Tiêu điểm

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư: ‘Vẫn chưa nhìn thấy yếu tố đột biến cho tăng trưởng năm 2018’

(VNF) - Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, người phát ngôn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết dù đã tổ chức rà soát, đánh giá động lực tăng trưởng nhưng đến nay vẫn chưa nhìn thấy yếu tố đột biến nào cho tăng trưởng năm 2018.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư: ‘Vẫn chưa nhìn thấy yếu tố đột biến cho tăng trưởng năm 2018’

Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân

Theo ông Phương, Samsung và Formosa là hai yếu tố đột biến làm nên tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2017. Bước sang năm 2018, dù Formosa đã công bố kế hoạch khởi động lò cao số 2 và Samsung có chia sẻ về tốc độ tăng trưởng của công ty nhưng so với mức độ đột biến như năm 2017 thì “chưa chắc đã bằng”.

“Đối với đông lực tăng trưởng như vậy, đánh giá lại, chưa thể có đột biến như năm 2017. Và kết quả đạt được năm nay, nếu so sánh với năm 2017, thì tốc độ tăng trưởng những quý cuối năm sẽ chùng xuống. Tuy nhiên, điều này là khách quan chứ không phải thể hiện nội lực nền kinh tế yếu đi.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ, yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải rà soát lại các dự án lớn đang trong quá trình triển khai. Cái nào sắp hoàn thành thì phải đẩy nhanh tiến độ, đưa vào sản xuất để tạo thêm động lực cho nền kinh tế”, ông Phương nói.

Ông Phương cũng phản đối các ý kiến cho rằng chất lượng tăng trưởng hiện nay thấp và nhấn mạnh đánh giá như vậy là “không công bằng”.

“Chất lượng tăng trưởng đã có cải thiện, thể hiện qua 4 khía cạnh. Một là chỉ số về tốc độ tăng trưởng, từ năm 2011 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân đều trên 6%. Hai là chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đang tiến bộ dần, trên 40%. Ba là năng suất lao động có cải thiện, dù so với yêu cầu thì chưa đạt. Và bốn là thu nhập bình quân đã cải thiện, hiện ở mức 2.385 USD/người, gần gấp đôi so với năm 2010 và gấp 3 lần so với 2007”, ông Phương thông tin.

Trả lời câu hỏi về nguồn vốn đầu tư công cho các đặc khu sẽ như thế nào (trong trường hợp Quốc hội thông qua dự luật và ra nghị quyết thành lập 3 đặc khu), ông Phương lấp lửng: “Nói hoàn toàn không dùng vốn đầu tư công thì không chắc chắn nhưng nếu nói chắc chắn dùng đầu tư công thì cũng không phải”.

“Ví dụ làm đường trong đặc khu, đường đấy có thể dùng vốn đầu tư công nhưng cũng có thể do nhà đầu tư tự làm. Nhà đầu tư hoàn toàn có thể làm cả về điện, nước, dịch vụ khác để phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt. Tư nhân đầu tư và bán dịch vụ bình thường”, ông nói thêm.

Vị Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân cũng cho hay trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, “không có đồng nào cho đặc khu”.

- “Nếu Quốc hội thông qua dự luật và ra nghị quyết thành lập đặc khu thì bài toán vốn ra sao”, phóng viên đặt câu hỏi.

- “Chưa bàn chuyện xin vốn”, ông nói.

Tin mới lên