Thị trường

Dệt may nhắm mốc 27,2 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2015

(VNF) - Để đảm bảo duy trì và đạt được vị trí là quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 - 5 trên thế giới, dệt may Việt Nam phải đạt mục tiêu nằm trong top 5 quốc gia đứng đầu thế giới về năng suất lao động.

Dệt may nhắm mốc 27,2 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2015

Năm 2015, dệt may Việt Nam đạt mức tăng trưởng 10% so với năm 2014

Theo kế hoạch của Tập đoàn dệt may Việt Nam vừa được công bố, năm 2016, ngành sẽ đặt mục tiêu xuất khẩu 27,2 tỷ USD.

Năm 2015, ngành dệt may Việt Nam đạt mức tăng trưởng 10% so với năm 2014; đồng thời có sự tăng trưởng tốt ở nhiều thị trường quan trọng như: Mỹ tăng gần 13%, Nhật Bản 8%, EU 6%. Hàn Quốc tăng 8,8%. Ngành cũng đã đạt mục tiêu đứng thứ 2 về thị phần tại thị trường Mỹ (tăng 10,5%) và Nhật Bản (tăng 9%). 

Tuy nhiên, trong quý IV/2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã giảm 10% so với quý III/2015. Nguyên nhân được xác định là giá giảm và sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt từ các nước như Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia... thông qua việc phá giá đồng tiền nội tệ so với USD từ 6% -17%.

Về việc đàm phán thành công hai hiệp định TPP và EVFTA, các doanh nghiệp ngành dệt may đã tổ chức phối hợp nghiên cứu, phân tích, lựa chọn sản phẩm, thị trường trọng tâm để triển khai việc xúc tiến khách hàng, đồng thời tạo liên kết các doanh nghiệp dệt may với nhau thành chuỗi cung ứng sản phẩm.

Theo Tập đoàn dệt may Việt Nam, Hiệp định TPP sẽ giúp thị trường dệt may có thêm những cơ hội phát triển tốt, ví dụ như ở các nhóm mặt hàng quần nam nữ cotton do có thêm thành quả của chương trình 1 đổi 1 mà đoàn đàm phán đạt được trong những vòng cuối, quần áo dệt kim các loại, áo chui đầu, áo jacket cho cả Mỹ và Canada, nhất là mặt hàng túi xách có quy tắc xuất xứ đơn giản cắt và may sẽ là khu vực tăng nhanh nhất trong các năm sắp tới.

Để thích ứng với hoàn cảnh mới, các doanh nghiệp dệt may phải nhanh chóng hình thành các chuỗi cung ứng hữu cơ, liên kết cung ứng theo nguyên tắc thị trường từ sợi - vải - may. Năng lực cung ứng trong nước sẵn có về vải đạt khoảng 40%, đến năm 2018 ngành dệt may có thể đạt được 60% tỉ lệ nội địa hóa và đến năm 2020 có thể đạt trên 65%.

Trong thời gian sắp tới, để đảm bảo duy trì và đạt được vị trí là quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 - 5 trên thế giới, dệt may Việt Nam phải đạt mục tiêu nằm trong top 5 quốc gia đứng đầu thế giới về năng suất lao động.

Đây cũng là giải pháp căn bản để hạn chế bớt ảnh hưởng của việc giảm giá đồng tiền của các quốc gia cạnh tranh như Trung Quốc (giảm 6% trong năm 2015), Malaysia (giảm 17%), Indonesia (giảm 14%), Ấn Độ (giảm 4%). 

Để làm được điều này, các doanh nghiệp dệt may cần nâng cao chất lượng nhân lực, trong đó trọng tâm là nhân lực thiết kế kỹ thuật, nhân lực kỹ thuật ngành sản xuất nguyên liệu, nhân lực xử lý đơn hàng tổng hợp và nhân lực quản trị sản xuất.

Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đầu tư và thu hút đầu tư cho ngành sản xuất nguyên liệu theo chiến lượng chung cả nước; phải có từ 10 - 15 trung tâm sản xuất nguyên liệu và thiết kế, cung ứng cho các doanh nghiệp may phân tán về đến cấp huyện trên cả nước. 

Tin mới lên