Tài chính quốc tế

Điểm lại những bê bối tham nhũng chấn động thế giới 2016

(VNF) - 2016 được xem là một năm cả thế giới sôi sục vì các vụ bê bối liên quan tới tham nhũng.

Điểm lại những bê bối tham nhũng chấn động thế giới 2016

Năm 2016 là một năm được đánh dấu bởi các vụ bê bối liên quan tới tham nhũng và gia tăng sự phẫn nộ của công chúng về tình trạng này.

Ông Jose Ugaz, một luật sư nổi tiếng của Peru và Chủ tịch Tổ chức Minh bạch quốc tế nói với AFP: "Những gì chúng ta đang phải đối mặt hiện nay rất khác với những gì chúng ta đã từng trải qua 27 năm trước đây", khi Tổ chức Minh bạch Quốc tế được thành lập.

"Chúng ta đang nhìn thấy tham nhũng ảnh hưởng đến nhiều người trên thế giới và làn sóng người dân chống lại nó", ông Jose Ugaz nói.

Năm 2016 đánh dầu nhiều vụ bê bối tham nhũng gây chấn động, từ vụ rỏ rỉ tài liệu lớn nhất lịch sử thế giới - Hồ sơ Panama cho tới các vụ luận tội Tổng thống Brazil và Hàn Quốc.

Cơn bão Hồ sơ Panama khiến cả thế giới "sôi sục"

Vụ rò rỉ Hồ sơ Panama hồi tháng 4 và đợt công bố lần 2 hồi tháng 5 được xem là vụ tiết lộ tài liệu lớn nhất trong lịch sử. Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã đăng tải lên mạng một phần bộ dữ liệu trong vụ rò rỉ Hồ sơ Panama, bao gồm thông tin liên quan tới hơn 200.000 thực thể tại nước ngoài do công ty luật Mossack Fonseca thành lập và điều hành. ICIJ cũng đề cập đến 189 cá nhân, tổ chức Việt Nam có mối liên hệ tới các công ty này trong cả hai cơ sở dữ liệu từ "Hồ sơ Panama" và "Offshore Leaks".

Những tiết lộ về Hồ sơ Panama khiến giới lãnh đạo của nhiều nước phải từ chức

Danh sách này tiết lộ cách mà những người giàu có và quyền lực khai thác các thiên đường thuế ở nước ngoài như thế nào. Danh sách vẽ lên một bức tranh khái quát về nạn tham nhũng trên toàn cầu, trong đó các ngân hàng lớn đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập nên các công ty ma.

Trong số đó có các nhà lãnh đạo, hoặc thân nhân của các nhà lãnh đạo đến từ Ả rập Xê Út, Trung Quốc, Malaysia, Syria, Pakistan, Argentina và Ukraine, cũng như các quan chức chính phủ hiện tại hay thời gian trước ở châu Âu, châu Phi, châu Á và Trung Đông – tổng số đã có hơn 140 chính trị gia và quan chức, người nổi tiếng,... có liên quan.

Hồ sơ cũng buộc tội một số bạn bè thân hữu của Tổng thống Nga Vladimir Putin rửa tiền. Ông Putin đã ngay lập tức phủ nhận có liên quan và cho rằng vụ Hồ sơ Panama là một "âm mưu đen tối của Mỹ".

Những tiết lộ này đã buộc Thủ tướng Iceland từ chức và sau đó là một phần nguyên nhân khiến Thủ tướng Anh David Cameron ra đi. Tại Chile, người đứng đầu của Văn phòng Minh bạch Quốc tế cũng đã từ chức. Giữa tháng 4, Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha cũng phải "xuống ghế" khi ông và anh trai có tên trong Hồ sơ Panama. Thủ tướng Malta và Pakistan đồng loạt bị ép từ chức do có liên quan tới Hồ sơ Panama. 

Nạn nhân phải từ chức do Hồ sơ Panama còn có các tên tuổi lớn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng hay của các tổ chức quốc tế như ông Bert Meestadt, ủy viên hội đồng quản trị ngân hàng ABN Amro, một trong những ngân hàng lớn nhất của Hà Lan và châu Âu; ông Michael Grahammer - Giám đốc điều hành ngân hàng Hypo Landesbank Vorarlberg của Áo.

Tổng thống Panama Juan Carlos Varela nhấn mạnh vụ bê bối này đã bộc lộ một vấn đề của hệ thống tài chính toàn cầu, không phải là vấn đề chỉ của Panama. Theo ông, qua vụ rò rỉ tài liệu này, có vẻ như các vấn đề chính trị nội bộ và sự khác nhau giữa các cường quốc đang đóng vai trò chính trong cách giải quyết vấn đề.

Brazil ngập chìm trong tham nhũng

Bê bối tham nhũng của tập đoàn nhà nước lớn nhất Brazil - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (Petrobras) được xem là đòn chí tử đối với nữ Tổng thống Dilma Rousseff.

Bà Rousseff đã bị luận tội vào tháng 8, chỉ vài ngày sau Thế vận hội Rio và sau hàng loạt cuộc biểu tình khổng lồ được dấy lên do sự suy thoái nghiêm trọng của nền kinh tế đất nước.

Bê bối tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (Petrobras) được xem là đòn chí tử đối với nữ Tổng thống Dilma Rousseff

Trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến 2014, Petrobras, tập đoàn lớn nhất Brazil và nằm trong số những tập đoàn lớn nhất thế giới, đã dính líu vào một mạng lưới tham nhũng khổng lồ vô tiền khoáng hậu. Tổng số tiền hối lộ và lót tay giữa các cá nhân và tổ chức có thể lên đến gần 5,3 tỷ USD. Lãnh đạo các công ty xây dựng trong và ngoài Brazil đã bí mật tạo lập một mạng lưới chi phối hoạt động đấu thầu cho các hợp đồng của Petrobras. Mạng lưới này đã buộc tập đoàn Brazil phải trả các khoản tiền vô cùng đắt đỏ. Các doanh nhân này sau đó chuyển một phần lợi nhuận hối lộ cho quan chức của Petrobras và các chính trị gia để giữ cho mạng lưới này không bị bại lộ.

Thế nhưng trong một cuộc điều tra vào năm 2013, cảnh sát Brazil đã khui ra được các hoạt động hối lộ và gian lận đấu thầu khổng lồ này. Xã hội Brazil khi đó đã vô cùng phẫn nộ trước mức độ tham nhũng khủng khiếp của các chính trị gia và giới doanh nhân hàng đầu của đất nước khi nền kinh tế nước này đang chìm trong suy thoái.

Trong khi đó, ông Michel Temer - tổng thống thứ 37 của Brazil thay cho bà Dilma Rousseff  từ ngày 31/8, dù ra sức tuyên bố sẽ quét sạch nạn tham nhũng tại Brazil nhưng chính ông lại tiếp tục bị cáo buộc tham nhũng. Kể từ khi nhậm chức, ông Temer đã mất 3 bộ trưởng vì các cáo buộc tham nhũng.

Những bê bối tham nhũng tại Brazil vẫn chưa yên, bởi không chỉ có Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (Petrobras) đang ngập chìm trong bê bối tham nhũng, hối lộ, mà một loạt "gã khổng lồ" khác đang bị lôi ra ánh sáng, trong đó phải kể đến Tập đoàn Hàng không vũ trụ Embraer, Tập đoàn Thực phẩm JBS và Tập đoàn Xây dựng Camargo Correa.

Bê bối Tổng thống Hàn - sóng gió bủa vây chính trường Hàn Quốc

Nội bộ căng thẳng, những nguy cơ mất an toàn, an ninh quốc gia rình rập, kinh tế có thể suy giảm, đó là những gì đang chờ đón bất cứ người nào ngồi vào chiếc ghế Tổng thống Hàn Quốc sau khi Quốc hội nước này thông qua việc tạm thời đình chỉ chức vụ và tiến hành luận tội Tổng thống Park Geun-hye vì cáo buộc có liên quan với hành động của người bạn thân Choi Soon-sil.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (trái) và người bạn thân Choi Soon-sil

Vụ bê bối chính trị xung quanh Tổng thống Hàn Quốc nổ ra vào cuối tháng 10/2016, khi các phương tiện truyền thông đưa tin bà Park đã cho phép bà Choi - người không có chức danh chính thức nào - được quyền chỉnh sửa các bài phát biểu của Tổng thống, từ đó ảnh hưởng đến chính sách của đất nước. Hơn nữa, bà Choi còn bị nghi ngờ gây sức ép với các tập đoàn lớn của Hàn Quốc và "vòi" tiền của họ cho các quỹ phi thương mại của mình. Tổng cộng, 70 triệu USD đã được chuyển vào tài khoản ngân hàng của các quỹ này.

Đây cũng là lần đầu tiên, hàng loạt lãnh đạo cấp cao của những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc như Samsung, Hyundai, Lotte - những người thường xuyên từ chối xuất hiện trước công chúng - đã bị triệu tập thẩm vấn trước quốc hội trong cuộc điều tra vụ bê bối liên quan tới Tổng thống Park Geun-hye.

Nhận định về những diễn biến trên trong nă 2016, ông Jose Ugaz cho rằng đây là "một năm khó khăn", nhưng đồng thời nó "mang lại niềm hy vọng cho tương lai". Câu hỏi đặt ra là, liệu điều này có thể là động lực lâu dài giúp chính trường thế giới trở nên sạch hơn?

Tin mới lên