Ngân hàng

Đại án OceanBank bước vào nghị án: Đã mưa thì mưa cho khắp?

(VNF) - Hà Văn Thắm, trong phiên tòa tranh tụng sau cùng của đại án OceanBank cuối tuần qua, đã kịp nói lên 5 điều mà ông thấy cần phải công bằng khi tòa bước vào nghị án, trong đó có 3 điều không chỉ là câu chuyện của riêng bản thân Hà Văn Thắm.

Đại án OceanBank bước vào nghị án: Đã mưa thì mưa cho khắp?

Việc NHNN mua lại OceanBank với giá 0 đồng cần được mở rộng xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng hơn, sòng phẳng hơn

Thứ nhất là sự công bằng giữa OceanBank với các ngân hàng khác trong việc xử phạt vi phạm Thông tư 02. Ông Thắm nhấn mạnh rằng, các ngân hàng khác chỉ bị phạt hành chính và không có ai bị đi tù cả.

Thực tế, cho tới thời điểm này, đúng là chỉ có OceanBank là trường hợp bị xử lý hình sự khi vi phạm Thông tư 02.

Theo báo cáo thường niên năm 2011 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 6 tháng đầu năm 2011, cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay VND đều tăng cao. Cuối tháng 6/2011, lãi suất huy động VND bình quân ở mức 15,6%/năm, cao hơn trần lãi suất 14%/năm do một số TCTD khó khăn về thanh khoản đã "lách" quy định trần lãi suất.

Đồng nghĩa, chính NHNN đã thừa nhận chuyện vượt trần lãi suất đã xảy ra không chỉ ở một ngân hàng.

Thực tế, một cách công khai, DongABank và Agribank là 2 ngân hàng đã bị NHNN xử phạt hành chính khi vượt trần lãi suất, cùng với đó là áp dụng đồng thời các hình thức kỷ luật cán bộ nhưng không bị đề nghị xử lý hình sự.

Trong khuôn khổ đại án OceanBank, để bào chữa cho 4 bị cáo là các Giám đốc chi nhánh OceanBank, luật sư Hoàng Huy Được đã viện dẫn: "Thực tế sau khi có Thông tư 02 và Chỉ thị 02, theo ông Trần Anh Hùng, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Hải Dương, là người đại diện theo ủy quyền của Thống đốc đương nhiệm Lê Minh Hưng tại phiên tòa xét xử đại án OceanBank, NHNN đã xử lý hành chính đối với 2 ngân hàng là HDBank và MaritimeBank".

Tương tự trường hợp của DongABank và Agribank, trường hợp của HDBank và MaritimeBank cũng chỉ bị xử lý hành chính.

"Điều này khiến các luật sư và các bị cáo tại phiên tòa cho rằng đó là sự không công bằng", luật sư Được khẳng định.

Đã mưa thì mưa cho khắp. Nếu luận tội dựa trên việc "vượt trần lãi suất", hẳn Hội đồng xét xử phải mở rộng điều tra đến hàng loạt ngân hàng khác. Nếu không, các bị cáo trong đại án OceanBank, đặc biệt là các Giám đốc chi nhánh hiện đang bị Viện kiểm sát đề nghị xử lý hình sự cần được đối xử khác hơn, sòng phẳng hơn.

Điều Hà Văn Thắm đề cập thứ hai là sự công bằng giữa các cổ đông nhà nước với cổ đông cá nhân.

"Nếu Oceanbank được bồi thường thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng, bị cáo cũng là cổ đông ngang như PVN, bị cáo có nhận được số tiền bồi thường này không. Bị cáo có thể xin lấy 1.500 tỷ đồng đổi lấy tội của mình được không?", Hà Văn Thắm nói trong phiên tòa xét xử ngày 19/9.

Đại diện Công ty VNT – cổ đông của OceanBank – thì đề nghị trong phiên tòa ngày 21/9: "Khi ngân hàng được mua 0 đồng, chúng tôi mặc nhiên mất vốn góp, chúng tôi đề nghị có sự công bằng. Trong tổng số tiền 1.576 tỷ đồng không thể thuộc về Oceanbank cũ hay mới mà là thiệt hại này là của các cổ đông của OceanBank cũ. Nếu bồi thường thì là của cổ đông ngân hàng cũ chúng tôi. Nếu xác định đây là chi phí thì chúng tôi không yêu cầu các bị cáo hoàn trả".

Xét đến ngọn ngành, mọi tranh luận về vấn đề công bằng giữa cổ đông nhà nước và cổ đông cá nhân tại đại án OceanBank xuất phát từ việc NHNN mua lại OceanBank với giá 0 đồng, khiến PVN mất vốn, kéo theo các bị cáo bị kết tội.

Nếu "mưa cho khắp", việc NHNN mua lại OceanBank với giá 0 đồng cần được mở rộng xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng hơn, sòng phẳng hơn.

Hà Văn Thắm "đòi" 5 điều công bằng tại phiên tòa tranh tụng sau cùng, trong đó có 3 điều không chỉ là câu chuyện của riêng bản thân Hà Văn Thắm

Thứ ba, Hà Văn Thắm đề nghị sự công bằng trong các mức án, truy xét xem dòng tiền được thụ hưởng cuối cùng ở đâu, phải bồi hoàn nếu có yếu tố cần thiết.

Theo tài liệu điều tra của cơ quan chức năng, có tổng cộng tới 404 tổ chức kinh tế nhận tiền chi lãi ngoài từ OceanBank, trong đó có 103 tổ chức kinh tế nộp lại tiền vào tài khoản tạm giữ với tổng số tiền gần 28,15 tỷ đồng. 237 tổ chức kinh tế không thừa nhận đã nhận tiền lãi ngoài từ OceanBank.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 13/9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP); Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP).

Căn cứ của việc khởi tố này là xuất phát từ việc các tổ chức trên nhận lãi ngoài từ OceanBank.

Nếu sòng phẳng hơn, còn có bao nhiêu tổ chức kinh tế khác bị khởi tố như VSP, BSR, PVEP? Kể cả khi chỉ xét đến các tổ chức kinh tế nhà nước, thậm chí chỉ xét đến tổ chức kinh tế trong nội bộ PVN thì hẳn con số sẽ không dừng lại ở 3 tổ chức.

Ngoài 3 điều trên, Hà Văn Thắm còn đề nghị 2 điều công bằng khác. Đầu tiên là sự công bằng giữa các bị cáo ở nhóm tội tham ô, chiếm đoạt.

Tại phần tranh luận, VKS đề nghị xem xét lại yếu tố cấu thành tội phạm với các bị cáo khác nhưng riêng bản thân Thắm thì không được xem xét. Bị cáo Thắm nói bị cáo có cùng hành vi với bị cáo Nguyễn Xuân Thắng (nguyên phó giám đốc khối khách hàng lớn OceanBank), trong khi VKS chỉ đề nghị xử lý bị cáo Thắng tội cố ý làm trái.

Cùng với đó, Thắm xin xem xét tuyên không phạm tội tham ô tài sản.

Hà Văn Thắm cho rằng, trong trường hợp HĐXX thấy có đủ căn cứ kết tội thì yếu tố giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn ở đây cũng hết sức mờ nhạt. Trong các vụ án thông thường, nếu không có sự giúp sức tích cực thì đa số xử mức án thấp nhất hoặc dưới khung hình phạt, thế nhưng VKS đề nghị bị cáo mức hình phạt chung thân là quá khắc nghiệt, không công bằng.

Tin mới lên