Tài chính

Công ty xe điện bán chạy số 1 Việt Nam liên tục thua lỗ

Từng trong nhóm dẫn đầu thị trường xe đạp điện và sớm nhận ra xu hướng dịch chuyển lên xe máy điện, song PEGA (HKBike) lại bất ngờ im tiếng và dần đuối sức trên thị trường.

Công ty xe điện bán chạy số 1 Việt Nam liên tục thua lỗ

Công ty xe điện bán chạy số 1 Việt Nam liên tục thua lỗ. (Ảnh minh hoạ)

Nổi lên như một phương tiện giao thông tiện lợi trong khoảng 6 – 7 năm trở lại đây, xe đạp điện được nhiều bậc phụ huynh lựa chọn mua cho con em mình làm phương tiện đi lại thay thế xe đạp truyền thống nhờ tính ưu việt, giá thành rẻ và ‘hợp mốt’ của mình.

Trào lưu xe đạp điện bùng nổ mạnh mẽ nhất trong giai đoạn 2012 – 2015 đã thôi thúc hàng loạt các doanh nghiệp trong nước trở thành nhà phân phối xe điện nhập khẩu, chủ yếu là xe điện Trung Quốc.

Ra đời khoảng cuối năm 2012, HKBike cũng tiếp bước các đàn anh đi trước khi phân phối các mẫu xe điện Trung Quốc và gặt hái được thành công. Mặc dù vậy, đơn vị này lại có điểm khác biệt khi cho thấy tham vọng lớn hơn.

Thay vì chấp nhận làm nhà phân phối, HKBike hướng tới con đường nội địa hóa, đầu tư xây dựng hẳn một nhà xưởng tại Bắc Giang để sản xuất xe điện ‘made in Vietnam’. Công ty quyết định đổi tên thành PEGA, quyết tâm rũ bỏ quá khứ bán 'xe Tàu', tái định hình trong mắt người tiêu dùng là xe điện thương hiệu Việt để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Quá trình chuyển mình với PEGA không dễ dàng khi kết quả kinh doanh của PEGA trong những năm 2015, 2016 khá kém tích cực. Báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Xe điện Toàn cầu PEGA LTT cho thấy năm 2016, công ty đạt doanh thu 181 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 104 tỷ đồng năm trước đó.

Tuy nhiên, giá vốn của PEGA cũng tăng, chiếm tới 95% doanh thu khiến lợi nhuận gộp của công ty chỉ vỏn vẹn 19,1 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí bán hàng và chi chi phí quản lý doanh nghiệp, PEGA báo lỗ ròng 2,4 tỷ đồng trong năm 2016. Đây là năm thứ 2 liên tiếp công ty báo lỗ.

Mặt khác, trong năm 2016, tài sản của PEGA cũng tăng gấp đôi, từ gần 30 tỷ đồng lên 60 tỷ đồng, chủ yếu là do hàng tồn kho tăng vọt từ 17,3 tỷ đồng lên hơn 45 tỷ đồng.

Những khó khăn tạm gác lại khi PEGA cho thấy sức bùng nổ mạnh mẽ vào năm 2017. Công ty cho ra đời sản phẩm có tỉ lệ nội địa hóa 50% và dự kiến đạt mức 70% vào năm 2018. Xe đạp điện PEGA dần tái định vị thành công thành xe đạp Việt.

Song song với nỗ lực làm thương hiệu và xây dựng điểm phân phối, PEGA còn cho thấy sự nghiêm túc trong vấn đề làm sản phẩm khi tuyên bố bắt tay với Bosch, một trong những hãng phát triển công nghệ lớn nhất của Đức, để hợp tác phát triển động cơ xe.

Tìm đến Bosch, PEGA không chỉ đơn thuần nhắm vào thị trường xe đạp điện. Theo báo cáo gần đây nhất của Ủy ban An toàn giao thông thì tính đến tháng 8/2015, số lượng xe đạp điện và xe máy điện trên toàn quốc là hơn 2,5 triệu xe. Mỗi năm, người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 250.000 - 300.000 xe. Con số này khá khiêm tốn nếu so sánh với thị trường xe máy tiêu thụ trung bình khoảng 3 triệu xe mỗi năm.

Thêm vào đó, sau quãng thời gian bùng nổ, thị trường xe đạp điện cho thấy dấu hiệu chững lại và dần đi vào trạng thái bão hòa. Với giá thành rẻ, đối tượng mục tiêu của xe đạp điện chủ yếu là học sinh, sinh viên. Mặc dù vậy, cũng như những sản phẩm theo mốt khác, sau quãng thời gian bùng nổ, xe đạp điện không còn là món hàng ‘hot’ như trước.

Nhìn thấy vấn đề này khá sớm, PEGA đã nhắm tới thị trường tiềm năng hơn, cụ thể là xe máy điện và cái bắt tay với Bosch là bước đi cụ thể cho tham vọng này. Một chiếc xe máy điện có thể có giá từ 15 triệu đồng trở lên dự kiến sẽ là sản phẩm chủ lực, thay thế dần dần xe đạp điện trong cơ cấu sản phẩm của PEGA.

Từ cuối năm 2017, CEO của PEGA khi đó đã tiết lộ rằng hãng chuẩn bị cho ra mắt một chiếc scooter chạy điện dành cho phái nữ với ưu điểm là trọng lượng nhẹ, thân thiện với môi trường và đặc biệt là có khả năng hoạt động trong điều kiện ngập nước đến nửa bánh xe.

Có thể thấy PEGA đưa ra một chiến lược khá bài bản, từ chiến lược phát triển, định vị khách hàng cho tới làm thương hiệu. Thậm chí, theo nguồn tin trong ngành, công ty còn tiến rất sát tới một thương vụ sáp nhập lớn. Một doanh nghiệp hàng đầu trong nước muốn làm phát triển thị trường xe điện đã đặt vấn đề M&A với PEGA.

Mặc dù vậy, đây lại chính là nguyên nhân khiến PEGA hụt hơi. Đến phút chót, kế hoạch sáp nhập bất ngờ thất bại. Hàng loạt các vị trí từ thấp đến cao nhất như CEO quyết định rời khỏi PEGA sang đầu quân cho doanh nghiệp kia, kể cả đối tác Đức là Bosch cũng lặng lẽ đi theo.

Thiếu nhân sự đúng thời điểm chuyển giao sản phẩm mới, PEGA bắt đầu đuối sức. Công ty không thực hiện được những điều đã vạch ra như kế hoạch khi sản phẩm chủ lực vẫn là xe đạp điện.

Trong khi PEGA hụt hơi, hàng loạt các hãng xe đạp điện khác đã cảm nhận thấy xu thế của thị trường là chuyển mình khá nhanh. Nổi bật trên thị trường có thể kể tới Yadea, một trong các hãng xe điện hai bánh có thị phần lớn nhất Trung Quốc, cũng đã đưa sản phẩm vào thị trường Việt Nam. Hay mới đây nhất là xe máy điện chống nước do một tập đoàn lớn trong nước sản xuất.

Xem thêm >> Vụ Nguyễn Kim nợ thuế 148 tỷ đồng: Cục Thuế TP. HCM thưởng cho người cung cấp thông tin

Tin mới lên