cổ tức, tại ĐHĐCĐ vừa rồi, lãnh đạo BIDV cho biết, việc thực hiện chia cổ tức phụ thuộc nhiều yếu tố. Sau khi sáp nhập với ngân hàng MHB, số lượng cổ phần BIDV tăng lên đồng nghĩa số lượng cổ phần chia cổ tức tăng lên nên sẽ khó giữ được mức cổ tức như ban đầu.

Theo lãnh đạo BIDV, nếu thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt, việc thực hiện tăng vốn hơn 9.400 tỷ đồng trong năm nay sẽ rất khó. Do vậy, cổ tức được chia bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,5%.

Trong khi đó, lãnh đạo VietinBank cũng cho biết, mỗi năm quy mô tài sản, nguồn vốn kinh doanh của VietinBank phải tăng trưởng 15-17% mới đáp ứng nhu cầu tăng thị phần của ngân hàng này. Đồng thời, do phải đáp ứng tiêu chuẩn Basel II nên yêu cầu vốn càng phải tăng lên.

Tin mới lên