Ngân hàng

ĐBQH: Phải làm rõ việc chi trả tiền gửi cho dân nếu phá sản ngân hàng

(VNF) – Nhiều ĐBQH cho rằng ưu tiên hàng đầu trong dự thảo Luật các TCTD lần này là đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Nếu TCTD phá sản thì phải làm rõ việc chi trả tiền gửi cho dân.

ĐBQH: Phải làm rõ việc chi trả tiền gửi cho dân nếu phá sản ngân hàng

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh, nếu TCTD phá sản thì phải làm rõ việc chi trả tiền gửi cho dân

Gửi 100 tỷ được đền bù 75 triệu

Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) cho rằng ưu tiên hàng đầu trong dự thảo Luật lần này là đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.

Theo các ĐBQH, mức chi trả bảo hiểm tiền gửi tối đa 75 triệu đồng/vụ là quá nhỏ, không đảm bảo quyền lợi của người tiền khi tổ chức tín dụng đổ vỡ và cần quy định lại mức chi trả này để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) cho rằng, tiền gửi đang chiếm tới 85% vốn của các TCTD. Nhưng hiện nay, người gửi 100 triệu đồng cũng như 100 tỷ đồng đều chỉ nhận được đền bù 75 triệu đồng khi TCTD đổ vỡ. Do vậy, việc sửa đổi luật để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền là ưu tiên số một.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) thì nhấn mạnh, nếu TCTD phá sản thì phải làm rõ việc chi trả tiền gửi cho dân. Nếu không làm rõ thì ảnh hưởng lớn tới tâm lý người dân, mất niềm tin và có thể xảy ra tình trạng rút tiền hàng loạt.

Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) cho rằng, cần hoàn thiện quy định về xử lý TCTD yếu kém, tránh ảnh hưởng tới toàn hệ thống. Trong đó, cần quy định rõ quyền lợi của người gửi tiền khi tổ chức tín dụng bị phá sản.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng bày tỏ lo ngại việc phá sản TCTD có thể dẫn đến nguy cơ người gửi tiền rút tiền ồ ạt lan chuyền, đe dọa đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.

Để tránh đổ vỡ và gây mất an toàn hệ thống các TCTD, bảo đảm lợi ích của người gửi tiền, không ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, Thống đốc cho biết Chính phủ có thể quyết định áp dụng việc chi trả vượt hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp phá sản TCTD.

Tiếp tục kiến nghị miễn trách nhiệm cho người tham gia tái cơ cấu TCTD

Tại buổi thảo luận, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, dù hiện tại dự thảo trình Quốc hội xem xét đã không còn quy định này, tuy nhiên Chính phủ, NHNN cũng như cơ quan soạn thảo vẫn xin báo cáo lên Quốc hội để bổ sung lại.

"Đa phần những người tham gia xử lý nợ xấu, tái cơ cấu TCTD là nhân viên các NHTM, người nước ngoài chứ không phải công chức. Vì vậy vừa qua có tình trạng rất nhiều cán bộ ngân hàng đã từ chối, ai được điều sang rồi thì xin thôi không làm nữa. Đây là bất cập rất lớn để chúng ta tìm được những cán bộ có đủ trình độ, đạo đức, năng lực, kinh nghiệm để tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng", Thống đốc giãi bày với trên nghị trường Quốc hội.

Thống đốc cho rằng đây là bất cập rất lớn, nếu chờ sửa đổi luật hình sự, luật cán bộ công chức thì không kịp thời. Thống đốc mong Quốc hội xem xét, cân nhắc bổ sung điều này tại dự thảo Luật.

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (đoàn Hà Nội), Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) chia sẻ, VietinBank hiện có rất đông cán bộ tham gia tái cơ cấu 2 ngân hàng 0 đồng là OceanBank và GPBank.

Ông Thắng tâm sự, tình cảnh của những cán bộ này là hết sức vất vả, khó khăn, lương thấp, chế độ đãi ngộ không có trong khi phải thực hiện công việc rất nặng nề, nhiều công việc luật chưa quy định rõ ràng, ranh giới giữa trách nhiệm và chịu trách nhiệm rất mong manh.

Đại biểu Thắng cho rằng, các nước trên thế giới đã có quy định ở pháp luật chuyên ngành, còn ở Việt Nam nếu quy định quyền miễn trừ ở trong luật này là phù hợp, không chồng chéo luật hình sự và các luật khác.

Đồng quan điểm, đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) cho rằng xử lý hậu quả của các ngân hàng yếu kém rất phức tạp nên phải có cơ chế đặc biệt trong phân công con người đảm nhận nhiệm vụ này. "Đang ăn nên làm ra, ăn ngon ngủ yên" thì không ai xung phong xử lý ngân hàng yếu kém.

Còn theo đại biểu Bùi Thanh Tùng: "Ngân hàng là ngành đặc biệt, nên việc kiểm soát hoạt động càng khó khăn hơn ngành khác, nếu không có cơ chế khuyến khích người tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nhân lực tốt tham gia tái cơ cấu".

Băn khoăn nên hay không dùng ngân sách xử lý nợ xấu

Nguyên tắc không sử dụng ngân sách trong xử lý nợ xấu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất từ khá lâu. Tuy nhiên, một số đại biểu vẫn bày tỏ băn khoăn về nguyên tắc này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, băn khoăn của người dân là sử dụng minh bạch ngân sách Nhà nước để xử lý các TCTD yếu kém. Nhiều nước đã sử dụng ngân sách để xử lý các TCTD yếu kém, nhưng có quá trình kiểm soát nghiêm ngặt.

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch VietinBank cũng cho rằng nên có cơ chế hỗ trợ từ ngân sách để xử lý việc chi trả cho người gửi tiền đối với các TCTD bị đổ vỡ, để tránh mất an toàn xã hội.

Cùng ý trên, Đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) nêu quan điểm, cần có nguồn lực của Nhà nước để đảm bảo không đổ vỡ hệ thống an ninh tiền tệ quốc gia và đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.

Tin mới lên