Diễn đàn VNF

"Đám đông có thể cuồng loạn, nhưng cũng có thể trí tuệ"

(VNF) - Lý thuyết kinh điển của Gustave Le Bon liệu có đúng trong mọi trường hợp?

"Đám đông có thể cuồng loạn, nhưng cũng có thể trí tuệ"

LTS: Sau khi đăng tải bài viết "Khủng hoảng cá chết và hiệu ứng đám đông" của chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, tòa soạn VietnamFinance đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi về bài viết này. Trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều ý kiến tranh biện thú vị xung quanh chủ đề mà bài viết đã đề cập.

Dưới đây, xin trích đăng bài viết thể hiện góc nhìn của nhà báo Võ Văn Thành (Báo Tuổi trẻ) về vấn đề "hội chứng đám đông". Tòa soạn rất mong tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, phản hồi về hai bài viết này.

"Cụ Gustave Le Bon có một lý thuyết kinh điển phê bình đám đông, và ngày nay vẫn được dùng trong một số trường hợp hữu dụng. Chẳng hạn dùng "hội chứng đám đông" khi đề cập về hiện tượng cá chết.   

Lúc này tôi không muốn nói thêm về câu chuyện ở biển miền Trung, nhưng "hội chứng đám đông" thì muốn bàn một chút.

Lý thuyết của cụ Le Bon là: "Những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thuỷ, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng, họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất. Vả lại, do thể tạng của mình, những đám đông ấy cần có một thủ lĩnh, một người cầm đầu, kẻ có thể dẫn dắt họ và cho bản năng của họ một ý nghĩa".

Kinh điển thì kinh rồi. Nhưng đám đông với tính thất thường như cụ Le Bon nói, không chịu "đóng khung" trong nhận định của cụ. 

Rất dễ để tìm ra những góc nhìn đa chiều liên quan đến đám đông. Chẳng hạn như lý thuyết "trí tuệ đám đông" của James Surowiecki. Một cách tóm tắt, nếu như Le Bon nhấn mạnh đến tính "vô thức" của đám đông dễ bị kích động tâm lý, thì ngược lại, James Surowiecki đã phân tích rõ tác động "hữu thức" của đám đông dẫn đến trí tuệ tập thể.    

Có lẽ cần một ví dụ từ James Surowiecki. Nửa đêm bạn xuống phố tìm mua một chai nước cam. Dù bạn không thông báo trước cho người bán hàng về dự định của mình, nhưng bất cứ lúc nào bạn xuống phố cũng có thể mua được nước cam nếu có tiền trong túi. Tủ lạnh ở các cửa hàng luôn có nước cam dù khách hàng không thông báo trước nhu cầu. Tất nhiên là nước cam phải được chiết xuất, đóng gói từ nhiều ngày trước, sau khi nông dân hái cam xuống từ trang trại. Tất cả những người trong quy trình phức tạp đó hầu như không biết đến sự tồn tại của bạn.    

Dù không được ai lãnh đạo hay hướng dẫn nhưng cái đám đông ấy, thật lạ lùng, đã có khả năng phối hợp hành động để tất cả mọi người trong dây chuyền có lợi xoay quanh trái cam.   

Rõ ràng theo một nghĩa nào đó, nền kinh tế thị trường tự do phát triển từ sơ khai cho đến ngày nay giống như một đám đông phối hợp ăn ý và tinh xảo nhất trên trái đất. Chẳng lẽ đó là một đám đông đáng bị phê bình như cách đặt vấn đề của cụ Le Bon hay sao? 

Và chẳng phải người xưa đã dạy: "Ba anh thợ da hơn một Gia Cát Lượng".   

Lý thuyết của cụ Le Bon được cho là ảnh hưởng tới Adolf Hitler. Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển tư tưởng của trùm phát xít nói riêng cũng như lịch sử Đức Quốc xã nói chung cần được xem xét trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Câu chuyện không đơn giản là Hitler dẫn dụ dân tộc Đức, ở góc độ ngược lại trùm phát xít chính là sản phẩm bắt rễ sâu xa từ lịch sử và tư tưởng Đức, từ tham vọng xây dựng một đế chế của chủng tộc Aryan.   

Khi Tổng thống Hindenburg, hành động theo cách thức hoàn toàn hợp hiến, giao chức vụ thủ tướng cho Hitler vào buổi xế chiều ngày 30-1-1933, nhiều người Đức - có lẽ là đa số - không nhận ra rõ ràng họ đã tự áp đặt nền chuyên chế Quốc xã lên chính họ. Một thời gian ngắn sau đó, kết quả cuộc trưng cầu ý dân tổ chức trên toàn quốc vào ngày 19-8-1934 đã xác nhận Hitler là Führer (lãnh tụ) duy nhất của nước Đức.

Đúng là Führer đã áp dụng những cách thức tác động tới đám đông rất điển hình (có thể phần nào được đúc kết từ lý thuyết của cụ Le Bon). Nhưng như nói ở trên, nếu đặt câu chuyện trong bối cảnh rộng lớn hơn, chúng ta sẽ thấy rằng đám đông bị dẫn dắt và thôi thúc bởi các nguyên nhân khác nhau. Nhiều khi trong chiến tranh, đơn giản là con người dù ý thức được hoàn cảnh nhưng không thể thoát ra.    

Điều quan trọng hơn nằm ở chỗ cụ Le Bon đã không nhìn thấy trí tuệ đám đông.    

Cũng "đám đông" ấy, đã trí tuệ đưa Helmut Josef Michael Kohl lên vị trí thủ tướng, để rồi ông này trở thành một trong những kiến trúc sư chính của quá trình thống nhất nước Đức. Và cũng "đám đông" ấy đưa Angela Dorothea Merkel trở thành nữ thủ tướng trẻ nhất kể từ sau Đệ nhị Thế chiến, ủng hộ bà qua nhiệm kỳ thứ ba, có thể là thứ tư. "Đám đông" có quyền tự hào khi tạp chí TIME danh tiếng của Mỹ bình chọn nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel là nhân vật của năm.   

Chính "đám đông" bằng trí tuệ, bằng sự chăm chỉ, ý thức kỷ luật tự thân và kinh tế thị trường tự do đã đưa nước Đức lên vị thế cường quốc kinh tế được cả thế giới ngả mũ.   

Bản Hiến pháp được tuyệt đại đa số người dân Đức công nhận là bản Hiến pháp đảm bảo một nhà độc tài sẽ không bao giờ có cơ hội ở nước Đức. Có lẽ cụ Le Bon quên rằng đám đông còn có khả năng rút kinh nghiệm để ra quyết định tốt hơn.    

Tin tưởng vào trí tuệ đám đông là tin tưởng vào nền dân chủ. Trong đó mỗi người có những khả năng (trí tuệ, học thức, thông tin.v.v…) và lợi ích khác hẳn nhau, nhưng mỗi người đều có một lá phiếu.    

Trong đa số trường hợp trên thế giới ngày nay, những cuộc bầu cử thực chất, những cuộc trưng cầu ý dân thực chất, đều chứng minh quyết định của số đông có thể không toàn vẹn nhưng là quyết định tốt nhất trong hoàn cảnh nhất định. Đó là vì đám đông ngày nay đã biết học hỏi từ kinh nghiệm thế hệ đi trước, biết suy luận và hành động theo lý trí. Họ là tập hợp những cá nhân được giáo dục và trao quyền, trưởng thành trên nền tảng sự trao quyền đó.    

Lý thuyết của cụ Le Bon sẽ ngày càng không đứng vững nếu đám đông ngày càng được trao quyền đầy đủ, trong đó có quyền tiếp cận thông tin.    

Chẳng hạn với hiện tượng cá chết hàng loạt, không nên lấy hành vi sai quấy của một thiểu số để cho đó là lỗi của đám đông. Có nhiều ý kiến "ngây dại ngớ ngẩn", thậm chí "đổ thêm dầu vào lửa", nhưng cũng có rất, rất nhiều ý kiến bàn luận đầy trách nhiệm, đầy trí tuệ, bình tĩnh, công tâm. Các ý kiến khác nhau, đa dạng, phong phú tạo nên một xã hội công dân, tạo nên áp lực về trách nhiệm giải trình, minh bạch, khẩn trương giải quyết vấn đề. Nếu không có đám đông thì làm sao có được điều đó?   

Vì bản chất của khủng hoảng là gây đe doạ nên chúng phải được giải quyết nhanh chóng. Truyền thông hiệu quả trong khủng hoảng là hướng trọng tâm vào vấn đề, không phải hướng vào đám đông hay vào báo chí. Một bài học truyền thông cơ bản là hãy công nhận những người liên quan bao gồm cánh báo chí là những người trong cuộc khi kiểm soát một cuộc khủng hoảng.    

Trong bất cứ thảm hoạ nào, đám đông cần thông tin, cần tham khảo các bình luận và nghe ngóng phản ứng của cộng đồng. Một đám đông chuyển động thì mới có thể tiến lên. Mặc dù mức độ nghiêm trọng của vấn đề hoặc nguyên nhân chưa được xác định, nhưng cơ quan chức năng chính thống vẫn cần truyền đạt thông tin sớm và liên tục.

Một trong những việc Rudy Giuliani (cựu thị trưởng New York) đã làm rất tốt sau vụ 11-9 là liên tục cung cấp các bản báo cáo cho người dân New York và thế giới về những gì đang diễn ra cũng như công việc dọn dẹp đang tiến hành như thế nào. Ông làm điều này ngay cả khi không có tin tức gì mới, hay khi ông không có tin tức gì để cung cấp.    

Lý thuyết không chỉ màu xám mà còn biến đổi màu sắc tuỳ theo nhận thức của con người. Vì tính tương đối của vấn đề, tôi đồng ý rằng đám đông có thể cuồng loạn, nhưng cũng có thể trí tuệ. Đôi khi chúng ta không thể chống lại những kẻ ngu vì họ quá đông. Nhưng hãy tin tưởng rằng sẽ có số đông hơn đủ thông minh để thiết lập những trật tự mang lại lợi ích nhất cho cộng đồng, thông qua nền dân chủ.    

Có một điều dứt khoát rằng số đông hơn luôn đúng, nếu bạn không tin thì hãy bỏ phiếu.

Tin mới lên