Bất động sản

Công khai thông tin thế chấp là trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp

(VNF) – Doanh nghiệp địa ốc cần tự công khai các thông tin thế chấp dự án, đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp để hướng tới một thị trường bất động sản minh bạch.

Công khai thông tin thế chấp là trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp

Các doanh nghiệp địa ốc thành phố Hồ Chí Minh đang tư công khai thông tin thế chấp của mình, bao giờ đến lượt các doanh nghiệp địa ốc Hà Nội?

Sau "bị công bố" là… "tự công bố"

Cuối tháng 7 vừa qua, Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố Hồ Chí Minh đã công bố danh sách 77 dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng. Cụ thể là chủ đầu tư thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.

1 tuần sau đó, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội công bố danh sách 34 dự án trên địa bàn Thủ đô cũng đang trong tình trạng "cắm" ngân hàng.

Hai sự việc nối tiếp nhau diễn ra này được ví như những "quả bom thông tin" gây chấn động dư luận. Vì đây lần đầu tiên, một loạt chủ đầu tư bị cơ quan chức năng "vạch áo" tình trạng pháp lý. Còn người mua nhà thì được biết thêm thông tin quý giá về các dự án, qua đó tránh được rủi ro "sập bẫy" mua nhà bị thế chấp.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, các thông tin được công bố của cơ quan chức năng chỉ mang tính một chiều, không đầy đủ, không nói rõ dự án thế chấp một phần hay toàn bộ, có thế chấp căn hộ đang giao dịch hay không. Ngoài ra cũng không có giải thích hay chỉ dẫn về quy trình giao dịch đối với các dự án đang thế chấp.

Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản: chủ đầu tư không bán được nhà, còn người tiêu dùng thì hoang mang, lo lắng. Ghi nhận cho thấy sau công bố thông tin, giao dịch bất động sản ở cả hai đầu đất nước đã bị chững lại.

Trước tình hình đó, một số doanh nghiệp địa ốc tại thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động tự công bố thông tin thế chấp của mình nhằm "cứu vãn" uy tín và niềm tin của thị trường, vốn đang theo đà lao dốc không phanh.

Lần lượt những cái tên nằm trong danh sách như Quốc Cường Gia Lai, Hưng Lộc Phát, Gia Hòa… đã công khai tình trạng pháp lý của các dự án. Lãnh đạo các công ty này bày tỏ sẵn sàng giải đáp mọi yêu cầu, thắc mắc về pháp lý của khách hàng cho đến khi họ yên tâm kí vào hợp đồng mua bán. Đi xa hơn, một số doanh nghiệp còn "dọa" kiện ngược Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố vì đã công bố thông tin thiếu chính xác.

Công khai là trách nhiệm và nghĩa vụ

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoRea), nhận xét việc doanh nghiệp tự công bố thông tin thế chấp dự án sẽ mang đến lợi ích là sự đầy đủ và chính xác của thông tin.

"Trước đây, Sở Tài nguyên & Môi trường công bố thông tin còn chung chung làm người tiêu dùng hiểu sai lệch về mục đích thế chấp. Nay, các doanh nghiệp tự công khai thì thị trường sẽ trở nên minh bạch hơn.

Việc công khai này không chỉ khiến người mua nhà mà chính các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi. Đó là cái lợi về uy tín, thể hiện được năng lực của chủ đầu tư", ông Châu nói.

Mặc dù đánh giá đây là một động thái đáng hoan nghênh, tuy nhiên ông Châu nhấn mạnh, việc công khai thông tin thế chấp là trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Trách nhiệm đó được ghi rõ trong Luật nhà ở Luật kinh doanh bất động sản ban hành năm 2014 nhằm bảo vệ quyền lợi người mua nhà và hướng tới một thị trường bất động sản minh bạch.

Cũng theo ông Châu, để tăng cường hơn nữa tính minh bạch của thị trường thì bên cạnh việc doanh nghiệp tự công bố thông tin, cơ quan chức năng cũng cần thực hiện sát sao nhiệm vụ của mình. Ông Châu cho biết, hiện mới chỉ có Sở Tài nguyên & Môi trường công bố thông tin, còn Cục đăng kí giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) – nơi nhận thế chấp quyền tài sản – thì chưa có động thái nào.

Ngoài ra, ông Châu cũng lưu ý, cơ quan chức năng cần công bố thông tin theo thời gian thực, tức là các hoạt động thế chấp, giải chấp đều phải được cập nhật ngay sau khi diễn ra và đăng lên trang thông tin điện tử, có như vậy thì mới đảm bảo sự chính xác của thông tin và công bằng giữa các doanh nghiệp.

Tin mới lên