Thị trường

Đầu tư sang Lào, Campuchia: Doanh nghiệp Việt đang lặp lại những vết xe đổ

(VNF) – Đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang Lào và Campuchia đã lên tới khoảng 8 tỷ USD. Tuy nhiên đi liền với sự tăng trưởng đầu tư là sự gia tăng của những thách thức và xung đột .

Đầu tư sang Lào, Campuchia: Doanh nghiệp Việt đang lặp lại những vết xe đổ

Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào và Campuchia đang lặp lại những gì đã từng xảy ra tại Việt Nam cách đây nhiều năm

Lào, Campuchia – phễu hút vốn doanh nghiệp Việt

Theo số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến đầu năm 2016, Việt Nam đã đầu tư sang 68 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn khoảng 20,8 tỷ USD thông qua 1.049 dự án. 

Các lĩnh vực được doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nhiều nhất là khoáng sản, dầu khí, nông lâm nghiệp, thủy điện, thông tin truyền thông và hạ tầng khu đô thị. Đây là những lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam và đều có số vốn đầu tư đăng ký trên 1 tỷ USD.

Đầu tư sang Lào, Campuchia: Doanh nghiệp Việt đang lặp lại những vết xe đổ ảnh 1

Hội thảo của VCCI và Oxfam Việt Nam về đầu tư nông nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào và Campuchia

Thống kê của Oxfam Việt Nam cho biết, trong bảng xếp hạng những quốc gia đón vốn Việt Nam lớn nhất, Lào và Campuchia chia nhau 2 vị trí dẫn đầu. 
Cụ thể, lũy kế đến tháng 12/2015, tổng số vốn từ Việt Nam đổ vào Lào đã chạm mốc 5 tỷ USD với số dự án là 258. Con số này ở Campuchia lần lượt là 3 tỷ USD và 183 dự án.

Tại Campuchia, doanh nghiệp Việt Nam đổ vốn nhiều nhất vào nông lâm nghiệp và thủy sản (60 dự án, 1,96 tỷ USD, chiếm khoảng 65% tổng mức đầu tư). Trong khi đó tại Lào, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư "đền đặn" hơn. 4 lĩnh vực có vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD là sản xuất – phân phối điện (6 dự án, 1,29 tỷ USD), nông lâm ngư nghiệp (47 dự án, 1,04 tỷ USD), nghệ thuật vui chơi giải trí (2 dự án, 1 tỷ USD) và khai khoáng (66 dự án, 954 triệu USD).

Đi vào vết xe cũ

Tuy nhiên, đi kèm với sự tăng lên của vốn đầu tư và số lượng dự án là sự gia tăng của những lo ngại từ các quốc gia trên đối với các nhà đầu tư Việt Nam.
Sự gia tăng này xuất phát từ những xung đột về văn hóa, chính sách, đất đai… giữa các doanh nghiệp Việt Nam và người dân các nước sở tại.

Báo cáo của Oxfam cho biết, tại Lào và Campuchia, xung đột về đất đai rất phổ biến. Các công ty thường bắt đầu thu hồi đất ngay khi có giấy phép (ngay cả với những vùng đất, rừng nhạy cảm về văn hóa với dân bản địa), trong khi mức bồi thường lại hết sức tùy tiện.

Dù hai bên đã đạt được những thỏa thuận, song việc tuyển dụng người địa phương vào làm việc tại các dự án rất hạn chế, đời sống công nhân không được chú trọng (công nhân không được ký hợp đồng, không được đóng bảo hiểm xã hội). Cá biệt tại Lào, quản lý còn giữ từ 2 – 3 tháng lương của công nhân. 

Đầu tư sang Lào, Campuchia: Doanh nghiệp Việt đang lặp lại những vết xe đổ ảnh 2

Doanh nghiệp Việt Nam cần am hiểu thông tin chính sách, tôn trọng văn hóa bản địa, cố gắng tránh xung đột để đầu tư bền vững

Những vấn đề xuyên suốt nhất được Oxfam chỉ ra là những thỏa thuận đất đai và nhượng đất đai luôn được phong tỏa trong vòng bí mật, dù cho đây là vấn đề được công chúng hết sức quan tâm. Các công ty Việt Nam thường trực tiếp làm việc với chính phủ mà bỏ qua chính quyền địa phương cũng như phớt lờ dân chúng. Việc tuân thủ luật pháp quốc gia và công ước quốc tế vẫn là một khái niệm khá xa lạ với các doanh nghiệp.

Những biểu hiện này, một cách trùng hợp, không khác biệt là bao so với thực tế đã từng diễn ra tại Việt Nam, khi các doanh nghiệp nước ngoài đổ bộ vào cách đây nhiều năm.

Vậy tại sao chúng ta đã có bài học về ứng xử trong đầu tư tại Việt Nam mà lại lặp lại vết xe đó tại Lào và Campuchia? Ông Phạm Quang Tú, Trưởng đại diện Oxfam Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp Việt đã không chịu học bài.

"Tất cả những gì đã từng xảy ra tại Việt Nam, chúng ta nhìn thấy nhưng không học. Thêm vào đó, các doanh nghiệp Việt Nam khá chủ quan khi đầu tư sang Lào và Campuchia. Chúng ta cho rằng chỉ cần làm việc với chính quyền trung ương là xong nhưng lại quên mất rằng chế độ sở hữu đất đai tại Lào và Campuchia khác biệt hoàn toàn. Cứ được cấp phép là quây tôn, mang máy móc đến san ủi thì tất yếu nảy sinh xung đột".

Nhận xét về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam là am hiểu thông tin. Đó là sự thay đổi về chính sách, pháp luật của chính quyền, là tập quán văn hóa của người dân nước sở tại và những quy chuẩn của pháp luật quốc tế trong lĩnh vực môi trường, an sinh xã hội.

"Doanh nghiệp cần được thông tin tốt, am hiểu pháp luật địa phương, chủ động phòng ngừa các tranh chấp, liên kết lại với nhau, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương… thì mới hướng tới sự đầu tư bền vững tại Lào, Campuchia nói riêng cũng như các nước khác nói chung", ông Tuấn nói.

Tin mới lên