Thị trường

Đấu với Uber, Grab: Taxi truyền thống ứng dụng công nghệ

(VNF) - Tham gia vào thị trường vận tải hành khách cùng nhiều hoạt động khác, Uber và Grab đã buộc cho taxi truyền thống phải thay đổi chiến lược cạnh tranh.

Đấu với Uber, Grab: Taxi truyền thống ứng dụng công nghệ

Tại Hội thảo "Hệ lụy loại hình "Uber taxi", "Grab taxi" và các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành nhằm hạ giá thành, nâng cao chất lượng vận tải và phát triển bền vững", các doanh nghiệp kinh doanh taxi, các hiệp hội taxi, Hiệp hội vận tải Hà Nội đã bày tỏ quan ngại về "những hệ quả tiềm ẩn từ việc kinh doanh taxi sử dụng phần mềm của Grab/Uber hiện nay".

Theo Hiệp hội này, không giống các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là đưa vốn và tiến bộ công nghệ vào Việt Nam, các công ty kinh doanh dịch vụ taxi sử dụng phần mềm Grab/Uber đầu tư vào Việt Nam rất ít vốn, với một phần chi phí nhỏ thuê địa điểm làm văn phòng đại điện, thuê một nhóm người để vận hành, quản lý thị trường vận tải đã sẵn có và nhiều hơn chút nữa, có chăng là chi phí cho khuyến mại, miễn phí sử dụng dịch vụ thời giann đầu để thu hút khách hàng.

Hiệp hội cũng cho rằng các xe ô tô kinh doanh chở khách sử dụng phần mềm Grab/Uber đều có thể không cần phù hiệu, logo của hãng và đồng hồ tính cước như hãng taxi truyền thống, có vẻ ngoài giống như một chiếc xe ô tô không tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và điều này trái với quy định về vận chuyển hành khách công cộng, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước khi điều hành và điều tiết giao thông. 

Hơn nữa, Grab/Uber tự đặt giá cước vận chuyển, chưa có sự quản lý của nhà nước (có thể tăng giá tùy theo thời điểm, khi thời tiết không thuận lợi hoặc khi thiếu xe,...). Điều này không phù hợp với Luật giá và không đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng "thực chất việc kinh doanh dịch vụ taxi sử dụng phần mềm kiểu Grab/Uber không tạo ra thị trường mới, mà chỉ đơn giản là giành lấy thị phần từ thị trường hiện có của các hãng taxi truyền thống đã sẵn có tại Việt Nam. Không những thế, loại hình này còn có nguy cơ gây nhiễu thị trường với mức độ khó lường".

Với bản chất, cách thức hoạt động và phương thức thanh toán bằng thẻ quốc tế của loại kinh doanh taxi này, thì hằng ngày, hằng giờ có thể sẽ có một lượng lớn tiền bị rút ra khỏi Việt Nam.

Trước thực trạng đó, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị tới Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng về những bất cập của loại hình kinh doanh dịch vụ taxi Grab/Uber.

Trả lời các kiến nghị của Hiệp hội Vận tải Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản trả lời, theo đó ghi nhận đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền và sẽ xây dựng, ban hành quy định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định. 

Bộ cũng đồng thuận với kiến nghị tạm dừng hoạt động các phương tiện không chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh theo quy định.

Gần đây nhất, ngày 16/11, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về góp ý Dự thảo Quyết định ban hành việc thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách.

Theo đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1850/TTG-KTN ngày 19/10/2015, trong đó quy định việc thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng chứ không quy định khống chế số lượng đơn vị thực hiện thí điểm.

Vì vậy, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải ban hành các quy định về điều kiện ứng dụng phần mềm quản lý chung để có thể triển khai cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện thực hiện thí điểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng cho biết, đối với trường hợp cụ thể là Công ty TNHH Grab Taxi, là một đơn vị cung cấp phần mềm để hỗ trợ cho các đơn vị vận tải chứ không phải là một đơn vị kinh doanh vận tải.

Tuy nhiên, trong toàn bộ dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm thì chức năng, nhiệm vụ của đơn vị kinh doanh vận tải đều do Công ty TNHH Grab Taxi thực hiện.

Trước thực trạng đó, Hiệp hội Vận tải Hà Nội khuyến cáo các đơn vị doanh nghiệp taxi truyền thống cần đổi mới về phương pháp quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, giảm hệ số xe chạy rỗng để giảm giá thành vận tải và khẩn trương áp dụng giải pháp công nghệ mới nhằm kết nối khách hàng – lái xe – doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dịch vụ, không làm tăng lên số lượng xe cá nhân.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin đang trở thành một xu hướng rất rõ rệt trong dịch vụ vận tải. Trước nguy cơ bị mất thị phần cho các dịch vụ gọi xe ngoại, một số hãng taxi cũng đã tính chuyện đầu tư những ứng dụng tương tự để cạnh tranh.

Thay vì lo mất thị phần, các doanh nghiệp taxi truyền thống nên tập trung cải thiện chất lượng phục vụ và ứng dụng công nghệ hiện đại để có thể cạnh tranh và đứng vững trên thị trường.

Sự xuất hiện của loại hình taxi Uber/Grab hiện đang gây tranh cãi trên nhiều nước trên thế giới vì đã cạnh tranh và gây ảnh hưởng trực tiếp đến taxi truyền thống. Tuy nhiên, đây là loại hình được đông đảo khách hàng ưa thích vì giá rẻ, tiện lợi khi sử dụng nhờ ứng dụng công nghệ.

Tin mới lên