Tài chính

Công khai danh sách các doanh nghiệp nợ thuế: Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế

Theo các chuyên gia, thực hiện công khai các đơn vị nợ thuế là việc làm cần thiết để đảm bảo công bằng, minh bạch trong quản lý thuế, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế, nghĩa vụ đóng thuế.

Công khai danh sách các doanh nghiệp nợ thuế: Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế

Ảnh minh họa.

Đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh

Cục Thuế TP. Hà Nội là cơ quan thường xuyên đăng công khai, định kỳ danh sách các đơn vị nợ thuế, phí và các khoản thu từ đất trên website của mình, cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bình luận về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng thực hiện công bố các doanh nghiệp còn nợ thuế là một nội dung để đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý thuế. Theo đó, cơ quan thuế phải nêu bật được những đơn vị chấp hành tốt, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ.

Đồng thời, những doanh nghiệp còn chậm nộp thuế, nợ thuế cũng phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để thúc đẩy việc giảm thiểu nợ thuế, nâng cao hiệu quả thu ngân sách nhà nước ngân sách nhà nước.

“Trên thực tế, Cục Thuế TP. Hà Nội hàng năm thường xuyên tổ chức tuyên dương những đơn vị nộp thuế tiêu biểu, để khích lệ, động viên doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt nghĩa vụ thuế của mình cũng như nêu gương cho các đơn vị khác học tập và ngược lại”, bà Cúc nhấn mạnh.

Cũng theo bà Cúc, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ thuế của doanh nghiệp. Trước hết, nhiều doanh nghiệp do nguồn lực tài chính hạn chế, nên trong quá trình sản xuất, kinh doanh đến kỳ mua nguyên vật liệu hay đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất thì phải có tiền trả cho nhà cung cấp mới mua được hàng.

Trong khi đó, tiền nộp thuế doanh nghiệp có thể chậm nộp, vì vậy doanh nghiệp buộc phải nợ thuế để có nguồn tài chính trước mắt phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp. Sau đó khi có doanh thu, doanh nghiệp sẽ tính đến việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế mà trước đó chưa thực hiện.

Có ý kiến cho rằng vì tỷ lệ tiền phạt chậm nộp thuế không cao nên doanh nghiệp sẵn sàng không nộp thuế để khỏi phải vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, bà Cúc không đồng tình với lập luận này. Bà lý giải hiện nay quy định về phạt chậm nộp là lãi suất 0,03%/ngày, như vậy nếu tính trong cả một năm thì lãi suất này không phải là thấp.

“Hơn nữa, đối với khoản lãi vay ngân hàng thì sẽ được hạch toán vào chi phí đầu vào của doanh nghiệp, để được trừ khi tính toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó, tiền phạt chậm nộp thuế thì không được hạch toán vào chi phí để được trừ khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này khiến chi phí của doanh nghiệp bị “đội” lên rất nhiều. Phân tích như vậy để thấy rằng nếu nói doanh nghiệp nợ thuế vì tiền phạt chậm nộp thấp là không xác đáng”, bà Cúc nhấn mạnh.

Theo ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nợ thuế còn do những nguyên nhân khách quan như doanh nghiệp thực hiện đầu tư, xây dựng những công trình có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng nguồn vốn này chưa được giải ngân nên doanh nghiệp chậm nộp thuế. Ngoài ra, cũng còn tồn tại một bộ phận doanh nghiệp luôn có tâm lý “chây ì” hay tìm mọi cách để lách thuế, trốn thuế...

Doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt sẽ được ưu tiên

Bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng doanh nghiệp có ý thức tuân thủ pháp luật thuế tốt, thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ, đúng hạn được rất nhiều lợi ích. Trước hết, khi doanh nghiệp nộp thuế tốt sẽ trở thành “bạn vàng” của cơ quan thuế. Điều này có ý nghĩa không chỉ ở việc doanh nghiệp sẽ được cơ quan thuế nêu gương, tuyên dương, mà còn được tạo nhiều điều kiện thuận lợi như được ưu tiên hoàn thuế trước…

Ngược lại, nếu doanh nghiệp có tâm lý cố tình chây ì nợ thuế, thì cơ quan thuế sẽ đưa doanh nghiệp vào nhóm đối tượng thuộc diện rủi ro cao hay quá trình thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế… cũng kiểm soát chặt hơn.

“Thực hiện công khai các đơn vị nợ thuế nhằm mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế. Do đó, doanh nghiệp cần thu xếp nguồn tài chính để nộp các khoản tiền nợ thuế vào ngân sách nhà nước trước khi bị áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn”, bà Cúc khuyến cáo.

Cũng có chung quan điểm với bà Cúc, theo ông Tô Hoài Nam, hiện nay người tiêu dùng đánh giá về doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc đánh giá sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp, mà còn đánh giá doanh nghiệp thông qua việc chấp hành thực hiện những chính sách, quy định của Nhà nước, trong đó có pháp luật thuế. Bởi vậy, sản phẩm của doanh nghiệp khó có thể “ghi điểm”, có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng nếu như doanh nghiệp thường xuyên bị “bêu tên” về nợ thuế.

Tin mới lên