Nhân vật

Cựu chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà: Từ công thần đến tội đồ

(VNF) - Cựu Chủ tịch Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Lê Nam Trà là người dẫn dắt MobiFone trở thành công ty viễn thông có vị thế đứng đầu thị trường TP.HCM. Đáng tiếc, ông cũng chính là một trong các tác nhân khiến MobiFone lâm vào nguy cơ thiệt hại đến hàng nghìn tỷ đồng trong vụ việc liên quan đến AVG.

Cựu chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà: Từ công thần đến tội đồ

Ông Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

Thời kỳ hoàng kim của MobiFone

Ông Lê Nam Trà sinh năm 1961, tốt nghiệp đại học và lấy bằng Thạc sĩ Viễn thông tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ngoài ra, ông Lê Nam Trà còn có bằng Cử nhân tài chính của trường Đại học Kinh tế TP.HCM.

Khởi nghiệp với công việc kỹ sư vô tuyến điện, sau đó ông Trà hoạt động trong quân đội với chức danh sỹ quan chỉ huy chuyên ngành vô tuyến điện tiếp sức.

Ông Trà cũng từng có thời gian làm việc cho VNPT kéo dài 6 năm từ năm 1989 đến năm 1994, tiếp tục làm Tổng giám đốc Công ty thông tin di động VMS trước khi chuyển thành MobiFone.

Ông Lê Nam Trà đã từng có thời gian làm Giám đốc Trung tâm I và II của MobiFone tại Hà Nội và Hồ Chí Minh, nhưng dấu ấn của ông Lê Nam Trà chỉ thực sự thể hiện ở việc duy trì vị thế dẫn đầu của MobiFone tại thị trường TP HCM, thị trường mang tính cạnh tranh nhất và đòi hỏi cao nhất của Việt Nam.

Với những kết quả có được, ngày 12/8/2014, ông Lê Nam Trà được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc MobiFone theo Quyết định 1151/QĐ-BTTTT do Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son ký.

Chỉ 4 tháng sau, ngày 16/12/2014, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục ký quyết định bổ nhiệm tổng giám đốc Lê Nam Trà kiêm phụ trách chức vụ Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

Thách thức của ông Lê Nam Trà là hoàn thành cổ phần hóa trong vòng không đầy hai năm, giữ tổng công ty ở vị trí dẫn đầu, song song với triển khai quyết sách chiến lược cho một tổng công ty cung cấp giải pháp truyền thông đa phương tiện đang trong quá trình chuyển đổi từ công ty dịch vụ di động.

Với riêng MobiFone, việc duy trì vị thế đứng đầu ở TP.HCM, thị trường lớn và phức tạp nhất cả nước, nơi thử nghiệm và đóng dấu chất lượng các sản phẩm dịch vụ mới là kinh nghiệm có ích cho định hình sự khác biệt. Bài học ở thị trường Tp.HCM nằm ở việc tập trung đáp ứng tốt nhất những nhu cầu của khách hàng.

Vào thời điểm đó, đây là một trong số rất ít công ty Việt Nam có phòng chăm sóc khách hàng. MobiFone đã vượt qua rào cản tư duy cơ chế xin-cho, áp dụng chuẩn mực tiên tiến, điều hầu như không công ty nhà nước nào tính tới.

Khi được hỏi làm thế nào để duy trì lợi thế cạnh tranh khi các đối thủ đều có hậu thuẫn khổng lồ về qui mô bộ máy, hạ tầng, tài chính, và nhân lực, ông Lê Nam Trà nêu quan điểm MobiFone sẽ cạnh tranh bằng “xã hội hóa” triệt để cách thức đầu tư, kinh doanh và phát triển.

Tác nhân gây nguy cơ thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vốn nhà nước tại MobiFone

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của một số lãnh đạo chóp bu đã dẫn Mobifone tới nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỷ đồng; việc thực hiện đầu tư dự án đã trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh viễn thông, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và nhiều năm tiếp theo, trong đó lợi nhuận hoạt động tài chính năm 2016 đã giảm so với năm 2015 là 321,7 tỷ đồng; số lỗ lũy kế đến 31/12/2017 là 1.982,7 tỷ đồng; đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa Mobifone.

Ông Trà được xác định là một trong những người có trách nhiệm lớn trong thương vụ này.

Bộ Thông tin và Truyền thông với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định dự án; Quyết định số 236/2015 phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước, cần phải được xem xét, hủy bỏ.

Trước các cáo buộc, cựu Chủ tịch HĐTV Mobifone Lê Nam Trà vẫn khẳng định: "Mobifone mua AVG theo đúng chức năng nhiệm vụ".

“Đây là nhiệm vụ chính trị và kinh tế thực hiện theo phê duyệt về chiến lược của Mobifone đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt. Chúng tôi mong muốn được xem xét kỹ về nguyên nhân và bối cảnh thực hiện việc đó”- ông Trà đề nghị.

Trước đó, ngày 25/12/2015, Mobifone ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 95% cổ phần của AVG. Giá trị thương vụ này không được công bố lúc đó và hồ sơ mua bán được đóng dấu mật.

Tuy nhiên, sau này các cơ quan chức năng xác nhận giá trị của vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG là 8.889,8 tỷ đồng. Đây là con số được cho là quá cao so với giá trị thực của AVG, dù Mobifone nói rằng họ đã mua "rẻ" so với giá trị mà các công ty định giá đưa ra.

Đến ngày 14/3, Thanh Tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra, kiến nghị khởi tố vụ Mobifone mua AVG. Vào ngày 24/4, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành bàn giao hồ sơ, tài liệu thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG cho cơ quan điều tra Bộ Công an. Trong thời gian này, các cổ đông AVG cũng đã hoàn tất 5 đợt trả tiền, trả lại gần 9.000 tỷ đồng cho Mobifone theo thỏa thuận hủy hợp đồng trước đó.

Trong hai ngày 27 và 28/6/2018, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương dưới sự chủ trì của Trưởng ban KTTW, Bí thư Trung ương Đảng Trần Cẩm Tú đã họp kỳ 27, xem xét và kết luận một số nội dung quan trọng. Trong đó, thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Lê Nam Trà, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Mobifone.

Xem thêm >> Vụ AVG: Khai trừ Đảng ông Lê Nam Trà, ông Phạm Đình Trọng

Tin mới lên