Diễn đàn VNF

Đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, cơ hội đã đến?

Nhìn lại lịch sử xây dựng phát triển kinh tế đất nước sau năm 1975, từ khi có đường lối đổi mới, riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta đã tìm ra và phát huy rất hiệu quả động lực tăng trưởng, những thành tựu trong phát triển nông nghiệp ở nước ta là to lớn.

Đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, cơ hội đã đến?

Ảnh minh họa.

Đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp

Trong lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp, chính phủ luôn coi đây là lĩnh vực ưu tiên đặc biệt trong khuyến khích đầu tư trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp tai Việt Nam. Tuy vậy, FDI vào nông nghiệp những năm qua còn rất hạn chế so với tiềm năng và kỳ vọng.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến cuối tháng 3/2017, cả nước mới có 522 dự án với tổng số 3,6 tỷ USD vốn  FDI  vào nông nghiệp chiếm 2.26 % về dự án và 1,2% về vốn, quy mô dự án chỉ bằng một phần hai so với quy mô trung bình của lĩnh vực này.

Trong 3 năm gần đây vốn FDI vào nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng số vốn FDI vào Việt Nam, năm 2014 là 0,5%, năm 2015 là 1% và 2016 là 0,4%

Câu hỏi đặt ra là, với tiềm năng và lợi thế, những ưu đãi về chính sách… song dòng vốn FDI vào nông, lâm, ngư nghiệp vì sao vẫn rất hạn chế? Trong dự thảo đề án "Tăng cường thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp giai đoạn 2014-2020, định hướng 2030" đã đề cập toàn diện về thực trạng, những nguyên nhân và hệ thống giải pháp, đặc biệt đã chỉ ra 5 nguyên nhân: (i) Tiềm ẩn nhiều rủi ro trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp, (ii) Nông nghiệp Việt Nam còn manh mún, sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp, (iii) Chưa có phương thức phù hợp với tính chất, trình độ của nông dân, (iv) thiếu tính liên kết bền vững và (v) chính sách, định hướng chiến lược thu hút FDI vào nông nghiệp chưa rõ ràng.

Những chuyển động mới 

Theo nghị quyết phiên họp thường kỳ chính phủ tháng 2/2017 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký, Chính phủ đã yêu cầu sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển đổi từ lúa sang các loại cây khác, nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, trong đó bao gồm tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng...

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng các tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, danh mục công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp và tiêu chí nông nghiệp sạch; yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động để cho vay đối với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi xuất ưu đãi thấp hơn lãi xuất thị trường, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai thực hiện chương trình.

Về phía các doanh nghiệp, trong vài năm gần đây, nhận biết được xu thế cùng với sự chuyển đổi chính sách đối với phát triển nông nghiệp, các doanh nghiệp Việt đặc biệt là các công ty, tập đoàn lớn đã đón bắt cơ hội đầu tư vào nông  nghiệp với những dự án quy mô trung bình và lớn, nhiều dự án số vốn đến hàng nghìn tỷ đồng, nhiều cánh đồng mẫu lớn đang hình thành, phát triển.

Hoàng Anh Gia Lai là một trong những tập đoàn đi tiên phong trong đầu tư vào nông nghiệp với bao thăng trầm. Vin Group, Tập đoàn Hòa Phát, Pan Group, TH True Milk, tập đoàn FPT... đã bước đầu gạt hái thành công trong đầu tư vào nông nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có triết lý kinh doanh riêng, song nắm bắt xu thế phát triển, xu thế thị trường, áp dụng công nghệ tiên tiến xây dựng và phát triển thương hiệu luôn là chìa khóa thành công của các doanh nghiệp này.

Đầu tư nước ngoài: cơ hội đã đến?

Về hành lang pháp lý, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014 và hệ thống văn bản của hai luật này đã giảm đáng kể những khác biệt giữa nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ĐTNN với nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước, hành lang pháp lý minh bạch hơn, thông thoáng hơn đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp trong đó có nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài.

Các chính sách thao gỡ cho đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp, mở rộng hạn điền, phát triển nông nghiệp mô hình chuỗi giá trị hàng hóa... đang bước đầu phát huy hiệu quả, tạo động lực cho thu hút đầu tư trong đó có đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp.

Qua 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đã thông hiểu phong tục tập quán, con người, môi trương, chính sách thu hút đầu tư... cộng với lợi thế về vốn và công nghệ, năng lực quản lý, thương hiệu và thị trường chính là những thuận lợi rất lớn.

Những doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI tiên phong trong đầu tư vào nông nghiệp đã và đang gạt hái thành công chính là tấm gương và kinh nghiệm tốt cho các nhà đầu tư trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có ý định đầu tư vào nông nghiệp. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc... đã nhiều năm khảo sát., nghiên cứu, thử nghiệm và đã đầu tư một số dự án... liệu đã đủ điều kiện chín muồi để tăng tốc đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.

Đây là dịp để đánh giá toàn diện, tìm ra những phương hướng và giải pháp mới cải thiện môi trường đầu tư, thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài. Bên cạnh những cơ hội, chúng ta cũng không quên những thách thức, khó khăn còn hiện hữu sau đây:

Vấn đề quy hoạch cho phát triển nông nghiệp đặc biệt là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa cho nông nghiệp chưa có lời giải thấu đáo và tương xứng với chủ trương ưu tiên cho phát triển nông nghiệp của chính phủ.

Bài toán lợi ích giũa nhà nước, người nông dân, ngư dân, doanh nghiệp, đặc biệt là quan hệ người nông dân và doanh nghiệp nhất là khi những chính sách mới như mở rộng hạn điền, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, quyền sử dụng đất đai, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp... được triển khai, những vấn đề mới, những mâu thuân mới sẽ nảy sinh cần được lường định và có giải pháp khắc phục.

Vấn đề nguồn nhân lực để có thể ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp cần có nghiên cứu và giải pháp căn cơ vì trong thời gian qua, khi chúng ta tập trung cho phát triển công nghiệp và dịch vụ, những lực lượng lao động trẻ, có trình độ văn hóa, sức khỏe và khả năng tiếp thu cái mới đều đổ về thành thị và các khu công nghiệp để lại lỗ hổng rất lớn cho nguồn nhân lực có chất lượng ở nông thôn.

Khoảng cách giữa chính sách và điều hành thực thi chính sách vẫn là vấn đề cần được quan tâm, khắc phục. 

Với quyết tâm của Chính phủ "kiến tạo và phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân", nắm bắt những cơ hội và lợi thế, khắc phục những khó khăn và thách thức, tin rằng đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp sẽ khởi sắc.

Tin mới lên