M&A

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng

Ông Seck Yee Chung, luật sư điều hành Baker & McKenzie tại Việt Nam vừa có bài viết về triển vọng thu hút đầu tư của Việt Nam trong những năm tới.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng

Lĩnh vực bất động sản tiếp tục chứng kiến nhiều thương vụ có giá trị chuyển nhượng lớn.

Theo đó, châu Á - Thái Bình Dương vẫn là mục tiêu hấp dẫn đối với người mua nước ngoài đang tìm kiếm một chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế có tiềm năng tăng trưởng nhanh. Những ngành trọng tâm thu hút đầu tư của Việt Nam gồm công nghệ, bất động sản và bán lẻ và vốn đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và các nước châu Á khác sẽ tiếp tục tăng.

Điểm sáng trong khu vực

Việt Nam được đánh giá là điểm sáng kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hứa hẹn sự tăng trưởng của các thương vụ M&A trong năm 2017 và 2018. Với những đặc điểm của nền kinh tế đang phát triển nhanh, thị trường châu Á - Thái Bình Dương nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng sẽ là lựa chọn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Những năm qua, Việt Nam đã có những điều chỉnh tích cực trong hệ thống pháp luật giúp hoạt động M&A diễn ra thuận lợi hơn. Đặc biệt, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới đã đưa ra nhiều cơ chế và hướng dẫn liên quan đến cấp phép, chấp thuận đầu tư, cũng như các thông số và cách tiếp cận thị trường. Ngoài ra, giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các doanh nghiệp niêm yết cũng được nới lỏng.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực vào năm 2018. Theo cam kết, Hiệp định sẽ dần dần dở bỏ hàng rào thuế quan và công nhận cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước. Những thay đổi này sẽ giúp Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tương lai. 

Tháng 2/2017, một phái đoàn các công ty Đức đã đến Việt Nam tìm hiểu tiềm năng thị trường điện mặt trời và giới thiệu công nghệ với các doanh nghiệp Việt Nam. Cuối năm 2016, Tập đoàn Herfurth của Bỉ đã ký kết bản ghi nhớ với Vinalines để thành lập trung tâm phân phối hàng hóa tại châu Âu, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và logistics trước thềm EVFTA.

Những ngành trọng tâm

Một số ngành trọng tâm ghi nhận những thương vụ M&A đình đám là công nghệ thông tin, bất động sản và hàng tiêu dùng. Công nghệ đã trở thành một trong những ngành có xu hướng toàn cầu trong những năm gần đây. 

Vì vậy, đầu tư vào doanh nghiệp công nghệ được dự đoán là một phần chính trong thị trường M&A mới nổi của Việt Nam trong những năm tới. Hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ phản ánh làn sóng khởi nghiệp ngày càng tăng tại Việt Nam cũng như chứng minh cho những nỗ lực sáng tạo để bắt kịp với thế giới số.

Nhà đầu tư nước ngoài thường có ý định đổ vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ tài chính như hai quỹ đầu tư Hàn Quốc là Korea Invesment Partners (KIP) và Mirae Asset Venture Investment. 

Tháng 4/2017, nền tảng phân phối ứng dụng di động tại Việt Nam Appota thông báo đã hoàn thành việc gọi vốn từ KIP và Mirae để củng cố vững chắc vị thế trên thị trường và mở rộng phát triển kinh doanh lĩnh vực quảng cáo và công nghệ tài chính.

Ngoài công nghệ, lĩnh vực bất động sản tiếp tục chứng kiến nhiều thương vụ có giá trị chuyển nhượng lớn, chủ yếu là mua lại hoặc bán các dự án bất động sản. Năm 2016, vốn FDI vào thị trường bất động sản Việt Nam tăng 12% so với năm 2015. 

Các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản dồn dập "rót" vốn vào lĩnh vực địa ốc trong nước trong những năm gần đây. Một số báo cáo ước tính đầu tư của Nhật Bản vào thị trường bất động sản Đông Nam Á sẽ vượt mức 2 tỷ USD năm 2017.

Cơ hội M&A cũng rộng mở trong ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng. Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng cho những gã khổng lồ bán lẻ nước ngoài và cửa hàng tiện lợi do nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, thương mại điện tử là một xu hướng phát triển quan trọng trong lĩnh vực bán lẻ khi nhiều giao dịch thương mại đang chuyển từ bán lẻ trực tiếp sang trực tuyến. Ngành bán lẻ thương mại điện tử đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm khoảng 30% trong những năm vừa qua.

Doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trên thị trường M&A

Việt Nam là một trong những thị trường hàng đầu về thu hút FDI ở châu Á – Thái Bình Dương. Xét về quốc gia đầu tư, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu về rót vốn FDI vào Việt Nam. Việt Nam và Nhật Bản cũng đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng. 

Đầu năm 2017, ngân hàng lớn nhất Nhật Bản là Sumitomo Mitsui Trust Bank đã mua lại 49% cổ phần của Công ty Cho thuê tài chính trách nhiệm hữu hạn BIDV, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư Nhật về điểm đến đầu tư Việt Nam.

Nhiều thương vụ M&A khác của nhà đầu tư Nhật cũng đang được thực hiện nhờ sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Một nhà đầu tư Nhật Bản tiềm năng cũng đang đàm phán mua lại 49% cổ phần của Công ty Tài chính FE Credit (VPBank). 

Mặc dù chưa công bố thông tin chi tiết, nhưng điều này cho thấy, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản vẫn tiếp tục quan tâm đến thị trường tài chính Việt Nam.

Tương tự xu hướng M&A xuyên biên giới trong khu vực, chúng tôi kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm và đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và các nhà đầu tư châu Á khác trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ tài chính, bất động sản, hàng tiêu dùng, công nghiệp và công nghệ thông tin. 

Bên cạnh đó, các công ty cũng quan tâm đến nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ cho hoạt động đầu tư và kinh doanh. Đã có những thay đổi trong luật cạnh tranh và bộ luật hình sự, do đó nhà đầu tư cần tìm kiểu kỹ về vấn đề quản trị, cạnh tranh và tuân thủ tại Việt Nam.

Những xu hướng chính trong tương lai

Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho hoạt động M&A của nhà đầu tư nước ngoài nhờ tập trung phát triển kinh tế, chính trị ổn định, chi phí lao động cạnh tranh, tầng lớp trung lưu tăng nhanh và môi trường kinh doanh cải thiện. Baker&McKenzie tin rằng, số lượng các thương vụ M&A từ nhà đầu tư nước ngoài và trong nước sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Năm 2017, hoạt động đầu tư xuyên biên giới từ nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và những nhà đầu tư châu Á khác sẽ diễn ra sôi động tại thị trường Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/06/2017, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 7,72 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016. Một số dự án lớn bao gồm dự án mở rộng thêm 2,5 tỷ USD của Samsung Display tại Bắc Ninh và Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn với tổng vốn đăng ký 1,27 tỷ USD. 

Ngoài ra, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục, hứa hẹn nhiều cơ hội đầu tư mới cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tin mới lên