Thị trường

Đề xuất thay đổi nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương

(VNF) - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương. Trong đó, Bộ đề xuất quy định mới về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương.

Đề xuất thay đổi nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương

Ảnh minh họa

Tại dự thảo, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án sửa đổi quy định trên. Phương án 1 quy định mang tính chất định tính để doanh nghiệp và công đoàn cơ sở thương lượng, xác định giá trị cụ thể (bỏ quy định khoảng cách giữa các bậc lương là 5%).

Cụ thể: "Số bậc của thang lương, bảng lương do doanh nghiệp quyết định căn cứ vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng".

Bộ LĐ-TB&XH cho hay phương án này có ưu điểm tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc xây dựng, quyết định việc xây dựng thang lương, bảng lương. Tuy nhiên, do khả năng thương lượng của người lao động còn hạn chế, sức ép về việc làm lớn, tổ chức đại diện người lao động chưa đủ mạnh dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp ép tiền lương của người lao động ở mức thấp. Đây là nhược điểm của phương án 1,

Phương án 2 vẫn quy định khoảng cách mang tính định lượng, nhưng giảm mức từ 5% xuống 3% để tính tới bãi bỏ quy định này. Cụ thể: "Số bậc của thang lương, bảng lương do doanh nghiệp quyết định căn cứ vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Khoảng cách chênh lệch giữa 2 bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 3% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định".

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng phương án 2 có ưu điểm nhà nước vẫn tạo ra sàn thấp nhất để tránh tình trạng doanh nghiệp ép tiền lương của người lao động ở mức thấp, nhưng có nhược điểm hạn chế quyền chủ động cho doanh nghiệp trong việc xây dựng, quyết định việc xây dựng thang lương, bảng lương, gây ảnh hưởng đến cấu trúc thang lương, bảng lương khi doanh nghiệp xây dựng.

Trong điều kiện thị trường lao động, năng lực của công đoàn cơ sở, sức ép việc làm hiện nay thì cần có lộ trình thực hiện. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị chọn phương án 2.

Dự thảo đang được lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước và sẽ được trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

Tin mới lên