Tiêu điểm

Đặc khu kinh tế Sài Gòn: Từ gạch nối quá khứ đến kỳ vọng

(VNF) - Kỳ vọng dành cho Bí thư Đinh La Thăng, không chỉ từ "tổ chức" mà từ những doanh nhân giàu có đến những người thợ hồ lam lũ của Sài Gòn, ngay từ thời điểm này, là vô cùng lớn!

Đặc khu kinh tế Sài Gòn: Từ gạch nối quá khứ đến kỳ vọng

Ý tưởng về việc phát triển một "đặc khu kinh tế Sài Gòn" đã được Bí thư Đinh La Thăng nêu lên tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa X vừa diễn ra.

Tại Hội nghị này, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng TP. Hồ Chí Minh phải trở thành một đặc khu về kinh tế, theo đó phải "xây dựng được cơ chế quản trị của riêng thành phố, không rập khuôn các tỉnh, thành phố khác mà phải học tập mặt tích cực của các địa phương khác cũng như của các thành phố hiện đại trên thế giới".

Tiếp đó, trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội, Bí thư Đinh La Thăng đã nhấn mạnh tới vấn đề tạo cơ chế để huy động nguồn lực cho thành phố thay vì tư duy "xin Trung ương giữ lại thêm ngân sách", đồng thời khẳng định sẽ điều hành theo hướng "kỹ trị".

Nhân dịp này, VietnamFinance muốn cùng độc giả nhìn lại một tiến trình xây dựng các đặc khu kinh tế tại Việt Nam.

Ý tưởng không mới

Cho đến nay, lý thuyết và thực tiễn phát triển kinh tế của nhiều quốc gia đã khẳng định mỗi quốc gia đều cần có những khu vực phát triển riêng để làm "đầu tàu" cho những khu vực khác. Đối với các quốc gia đang phát triển, mô hình "đặc khu kinh tế" đã được áp dụng nhiều nơi và đem đến nhiều kết quả tốt đẹp, dẫu quy mô và mức độ thành công ở mỗi nơi là khác nhau.

Năm 1979, Quốc hội Việt Nam từng ra nghị quyết riêng về việc thành lập đặc khu kinh tế Vũng Tàu - Côn Đảo trực thuộc Trung ương theo đó đặt mục tiêu "xây dựng một đặc khu để phục vụ phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt".

Dù rất tham vọng, song đến năm 1991 thì đặc khu này được giải tán để thành lập tỉnh mới Bà Rịa - Vũng Tàu. Không có nhiều giải thích về việc này, song những người trong cuộc đều hiểu mô hình đặc khu đã không đem lại nhiều khác biệt. Ngành công nghiệp dầu khí đã có những bước phát triển trong giai đoạn đó nhưng là nhờ vào tiềm năng tự nhiên và một phần sự hỗ trợ quốc tế, chứ không hẳn là nhờ có "đặc khu".

Câu chuyện "đặc khu kinh tế" tiếp tục được xới lại vào những năm cuối thập kỷ trước, với việc hàng loạt tỉnh thành xin xây dựng các "khu kinh tế". Lúc cao điểm, có tới 18 khu kinh tế được quy hoạch, trong đó có 15 khu đã có quyết định thành lập với diện tích hơn 662.000 ha.

Rất tiếc, các "khu kinh tế" này chủ yếu được hình thành từ ý chí chính trị của các tỉnh thành, dẫn tới việc đầu tư không hiệu quả, khiến Chính phủ sau đó phải chủ động lựa chọn 5 khu kinh tế có tiềm năng nhất để tiếp tục đầu tư.

Đầu thập kỷ này, câu chuyện "đặc khu kinh tế" được tiếp tục khu tỉnh Quảng Ninh đưa ra ý tưởng về việc xây dựng 2 đặc khu kinh tế Vân Đồn và Móng Cái. Người đã quyết liệt vận động cho kế hoạch này khi đó là ông Phạm Minh Chính, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh (giờ là Trưởng ban Tổ chức trung ương). Tuy nhiên, cho đến nay, kế hoạch tham vọng này vẫn chưa có nhiều tiến triển.

Thời gian gần đây, kế hoạch "đặc khu kinh tế Phú Quốc" cũng đã được đề cập nhiều lần. Theo Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, ông Nguyễn Thanh Nghị, cho biết quan điểm chung khi xây dựng mô hình đặc khu kinh tế Phú Quốc là "xác định rõ tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của đảo Phú Quốc với các đặc khu kinh tế của các nước trong khu vực và phải có tầm nhìn chiến lược lâu dài.

Ông cũng cho hay việc xây dựng mô hình đặc khu kinh tế Phú Quốc "không chỉ đơn thuần là xây dựng cơ chế chính sách mà cùng với đó là xác định về mô hình quản lý đủ sức cạnh tranh quốc tế, để thu hút mạnh đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn có năng lực thật sự".

Cần một tầm nhìn mới

Ba mươi năm trước, Thâm Quyến chỉ là một làng nhỏ kém phát triển, đối lập với Hồng Kông đã là trung tâm tài chính thế giới. Với 100 triệu Nhân dân tệ đầu tiên được Trung ương cấp để "làm vốn", Thâm Quyến đã được tạo những điều kiện tốt nhất để trở thành một đặc khu kinh tế có bước phát triển vượt trội, là điểm hẹn của các nhà đầu tư.

Câu chuyện mà Bí thư Đinh La Thăng nhắc đến, theo đó đã từng có thời điểm cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từng mơ ước "một ngày nào đó được như Sài Gòn" cũng là ví dụ rất đáng chú ý. Thâm Quyến hay Singapore đều là những ví dụ sinh động rằng nếu có tầm nhìn và cơ chế huy động nguồn lực phù hợp, hoàn toàn có thể đưa một thực thể kinh tế tiến nhanh, vượt xa "mặt bằng" phát triển chung của mỗi quốc gia hay nhìn rộng ra tầm khu vực và thế giới.

Khi trả lời báo chí, Bí thư Đinh La Thăng tỏ ra khá khiêm tốn trước kế hoạch "đặc khu kinh tế" của mình. Sự khiêm tốn thể hiện rõ ở việc, ông nhấn mạnh ý tưởng này thực ra là "đã được đưa vào nghị quyết của Bộ Chính trị", đồng thời cho biết sẽ lắng nghe các ý kiến phản biện, đánh giá để tìm ra các cơ chế phù hợp.

Trước đó, theo một đề án của Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM (HIDS) trình UBND thành phố, ý tưởng về một đặc khu kinh tế trải rộng trên địa bàn quận 7 và 3 huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ cũng đã được công bố.

Theo đề án, diện tích của đặc khu theo đề án là hơn 888 km2, tổng dân số hơn 685.000 người. HIDS cho rằng, mục đích của việc thành lập đặc khu kinh tế là đột phá thể chế, trong đó chủ yếu là thử nghiệm các chính sách mới, ứng dụng các mô hình quản lý hiện đại, gỡ bỏ dần các rào cản từ tình trạng cát cứ trong quản lý ngành, đồng thời vẫn đảm bảo sự phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và thông lệ quốc tế.

Có lẽ Bí thư Đinh La Thăng đã có một kế hoạch lớn lao hơn nhiều so với đề án của HIDS. Tuy nhiên, như chính ông thừa nhận, quan trọng nhất vẫn không phải là sẽ gọi đó "là cái gì", mà sẽ là triển khai kế hoạch đó "như thế nào".

Quan trọng hơn, việc khẳng định sẽ bỏ tư duy "xin Trung ương giữ lại thêm ngân sách", thay vào đó là tạo ra cơ chế linh hoạt để thu hút các nguồn lực, được những người am hiểu về kinh tế đánh giá cao. Nếu như vào cuối năm 2015, một số lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh từng "đánh tiếng" về việc cần để lại nhiều ngân sách hơn cho TP. Hồ Chí Minh để "đảm bảo công bằng", thì giờ đây, thông điệp của Bí thư Đinh La Thăng là khá rõ.

Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh từng là Hòn ngọc Viễn Đông. Cho dù dưới cái vỏ lung linh là một nền kinh tế dựa nhiều vào ngoại viện, song trong hoàn cảnh nào thì thành phố này vẫn là cực phát triển số 1 của quốc gia. Bí thư Thăng có thể không cần phất lên lá cờ "đặc khu kinh tế" thì thành phố này vẫn đã, đang và tiếp tục là "số 1".

Nhưng lịch sử thì không vinh danh những người chỉ biết giữ thứ hạng. Lịch sử cần và sẽ chỉ vinh danh những đổi thay lớn lao, như câu chuyện Thâm Quyến, Singapore. Và vì lẽ đó, kỳ vọng dành cho Bí thư Đinh La Thăng, không chỉ từ "tổ chức" mà từ những doanh nhân giàu có đến những người thợ hồ lam lũ của Sài Gòn, ngay từ thời điểm này, là vô cùng lớn!

Tin mới lên