Tài chính

Dấu hỏi xung quanh khoản cho vay hơn 2.000 tỷ đồng của Vinaconex

Điểm đáng chú ý nhất trong Báo cáo bán niên soát xét của Vinaconex là khoản tiền mà Vinaconex dành cho Xi măng Cẩm Phả vay tính đến thời điểm giữa năm 2015 trị giá 2.025 tỷ đồng.

Dấu hỏi xung quanh khoản cho vay hơn 2.000 tỷ đồng của Vinaconex

Dòng tiền dồi dào là một điểm sáng trong tình hình tài chính của Vinaconex. Ảnh: Lê Tiên

Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) là một trong những tên tuổi hoạt động trong lĩnh vực xây lắp lớn nhất Việt Nam hiện nay. Năm 2015, lĩnh vực chủ đạo này mang lại cho Vinaconex 5.100 tỷ đồng doanh thu, chiếm 62,7% doanh thu thuần cả Tổng công ty.

Thương hiệu Vinaconex hiện nay gắn liền với một loạt lĩnh vực mà các công ty con của Tập đoàn tham gia từ bất động sản, tư vấn thiết kế đến kinh doanh thương mại, khách sạn, du lịch… Năm 2015, Vinaconex lãi hợp nhất 321 tỷ đồng (phần dành cho cổ đông công ty mẹ), tăng trưởng trở lại sau năm 2014 vừa giảm sâu.

Tổng tài sản của Vinaconex cuối năm 2015 đạt gần 21.900 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với số dư đầu năm. Khoản mục giảm đáng kể nhất là chi phí xây dựng cơ bản dở dang (từ mức 3.024 tỷ đồng xuống còn 1.445 tỷ đồng trong 1 năm).

Mối lo các khoản phải thu/phải trả

Với doanh thu xung quanh 8.000 tỷ đồng trong 2 năm gần đây, số dư khoản phải thu khách hàng của Tổng công ty luôn không dưới 4.000 tỷ đồng. Năm 2014, khoản phải thu khách hàng của Vinaconex còn lên tới 4.936 tỷ đồng. Con nợ lớn nhất của Vinaconex tính đến thời điểm giữa năm 2015 là Sở Xây dựng TP. Hà Nội, với số dư 1.589 tỷ đồng. Đây là khoản nợ phát sinh từ Dự án BT Bảo tàng Hà Nội đã được khánh thành từ năm 2010.

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất lại là khoản phải thu cho vay dài hạn lên tới 2.165 tỷ đồng. Theo Báo cáo bán niên soát xét, đó chủ yếu là khoản mà Vinaconex cho Xi măng Cẩm Phả vay (2.025 tỷ đồng – tính đến thời điểm giữa năm 2015).

Khoản cho vay nói trên nằm trong 2 hợp đồng vay giữa Vinaconex và Xi măng Cẩm Phả với tổng hạn mức lên tới 99 triệu USD, lãi suất vay 1,5%/năm. 2 hợp đồng có thời gian đáo hạn lần lượt vào ngày 29/8/2021 và 29/11/2015.

Được biết, năm 2013, Tổng công ty đã chuyển nhượng 70% cổ phần Xi măng Cẩm Phả cho Tập đoàn Viettel giúp Vinaconex lãi khủng 496 tỷ đồng, tăng vọt so với khoản lãi vỏn vẹn 87 tỷ đồng năm trước đó.

Cho vay và khá "xông xênh" với các khoản phải thu, tính đến cuối năm 2015, Vinaconex phải vay ngắn và dài hạn tổng cộng 4.452 tỷ đồng. Lãi vay phát sinh trong năm lên tới 338 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu tài chính của Tổng công ty chỉ là 319 tỷ đồng và chỉ có 113 tỷ đồng đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay.

Liên tục thoái vốn

Theo Báo cáo hợp nhất kiểm toán năm 2014 của Vinaconex, HĐQT Công ty đã phê duyệt chủ trương thoái vốn khỏi một số công ty con là Vinaconex 3, Vinaconex 4, Vinaconex Đà Nẵng, Vinaconex Quyết Thắng, Vinaconex ITC và CTCP Phát triển Thương mại Vinaconex.

Mặc dù vậy, sau 1 năm, tính đến cuối năm 2015, Vinaconex mới chỉ thoái vốn thành công khỏi Vinaconex 3 theo đúng kế hoạch. Đây cũng là một trong những công ty con hoạt động tốt nhất của Vinaconex. Sau khi Vinaconex thoái vốn, Vinaconex 3 tiến hành thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 2:3, tăng vốn điều lệ lên mức 200 tỷ đồng từ mức 80 tỷ đồng trước đó.

3 đơn vị còn lại của Vinaconex đã thoái vốn trong năm 2015 bao gồm: Vinaconex 5, Vinaconex 15 và Vinapco; trong đó có Vinaconex 5 là thoái vốn toàn bộ, 2 công ty còn lại thoái vốn một phần và trở thành công ty liên kết.

Chủ trương thoái vốn của Vinaconex chưa dừng lại. Tính đến cuối năm 2015, Tổng công ty vẫn còn 25 công ty con và 9 công ty liên kết. Đầu năm 2016, Tổng công ty vừa công bố thông tin sẽ thoái vốn khỏi Vinaconex 6 (công ty liên kết đang nắm giữ 36% cổ phần).

Theo thông tin từ ĐHCĐ thường niên 2015, đại diện Vinaconex cho biết, Tổng công ty sẽ chỉ giữ lại khoảng 6-7 đơn vị nòng cốt, tất các các trường hợp thoái vốn sẽ được thực hiện theo đúng pháp luật.

Điểm sáng dòng tiền

Trong khi các doanh nghiệp xây dựng nhìn chung chật vật với dòng tiền, Vinaconex tỏ ra tương đối thoải mái khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh luôn ở mức trên 1.000 tỷ đồng trong 2 năm trở lại đây.

Dòng tiền dồi dào là một điểm sáng trong tình hình tài chính của Vinaconex. Mặc dù doanh thu và lợi nhuận còn khiêm tốn so với quy mô, tình hình các khoản phải thu/phải trả chồng chéo, Tổng công ty vẫn đảm bảo hoạt động bình thường, trụ vững qua những khó khăn trong những năm vừa qua.

Tin mới lên