Tiêu điểm

Đề nghị cho phép Trưởng Đặc khu kinh tế được quyền quyết định thời hạn thuê đất?

(VNF) - Lãnh đạo Quảng Ninh đề nghị không nên quy định "cứng" cho nhà đầu tư thuê đất trong 99 năm trong khu vực Vân Đồn mà giao trưởng đặc khu tự quyết về thời hạn thuê đất.

Đề nghị cho phép Trưởng Đặc khu kinh tế được quyền quyết định thời hạn thuê đất?

Chiều 25/8, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, trong đó có nội dung về triển khai các chỉ đạo của T.Ư về phát triển đặc khu kinh tế Vân Đồn và xây dựng đề án phát triển đặc khu này.

Theo Phó thủ tướng, Chính phủ đang cố gắng trình dự án luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt vào kỳ họp của Quốc hội cuối năm nay, do đó việc tiếp tục rà soát thể chế, chính sách cho đặc khu hành chính kinh tế nói chung và đặc khu Vân Đồn nói riêng rất là quan trọng.

Đối với đặc khu hành chính kinh tế, Phó thủ tướng cho rằng chính sách ưu đãi thuế (9 chính sách ưu đãi theo đề xuất của Quảng Ninh) không còn nhiều ý nghĩa đối với việc bảo đảm vai trò động lực của khu vực này nên phải rà soát lại chính sách thuế tại đặc khu Vân Đồn.

Bên cạnh đó, việc xây dựng đề án đặc khu hành chính kinh tế Vân Đồn cần bảo đảm không cạnh tranh trong thu hút đầu tư với hai đặc khu Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Đề án cần quy định điều khoản chuyển tiếp ưu đãi bảo đảm công bằng cho các nhà đầu tư chiến lược đầu tư tại Vân Đồn từ đầu. Phó thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Quảng Ninh báo cáo kỹ hơn về thẩm quyền của chức danh Trưởng đặc khu Vân Đồn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành cho biết trong quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý của đặc khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được 36.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng cho đặc khu này. Ông Thành cũng đề nghị không nên quy định "cứng" cho nhà đầu tư thuê đất trong 99 năm trong khu vực Vân Đồn mà giao trưởng đặc khu tự quyết về thời hạn thuê đất.

Tại một hội thảo về Luật về đặc khu kinh tế mới đây, TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng quy định trong dự thảo luật về thời hạn thuê đất ưu đãi là 70 năm và tới 99 năm, như dự thảo, là "quá dài và khó có thể biện minh về mặt kinh tế".

Ông phân tích, các đặc khu không phải là "nhượng địa", vì vậy không cần và không thể giao đất và ưu đãi vượt khung quá xa so với mặt bằng chung của quốc gia. Thứ hai, chu kỳ thu hồi vốn của các hoạt động sản xuất - kinh doanh thường không vượt quá 20-30 năm. Thứ ba, rất nhiều ngành nghề hiện nay được coi là "hiện đại" thì 20-30 năm trước hoặc mới chỉ ở tình trạng sơ khai, hoặc thậm chí còn chưa tồn tại.

"Không ai có đủ tự tin để đoán trước 20-30 năm nữa những ngành nghề nào sẽ là tương lai của nền kinh tế. Vì vậy, nếu quy định danh mục và các điều kiện ưu đãi trong một thời gian quá dài là tự ràng buộc mình vào những cam kết vừa không cần thiết vừa không hiệu quả", ông Vũ Thành Tự Anh nói.

Tin mới lên