Thị trường

Công ty con của bà Nguyệt Hường bị kiện đòi 23,3 tỷ đồng

(VNF) - Công ty khoáng sản Hà Nội - Điện Biên hiện còn nợ Công ty Tiên Phong Vina tổng cộng số tiền 23,3 tỷ đồng và hai bên sẽ gặp nhau tại tòa án ngày 28/11 tới.

Công ty con của bà Nguyệt Hường bị kiện đòi 23,3 tỷ đồng

Nếu không có gì thay đổi, ngày 28/11 tới đây, Tòa án nhân dân huyện Tuần Giáo (Lai Châu) sẽ tiến hành xét xử một vụ án liên quan đến một công ty con của Công ty cổ phần khai thác chế biến khoáng sản Việt (VMPCO), một đại gia khoáng sản từng có nhiều kế hoạch đầu tư đầy tham vọng.

Dấu hiệu "bùng" nợ

Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Thương, Chánh án TAND huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu cho biết, ngày 12/8/2016, cơ quan này đã chính thức thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng thi công xây lắp, hợp đồng thuê máy móc thiết bị, hợp đồng vận chuyển tài sản giữa nguyên đơn là công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng và thương mại Tiên Phong Vina (Công ty Tiên Phong Vina) và bị đơn là Công ty TNHH tài nguyên và khoáng sản Hà Nội – Điện Biên (Công ty khoáng sản Hà Nội - Điện Biên).

Trước đó, toà án đã 2 lần mở phiên hòa giải nhưng cả 2 lần đều vắng mặt bị đơn. Vụ án rơi vào trường hợp không hòa giải được và TAND huyện Tuần Giáo quyết định đưa ra xét xử vào ngày 28/11 tới.

Theo đơn khởi kiện của Công ty Tiên Phong Vina, trong hai năm 2013 – 2014, công ty này đã tiến hành một loạt hợp đồng kinh tế với Công ty khoáng sản Hà Nội – Điện Biên. Cụ thể, nhà thầu này đã thực hiện các hạng mục thi công xây lắp, vận chuyển quặng thô, cho thuê ô tô, máy thiết bị với chủ đầu tư tại dự án Khai thác và chế biến chì kẽm Điện Biên.

Mặc dù 2 bên đã ký biên bản đối chiếu công nợ với nhau từ tháng 2/2015 nhưng gần 2 năm nay phía Công ty khoáng sản Hà Nội-Điện Biên cố tình chây ỳ khiến công ty gặp vô vàn khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Dù không muốn "đáo tụng đình", song để đảm bảo lợi ích hợp pháp của mình, Công ty Tiên Phong Vina đã quyết định tiến hành khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Theo đơn kiện, tính đến ngày 30/6/2016, Công ty khoáng sản Hà Nội - Điện Biên còn nợ Công ty Tiên Phong Vina tổng cộng số tiền 23,3 tỷ đồng, trong đó số tiền gốc là 19 tỷ đồng và số tiền lãi chủ đầu tư phải trả tính từ ngày 31/12/2014 đến ngày 30/6/2016 là 4,2 tỷ đồng.

Máy nghiền quặng tại dự án đã nằm bất động hai năm nay

Theo ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường dự án Khai thác và chế biến chì kẽm Điện Biên, khu mỏ hiện đã ngừng khai thác và đang dần dần trở nên hoang phế, các hạng mục gồm văn phòng, trạm cân, xưởng nghiền… đang dần xuống cấp, hoen rỉ và không có dấu hiệu nào cho thấy dự án sẽ được sớm khởi động trở lại.

Quang cảnh vắng vẻ tại hiện trường dự án Khai thác và chế biến chì kẽm Điện Biên

 

Dấu hỏi về vai trò của doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường

Theo giới thiệu trên website, Công ty Cổ phần Khai thác Chế biến khoáng sản Việt (VMPCO) chính thức được thành lập theo giấy phép số 010.5868.530 với cổ đông chính là những tập đoàn lớn của Việt Nam trong lĩnh vực khoáng sản, tài chính ngân hàng và bất động sản như Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID), Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang. Công ty có vốn điều lệ là 500 tỷ đồng.

Tuy mới thành lập được một thời gian nhưng với tiềm lực và nền tảng kinh nghiệm được kế thừa từ các cổ đông, hiện nay, VMPCO đã vươn lên trở thành tập đoàn khai thác, chế biến khoáng sản lớn hàng đầu Việt Nam với 24 ngành nghề kinh doanh và 25 công ty thành viên phân bố ở hầu khắp các tỉnh phía Bắc như Công ty Cổ phần Khoáng sản Tây Giang Cao Bằng; Công ty Cổ phần Khoáng sản Thạch An; Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản Bảo Lâm; Công ty Cổ phần Khoáng sản Xây dựng 30/4; Công ty Cổ phần Khoáng sản Đông Bắc; Công ty Cổ phần Mangan Việt Bắc; Công ty Cổ phần Điện lực Hà Giang; Công ty Cổ phần Cốc hóa Tây Giang...

Các cổ đông sáng lập của Công ty khoáng sản Việt là Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang. Trong đó, Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (tiền thân của TNG Holdings hiện nay), được biết đến là doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đang nắm giữ 55% vốn điều lệ, tương ứng 275 tỷ đồng.

Theo Điều lệ của Công ty khoáng sản Hà Nội - Điện Biên, chủ sở hữu là Công ty Cổ phần Khai thác Chế biến khoáng sản Việt sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của Công ty khoáng sản Hà Nội - Điện Biên. Chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác; trường hợp rút một phần hoặc toàn bộ vốn đã góp ra khỏi công ty dưới hình thức khác thì chủ sở hữu sẽ liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.

Tấm biển công ty được che bạt trong khi tại hiện trường chỉ còn vài bảo vệ.

Đáng chú ý là theo một số nguồn tin, hiện Công ty Cổ phần Khai thác Chế biến khoáng sản Việt đã và đang xúc tiến việc chuyển nhượng cổ phần và các công ty thành viên cho chủ đầu tư mới. Theo đó, các hồ sơ kỹ thuật, kế toán, con dấu, đăng ký kinh doanh của công ty thành viên như Công ty khoáng sản Hà Nội - Điện Biên cũng được cho là đã bàn giao lại cho chủ sở hữu "để tiến hành công tác tái cơ cấu".

Trước tình hình này, phía nguyên đơn là Công ty Tiên Phong Vina đã phải có đơn đề nghị Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, để đảm bảo lợi ích hợp pháp của mình.

Dư luận đặc biệt chú ý đến vụ kiện này do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường từng là một doanh nhân nổi tiếng, Đại biểu Quốc hội hai khóa 12 và 13. Tuy nhiên, tháng 6/2016, bà Nguyệt Hường cùng chồng là doanh nhân Trần Anh Tuấn đã được cấp quốc tịch Malta, đưa tới việc bà đã bị tước tư cách Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. 

Tin mới lên