Tài chính quốc tế

Đăng cai F1: Người hốt bạc, kẻ cháy túi

Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á thứ 3 đăng cai tổ chức giải đua xe Công thức 1 (F1). Giải đấu tốc độ nhanh danh giá nhất hành tinh này đã lăn bánh qua Singapore, Malaysia... nhưng không phải lúc nào cũng để lại cho thành phố đăng cai những con số lợi nhuận tỷ đô trong mơ, ngược lại còn lỗ nặng.

Đăng cai F1: Người hốt bạc, kẻ cháy túi

Singapore Grand Prix là chặng đua thu hút đông đảo người xem.

Đường đua Công thức 1: Cỗ máy kiếm tiền của Singapore

Cho đến nay, Singapore vẫn được đưa ra làm ví dụ điển hình của việc dùng giải đua xe Công thức 1 (F1) để thúc đẩy du lịch suốt từ năm 2008 (thường tổ chức vào tháng 9 hằng năm). Nhưng quốc đảo này quá chật hẹp, lấy đâu ra đất để xây dựng đường đua?

Người Singapore lấy luôn đường phố ở khu Marina Bay làm nơi để các ngôi sao đường đua trổ tài. Bởi trước đó, Monaco cũng đã làm như vậy. Và chính đường đua trong phố diễn ra vào buổi tối lại càng khiến cho Singapore Grand Prix trở nên hấp dẫn hơn, như một đặc thù, trải nghiệm riêng mà không đâu có được.

Để có tiền tổ chức, việc đầu tiên phải làm là tìm kiếm nhà tài trợ, với chi phí khoảng 150 triệu USD cho mỗi hợp đồng có thời hạn 5 năm. Nhà mạng Singtel là người đi tiên phong, trước khi nhường lại vị trí nhà tài trợ chính cho hãng hàng không Singapore Airlines từ năm 2014, khi người Sing coi giải đấu như một mũi nhọn để thúc đẩy du lịch, vốn chiếm 4% cơ cấu kinh tế của quốc đảo sư tử.

Chiến lược đó là hoàn toàn thực tế, bởi theo các nhà tổ chức, có tới 40% khán giả của Singapore Grand Prix là người nước ngoài. Tính từ năm 2008, khi đường đua đêm bắt đầu được tổ chức thường niên tại Marina Bay, ước tính mỗi năm có 250.000 người đến Singapore để xem đua xe F1, đóng góp cho quốc đảo khoảng hơn 100 triệu USD mỗi năm, so với kinh phí tổ chức là 30 triệu USD.

Trường đua quốc tế Sepang chưa từng thay đổi, vẫn giữ nguyên đường đua từ năm 1999 tới nay. Ảnh: EPA

Để tăng thêm sức hút cho giải đấu, người Sing còn tổ chức nhiều sự kiện ăn theo 3 đêm F1, đáng chú ý nhất là một đại nhạc hội với sự hiện diện của các ngôi sao ca nhạc quốc tế lừng danh. 

Theo tờ The Strait Times, mỗi dịp tổ chức giải, các khách sạn quanh khu Marina Bay đều kín phòng và những chuỗi trung tâm thương mại tại Orchard Road lúc nào cũng đông khách. Đa phần khách đến Singapore toàn là dân có tiền. Theo một báo cáo của nhóm tư vấn Boston Consulting Group hồi năm 2012, khoảng 10% số người có thu nhập cao thường xem F1 qua truyền hình nói rằng họ sẵn lòng đến Singapore để xem trực tiếp giải đấu nếu có dịp.

Một nguồn thu lớn khác đến từ bản quyền truyền hình, khi ước tính có 90 triệu người theo dõi giải đua qua TV, đi kèm theo đó là các spot quảng cáo kín chương trình.

Malaysia cháy túi

Trong khi đó, không như mong đợi, do chi phí quá tốn kém, thu không đủ bù chi, Malaysia đã phải ngậm ngùi chia tay giải đua F1 danh giá sau 19 năm gắn bó và tự hòa về một sự kiện thể thao hoành tráng.

Sau khi hết hạn hợp đồng năm 2017, chính quyền Malaysia đã quyết định ngừng tổ chức giải đua vô địch thế giới công thức 1 sau gần 20 năm đăng cai. Lý do cho sự chia tay này là chi phí bỏ ra quá lớn, thu không đủ bù chi.

"Chính phủ đã nhất trí kết thúc hợp đồng đăng cai một chặng đua F1 từ năm 2018, căn cứ vào sự sụt giảm doanh thu cho Malaysia so với chi phí bỏ ra để tổ chức cuộc đua", Thủ tướng Najib Razak nói trong thông cáo phát đi vào hôm 7/4/2017.

Được tổ chức lần đầu vào năm 1999, tại trường đua Sepang, Kuala Lumpur, giải đua Malaysian Grand Prix từng là một điểm nhấn về văn hóa du lịch cho đất nước này, giúp cho lượng khách du lịch đến Malaysia tăng vọt, quảng bá hình ảnh Malaysia đến toàn thế giới với tư cách là quốc gia châu Á thứ 2 sau Nhật Bản tổ chức được giải công thức 1.

Những hàng ghế trống ở German Grand Prix.

Năm đầu tiên khi Malaysia mở đường đua Sepang, họ là quốc gia thứ hai ở châu Á - sau Nhật Bản - tổ chức giải đua này. Lúc đó trên thế giới cũng chỉ có tổng số 16 quốc gia đăng cai. Còn hiện tại trong năm 2018, giải đua công thức một (F1) đã có mặt ở 21 nước trên thế giới, trong đó có 4 quốc gia châu Á là Trung Quốc, Bahrain, Singapore, Nhật Bản và kế bên là Nga. Người Malaysia hiểu rằng Malaysian Grand Prix đã không còn là của hiếm nữa rồi.

Ngay cả trong khu vực Đông Nam Á, họ cũng có một đối thủ đáng gờm là trường đua Marina Bay Street của Singapore ở ngay sát vách kế bên. Trên thực tế, một phần không nhỏ khách du lịch đã bỏ trường đua Sepang để sang Marina Bay mới lạ hơn.

Mặc dù nguồn thu ngày càng ít đi nhưng chi phí để tổ chức một chặng đua vẫn không hề rẻ. Mỗi năm Malaysia phải bỏ ra hàng chục triệu USD chỉ riêng phí đăng cai, đó là còn chưa tính đến các chi phí về điều kiện vật chất, truyền thông. Con số được truyền thông ước tính lên đến hơn 50 triệu USD mỗi năm.

Đơn vị bảo trợ chính cho chặng đua F1 ở Kuala Lumpur từ khi Malaysia có trong lịch trình đua F1 từ năm 1999 là Petronas, tập đoàn hoá dầu và khí đốt trực thuộc chính phủ. Từ vài năm qua, Petronas liên tục gặp khó khăn vì sự bất ổn về giá dầu.

Ngừng tài trợ đăng cai chặng đua, nhưng theo Thủ tướng Najib, Petronas vẫn tiếp tục tài trợ cho đội đua Mercedes AMG Petronas F1, vì xem đây như là một phần trong chiến lược tiếp thị hình ảnh tập đoàn này.

Grand Prix Malaysia 2016 chỉ bán được chưa đến 60% lượng vé phát hành. Con số này rất thấp nếu so với chặng MotoGP cũng được tổ chức trên đường đua Sepang. Sau khi dừng hợp đồng với F1, Malaysia sẽ dành nguồn lực đăng cai giải MotoGP vốn rất phổ cập và đang ngày càng hấp dẫn, được nhiều khán giả theo dõi

Nhiều quốc gia tháo chạy khỏi F1
"Không ai biết khi nào nước Đức mới tổ chức lại một chặng đua F1 nữa", nhà báo Andrew Benson, chuyên gia về đua xe Công thức 1 (Formula One - F1) từng cảm thán trong bài viết trên BBC vào tháng 3/2015. Điều tương tự xảy ra với nước Pháp, nơi những chặng đua đầu tiên được diễn ra.

Nước Đức, quê hương của hai huyền thoại F1 Michael Schumacher, 7 lần vô địch thế giới, và Sebastian Vettel, 4 lần vô địch thế giới, từng hai lần hủy kế hoạch tổ chức các chặng đua vào mùa 2015 và 2017. Trước đó, chặng đua ở Đức từng biến mất trong lịch trình một năm thi đấu là vào năm 1955.

Tiếng nói lịch sử không còn trọng lượng nữa. Theo Benson, người Đức không còn mặn mà với F1 nữa. Mỗi năm, hai trường đua Nurburgring và Hockenheim luân phiên tổ chức các chặng đua. Khi Nurburgring không thể "gồng gánh" thêm, Hockenheim được tin rằng sẽ chiếm lĩnh thị trường.

Sự thật là người Đức nhận được lại không như vậy. Ban tổ chức chặng đua Hockenheim gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khán giả. Ở các chặng đua thử, nhiều hàng ghế trống xuất hiện.

Nước Đức có lịch sử đua xe F1 rất tự hào. Họ có Michael Schumacher lẫy lừng, sau này sở hữu thêm Sebastian Vettel và Nico Rosberg tài năng. Cuối cùng, điều đó vẫn không giúp quốc gia này duy trì liên tục chặng đua F1. Theo BBC, chi phí để tổ chức sự kiện này quá cao.

Sau khi Malaysia rút lui, Hà Nội - Việt Nam được các nhà tổ chức nhắm đến. Thông tin mới nhất là Việt Nam chính thức là nước thứ 22 trên thế giới sẽ đăng cai tổ chức giải đua ô tô Công thức 1 vào năm 2020 và địa điểm diễn ra giải đấu này sẽ nằm tại khu vực Mỹ Đình.

Tuy nhiên, theo phân tích từ ban tổ chức giải đấu, việc đăng cai giải đua này sẽ đưa Hà Nội và Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới về sự kiện thể thao lớn trên thế giới. Đặc biệt, giải đua F1 là một giải đua danh tiếng, có truyền thống lâu năm, do vậy sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa của Hà Nội - Việt Nam ra thế giới.

Xem thêm >> ‘Soi’ chi tiết xe đua F1 triệu USD tại Hà Nội

Tin mới lên