Bất động sản

Cục phó Cục đăng ký đất đai: Không thể nói trước kia chúng tôi cấp sai sổ đỏ

(VNF) – Ông Mai Văn Phấn – Phó cục trưởng Cục đăng ký đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - khẳng định việc điều chỉnh nội dung cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ở Thông tư 33 không đồng nghĩa với việc Cục đã làm sai trong cấp sổ đỏ ở giai đoạn trước đó.

Cục phó Cục đăng ký đất đai: Không thể nói trước kia chúng tôi cấp sai sổ đỏ

Ông Mai Văn Phấn - Phó cục trưởng Cục Đăng ký đất đai

Thông tư 33 chỉ là hướng dẫn kỹ thuật, không làm phát sinh thủ tục

Tại cuộc họp báo quý IV/2017 Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổ chức sáng nay (27/11), ông Mai Văn Phấn đã "nói lại cho rõ" quy định mới về việc ghi tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ.

Theo đó, ông Phấn cho biết phạm vi điều chỉnh của Khoản 5, Điều 6 Thông tư 33 chỉ tập trung hướng dẫn việc ghi tên cho đối tượng sử dụng đất là hộ gia đình, còn các đối tượng khác vẫn giữ nguyên.

"Chúng tôi khẳng định tất cả các tài sản tạo lập của vợ và chồng khi tham gia giao dịch mà người con không cùng đóng góp thì vẫn chỉ ghi thông tin tài sản của vợ và chồng", ông Phấn nói.

Ông Phấn cũng nhấn mạnh: việc có dư luận cho rằng sẽ ghi toàn bộ tên thành viên trong hộ khẩu vào sổ đỏ là không đúng. "Thành viên trong hộ khẩu nếu không có quyền sử dụng đất trong gia đình thì cũng không được ghi tên trên sổ đỏ".

"Bản chất của hướng dẫn này là hướng dẫn kĩ thuật, hướng dẫn cách ghi tên của người sử dụng đất, trong đó chủ thể là thành viên có quyền sử dụng đất trong hộ gia đình. Cái này chỉ hướng dẫn kĩ thuật về cách ghi tên thôi, không có điều chỉnh gì về nội dung cả", ông Phấn cho hay.

Sổ đỏ chỉ ghi tên thành viên có chung quyền sử dụng đất

Trả lời câu hỏi việc điều chỉnh này có phải là để sửa sai cho quy định trước đây không, ông Phấn khẳng định: "Đây là điều chỉnh cho phù hợp chứ trước đây không sai".

Lý do là đất đai của nước ta đã trải qua một chặng đường rất dài với chế độ sử dụng, chế độ quản lý khác nhau ở từng giai đoạn. Ví dụ với Luật Đất đai năm 1987 và 1993, chủ thể quản lý đất đai là hộ gia đình vậy nên nhà nước tập trung quản lý theo đối tượng là hộ gia đình.

Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, quyền của người sử dụng đất được mở rộng, giá trị đất tăng lên nên Giấy chứng nhận trước đây cấp theo chủ thể là hộ gia đình sẽ không còn phù hợp. Sự không phù hợp thể hiện ở chỗ nó không xác định được chủ thể thành viên có quyền sử dụng đất chung trong hộ gia đình, dẫn đến trong nội bộ gia đình có tranh chấp, mẫu thuẫn.

Đặc biệt khi giao dịch, bên có quyền sử dụng đất và bên nhận quyền sử dụng đất sẽ có phát sinh mâu thuẫn. Vì vậy, việc đưa tên từng cá thể của chủ thể sử dụng đất vào Giấy chứng nhận là phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tạo điều kiện minh bạch hóa thị trường.

Xem thêm >>> Bộ Tài nguyên Môi trường: Ghi tên cả gia đình vào sổ đỏ là giảm rủi ro cho người dân

Về tổ chức thực hiện, ông Phấn cho biết trong pháp luật đất đai hiện nay, Khoản 2, Điều 98 đã đưa ra 2 lựa chọn cho người sử dụng đất để linh hoạt trong việc áp dụng. Một là các thành viên có thể cử người đại diện đứng tên, hai là tất cả cùng đứng tên.

"Việc này có lẽ không khó gì trong triển khai. Hiện nay chúng tôi đang áp dụng rồi. Giờ người sử dụng đất cứ thực hiện thôi" – ông Phấn nói và cho biết thêm – "Các Giấy chứng nhận đã cấp trước đây vẫn có giá trị pháp lý. Trường hợp người sử dụng đất (hộ gia đình) có nhu cầu với giấy đã cấp, cơ quan nhà nước có trách nhiệm cập nhật thông tin của người thành viên vào. Việc này đã có quy trình cụ thể".

Thông tư 33 tạo cơ chế thoáng hơn cho cơ quan chuyên môn

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Thông tư 33 hoàn toàn không tạo ra thay đổi về tính chất pháp lý của người quản lý và người bị quản lý đối với lĩnh vực đất đai, do đó hai Thông tư 23 và 33 không có mâu thuẫn.

"Bản chất vấn đề chỉ là câu chuyện hướng dẫn cho người tổ chức thực hiện trong công tác chuyên môn, không có gì khác cả. Nhưng điều không may cho nó là quy định đầu tiên lại là sửa đổi về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nên dư luận mới nổi sóng", ông Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Ông Nghĩa đánh giá Thông tư 33 đã làm thoáng hơn về mặt thủ tục và tạo điều kiện dễ đang hơn cho cơ quan chuyên môn.

"Trước đây có quy định cấp mỗi người một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hộ gia đình có 10 người thì cấp 10 giấy (nếu có nhu cầu). Nhưng đến Thông tư 33 thì cho phép anh em chúng tôi ghi tên tất cả mọi người vào giấy và chỉ phải cấp 1 giấy thôi. Tức là đỡ hơn nhiều.

"Còn thủ tục thì không thể nói là rườm rà, rối rắm hay phức tạp hơn được. Vì chúng tôi thực tế làm thì thấy 10 người 10 giấy khi có đăng ký biến động hoặc có giao dịch thì phải thu hồi cả 10 cái. Không may 1 người mất giấy thì thực hiện giao dịch vô cùng khó khăn", ông Nghĩa cho hay.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng thông tin thêm Bộ đang chỉ đạo Sở xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai. "Hiện thành phố đã có cơ sở dữ liệu dân cư. Hai cái này mà kết nối với nhau thì câu chuyện thực hiện Thông tư 33 và Thông tư 23 là vô cùng đơn giản. Hoàn toàn không có gây khó khăn cho người dân mà ngược lại nó sẽ đảm bảo quyền lợi trách nhiệm của cả người quản lý và bị quản lý", ông nói.

Tin mới lên