Bất động sản

Đề xuất tạm dừng khai thác Dự án đường Thái Nguyên – Chợ Mới và Quốc lộ 3

Không được thu giá dịch vụ để hoàn vốn dù đã đưa vào khai thác từ tháng 5/2017, Dự án xây dựng đường Thái Nguyên – Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính.

Đề xuất tạm dừng khai thác Dự án đường Thái Nguyên – Chợ Mới và Quốc lộ 3

Hoàn thành, đưa vào khai thác gần 1 năm, dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới vẫn chưa được thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ

Liên danh nhà đầu tư Dự án BOT xây dựng đường Thái Nguyên – Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 – Km100 (Dự án) là Cienco4 – Tuấn Lộc – Trường Lộc vừa gửi văn bản đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được phép tạm ngừng vận hành khai thác dự án trong khi chờ được tổ chức thu giá dịch vụ hoàn vốn.

Lý do được đưa ra là doanh nghiệp dự án (Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới) hiện không còn đủ kinh phí để chi trả cho đơn vị quản lý, bảo dưỡng tuyến đường. Do vậy, nhà đầu tư không thể đảm bảo về nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông trên tuyến đường.

Bên cạnh đó, dẫn chiếu điểm (a), khoản 69.3 Điều 69 của hợp đồng BOT số 22, nhà đầu tư chính thức thông báo đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và đề nghị Bộ GTVT thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng về việc hỗ trợ nhà đầu tư về cơ chế, chính sách đảm bảo việc thu hồi vốn và lợi nhuận cho nhà đầu tư, cho phép thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ hoàn vốn dự án.

Nhà đầu tư sẽ xem xét thực hiện "Điều 65. Giải quyết tranh chấp trong hợp đồng" nếu việc chưa thu được giá dịch vụ hoàn vốn cho dự án khiến nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Theo đại diện liên danh, sau 6 tháng kể từ ngày đưa công trình vào khai thác, việc thu giá dịch vụ hoàn vốn vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền chấp nhận đã đẩy nhà đầu tư vào tình thế rất khó khăn.

Cụ thể, tính đến ngày 8/11, nhà đầu tư vẫn chưa có bất kỳ doanh thu nào để hoàn vốn, trong khi vẫn phải trả nợ lãi vay ngân hàng (khoảng 16 tỷ đồng/tháng), chi phí duy trì hoạt động của doanh nghiệp dự án và chi phí bảo dưỡng thường xuyên (khoảng 0,7 tỷ đồng/tháng). Tính tổng cộng, trong khi chờ đợi được thu giá dịch vụ, liên danh nhà đầu tư đã phải chi trả khoảng 160 tỷ đồng. Gánh nặng sẽ tăng lên khi từ tháng 11/2017, doanh nghiệp dự án sẽ bắt đầu phải thanh toán nợ gốc cho các ngân hàng tài trợ vốn.

"Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ nếu các vướng mắc liên quan đến quyền thu giá dịch vụ không được giải quyết sớm", ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco4 cho biết.

Được biết, vào đầu tháng 10/2017, liên danh nhà đầu tư đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương, nhà đầu tư khẩn cầu Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương xem xét chỉ đạo và có giải pháp triển khai thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 theo hình thức BOT.

Trước đó, thực hiện chủ trương miễn, giảm phí cho các loại phương tiện của người dân có hộ khẩu thường trú khu vực lân cận trạm thu giá dịch vụ theo chỉ đạo của Bộ GTVT, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã tích cực làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên và các đơn vị liên quan để thống nhất phương án miễn, giám giá cho các phương tiện. Cụ thể, ngày 17/8/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Văn bản 3498 trình Thường trực Tỉnh ủy về việc xin chủ trương phương án giảm giá dịch vụ đường bộ khi phương tiện giao thông qua trạm thu giá tại Km77+922,5 QL3.

Tiếp đến, ngày 30/8, nhà đầu tư tiếp tục có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên chính thức đề xuất phương án giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ qua trạm Km77+922,5 QL3 và Bộ GTVT quan tâm, chỉ đạo, làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên để triển khai thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ hoàn vốn cho dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100.

"Căn cứ nội dung hợp đồng BOT số 22 ngày 22/7/2015 và các văn bản pháp lý liên quan, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng phương tiện. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nhà đầu tư vẫn chưa nhận được ý kiến chính thức của UBND tỉnh Thái Nguyên và quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép dự án được thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ để hoàn vốn đầu tư dự án", đại diện liên danh nhà đầu tư cho biết.

Tin mới lên