Tiêu điểm

Đã ban hành Đề án về tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020

(VNF) - Nguồn tin của VietnamFinance cho hay Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020".

Đã ban hành Đề án về tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020

Mục tiêu của đề án là tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước để doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; quốc phòng, an ninh; lĩnh vực độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. 

Để thực hiện mục tiêu trên, hàng loạt giải pháp sẽ được thực hiện bao gồm các giải pháp về hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cũng như các giải pháp cụ thể đối với số lượng DNNN hiện nay.

Theo đề án này, chính sách về cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước sẽ được sửa đổi, bổ sung quy định về cổ phần hoá, thoái vốn, bán, giải thể, phá sản doanh nghiệp phù hợp với hệ thống Luật mới ban hành.

Cụ thể, sẽ nghiên cứu quy định về nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong việc xác định giá trị vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp để cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; quy định cụ thể việc xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai, quản lý đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao khi cổ phần hóa; bổ sung tiêu chí gắn với trách nhiệm và chế tài bảo đảm thực hiện cam kết đối với cổ đông chiến lược;

Chính phủ cũng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch và đăng ký trên thị trường chứng khoán sau khi phát hành cổ phiếu lần đầu theo pháp luật quy định; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán để không xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để đổi mới quản trị doanh nghiệp một cách thực chất.

Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu có quy định các phương thức thoái vốn khác phù hợp với tình hình thị trường và thực tế hoạt động của doanh nghiệp như: đấu giá thông thường hoặc bán cả lô toàn bộ phần vốn nhà nước; bổ sung quy định về việc xác định giá khởi điểm đối với phần vốn nhà nước trước khi tổ chức bán theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán. 

Về chính sách quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước, sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để doanh nghiệp nhà nước kinh doanh hoạt động trong môi trường pháp lý chung và cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đã đầu tư. Doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, quốc phòng, an ninh phải hạch toán và thực hiện tốt nhiệm vụ chính sách xã hội được giao. 

Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng cường minh bạch báo cáo tài chính, thông tin tài chính, kinh doanh, điều hành tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; tăng cường trách nhiệm của Hội đồng thành viên và Ban điều hành, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân nếu không thực hiện đúng quy định. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Chính phủ cũng sẽ tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ việc vay nợ và sử dụng vốn vay của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là vay nợ nước ngoài; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; hoàn thiện cơ chế tài chính đối với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, quốc phòng, an ninh; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý tiền lương, tiền thưởng để doanh nghiệp thực sự chủ động trong trả lương, trả thưởng gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh…

Tin mới lên