Ngân hàng

DATC sắp đấu giá khoản tiền gửi 111 tỷ ‘kẹt’ tại ‘vũng lầy’ ALCII

(VNF) – Mức giá khởi điểm được đưa ra là 39,5 tỷ đồng. Ngày đấu giá dự kiến là 1/3/2018.

DATC sắp đấu giá khoản tiền gửi 111 tỷ ‘kẹt’ tại ‘vũng lầy’ ALCII

ALCII lỗ tới hơn 3.000 tỷ thời điểm cuối năm 2009, từng khiến cựu lãnh đạo công ty này lãnh án tử

Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vừa đưa ra đấu giá khoản đầu tư tiền gửi của DATC tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII) có giá trị đến ngày 17/10/2017 là 111.292.468.291 đồng; trong đó: vốn gốc đầu tư là 39.540.773.183 đồng và số tiền lãi phát sinh trên vốn gốc đầu tư là 71.751.695.108 đồng.

Phía DATC cho biết, khoản tiền gửi này không có tài sản bảo đảm

Về nguồn gốc tài sản, khoản tiền gửi này phát sinh từ các hợp đồng tiền gửi giữa DATC và ALCII đã được đối chiếu, xác nhận số liệu theo biên bản ngày 17/10/2017.

Đối tượng tham gia đấu giá là các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia đấu giá tài sản trừ những đối tượng không được tham gia đấu giá theo quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật đấu giá tài sản Luật số 01/2016/QH14 ngày 17/11/2016.

Giá khởi điểm là 39.540.773.183 đồng, chưa bao gồm thuế, phí và lệ phí.

Hình thức đấu giá là đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá. Phương thức đấu giá là trả giá lên.

Cuộc đấu giá dự kiến sẽ diễn ra vào 9h30’ ngày 1/3/2018.

"Vũng lầy" ALCII từng khiến cựu lãnh đạo nhận án tử

Ngày 18/10/2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALCII) thuộc ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, do Vũ Quốc Hảo (cựu tổng giám đốc công ty ALCII) và Đặng Văn Hai (cựu chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH xây dựng & thương mại Quang Vinh) thực hiện.

Theo cáo trạng, trong thời gian từ năm 2007 đến đầu năm 2009, Hảo đã chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiệp vụ cho thuê tài chính dưới hình thức ký hợp đồng giải ngân đầu tư tài sản cho thuê, thực chất là cho vay trái quy định, vi phạm quy định của nhà nước về cho thuê tài chính dẫn đến mất khả năng thanh toán.

Với mục đích giảm nợ xấu, tránh bị thanh kiểm tra, Hảo đã đưa ra chủ trương bàn bạc thống nhất với các doanh nghiệp có quan hệ thuê tài chính tại ALCII để ký và thực hiện các hợp đồng thuê tài chính, hợp đồng mua bán tài sản theo nghiệp vụ cho thuê tài chính trái với các quy định về hoạt động cho thuê tài chính, sử dụng tiền của ALCII để xử lý nợ xấu tại ALCII.

Để thực hiện chủ trương trên, Hảo đã chủ động triệu tập họp bàn với lãnh đạo và cán bộ dưới quyền tại ALCII để thống nhất phương án ký các hợp đồng cho thuê tài chính trái quy định.

Số tiền giải ngân thực tế không được sử dụng mua bán tài sản để hình thành tài sản cho thuê theo hợp đồng mà nhằm mục đích để đảo nợ, xử lý nợ xấu tại ALCII.

Hai bị cáo được kết luận là đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 450 tỷ đồng.

Trước đó, TAND TP.HCM đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Hảo và bị cáo Hai mức án tử hình về tội tham ô, 20 năm tù về tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt chung cả 2 bị cáo phải chấp hành là tử hình.

Tại tòa phúc thẩm, xét thấy các bị cáo đã khắc phục một phần hậu quả nhưng mức thiệt hại gây ra là quá lớn, bị cáo Hảo đóng vai trò chủ mưu trong vụ án nên không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, tuyên y án tử hình đối với cả hai bị cáo.

Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước ban hành năm 2010, tính đến hết năm 2009, ALCII đã lỗ tới hơn 3.000 tỷ đồng, gấp 8,5 lần vốn điều lệ, đưa công ty đến bờ vực phá sản và làm thất thoát số tiền của Nhà nước lên tới 4.617 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu ở mức cao bằng 60,4% tổng dư nợ; tổng nợ phải trả lớn hơn tổng tài sản là 2.573 tỷ đồng, mất khả năng thanh khoản trầm trọng vào quý IV năm 2009 là 1.763 tỷ đồng. Đến cuối năm 2010, ước tính mất khả năng thanh khoản ở mức hơn 6.600 tỷ đồng và có thể còn cao hơn thế nếu không có biện pháp thu hồi nợ tích cực.

Tin mới lên