Tài chính

Điểm mặt những doanh nghiệp kinh doanh ‘bết bát’ nhất thị trường

(VNF) - Kết quả kinh doanh tiếp tục thua lỗ trong quý I/2018, nhiều doanh nghiệp (DN) đang niêm yết trên thị trường chứng khoán khiến nhà đầu tư phải “bán tháo” cổ phiếu khi tình hình kinh doanh trong quý tới cũng không mấy khả quan.

Điểm mặt những doanh nghiệp kinh doanh ‘bết bát’ nhất thị trường

Theo thống kê của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), có 706 doanh nghiệp đã có báo cáo với tổng lợi nhuận trong quý 1.2018 đạt 38.935,8 tỷ đồng, tăng 21,62% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hơn phân nửa trong số doanh nghiệp đó vẫn có kết quả kinh doanh ảm đạm với khoảng 335 doanh nghiệp bị sụt giảm lợi nhuận và 94 doanh nghiệp bị thua lỗ nặng.

Những doanh nghiệp “lỗ” nặng

Dẫn đầu trong danh sách những doanh nghiệp lỗ nặng nhất trong quý 1.2018 là Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (HoSE: PVD). Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1.2018,  PVD ghi nhận khoản thua lỗ nặng đến 239 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2017, PVD cũng lỗ gần 201 tỷ đồng).

Theo giải trình từ phía công ty, trong kỳ, số lượng giàn khoan tự nâng hoạt động tăng lên (2,8 giàn so với 1,4 giàn) nhưng do đơn giá thấp và chi phí cố định cao (lãi vay libor tăng hơn 1,5% so với cùng kỳ, khấu hao tăng trong khi giàn khoan hoạt động nhiều hơn) dẫn đến lợi nhuận sau thuế (LNST) giảm.

Chưa kể, trong kỳ PVD tăng doanh thu hoạt động thương mại với biên lợi nhuận thấp, trong khi đơn giá các dịch vụ liên quan đến khoan trong quý I tiếp tục giảm sút do cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Năm 2018, mặc dù đặt mục tiêu doanh thu 3.000 tỷ đồng nhưng PVD không đặt mục tiêu lợi nhuận cụ thể mà chỉ đặt mục tiêu... không lỗ. Đây có thể cũng là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu PVD rơi từ mức đỉnh cao nhất trong 1 năm qua tại 30.600 đồng/CP (ngày 29.1.2018) về mức “đáy” 14.750 đồng/CP (phiên ngày 4.5.2018), và đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu PVD đang tăng lên mức 17.500 đồng/CP.

Kế đến, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (HoSE: AGF) cũng là DN xếp thứ 2 về thua lỗ nặng trong quý 1.2018. Theo công bố BCTC quý 2.2018 (năm tài chính của Agifish bắt đầu từ 1.10 và kết thúc vào 30.9 năm sau) với con số lỗ tới gần 97 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến 31/12/2017 lên trên 188 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý, tổng cộng tài sản AGF còn 1.645 tỷ đồng, giảm gần 430 tỷ đồng so với đầu kỳ. Tổng nợ phải trả 1.140 tỷ đồng, giảm được 330 tỷ đồng, trong đó riêng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 745 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn 16 tỷ đồng. 

Cùng với kết quả kinh doanh thua lỗ, giá cổ phiếu AGF cũng giảm gần một nửa so với mức giá đầu năm, hiện ở mức 5.380 đồng/CP. Chưa kể, từ ngày 28.2, HoSE đã ra quyết định đưa cổ phiếu AGF vào diện bị kiểm soát đặc biệt từ 7.3.2018 và cổ phiếu AGF chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Xếp thứ 3 trong danh sách là Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (UPCoM: DHB), theo BCTC hợp nhất quý 1.2018, DHB lỗ ròng hơn 81 tỷ đồng, mặc dù lỗ nặng nhưng đã giảm khá mạnh so với mức lỗ quý 1.2017 là 217 tỷ đồng. Trước đó, trong hai năm 2016 và 2017, Công ty lần lượt lỗ 1.041 tỷ đồng và 606 tỷ đồng.

Năm 2018, DHB đặt mục tiêu doanh thu đạt 702 tỷ đồng và LNTT đạt hơn 19 tỷ đồng. Tuy nhiên, cổ phiếu DHB lâu nay “trắng” giao dịch, chỉ đứng giá ở mức 1.400 đồng/CP.

Kế đến, Công ty Cổ phần Thủy điện Miền Trung (HoSE: CHP) cũng xếp trong danh sách những DN lỗ nặng trong quý I/2018, đây cũng là quý lỗ nặng nhất từ khi niêm yết của CHP. Theo BCTC được công bố, quý I/2018 CHP đạt tổng doanh thu không đáng kể, chỉ hơn 4 tỷ đồng (chủ yếu từ hoạt động tài chính), trong khi các khoản chi phí vẫn phát sinh ở mức cao khiến LNST âm hơn 74,2 tỷ đồng, giảm hơn 153% so với cùng kỳ năm trước (LNST đạt 139 tỷ đồng).

Hàng loạt các doanh nghiệp khác cũng báo lỗ nặng trong quý 1.2018 so với cùng kỳ, chẳng hạn như: Công ty CP Vận tải Biển Việt Nam (Vosco, HoSE: VOS) lỗ hơn 30 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thủy điện Bắc Hà (UPCoM: BHA) báo lỗ 35 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước cũng lỗ hơn 38 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Công nghiệp Gốm sứ Taicera (HoSE: TCR) lỗ hơn 29 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thủy điện Miền Nam (HoSE: SHP) lỗ 26,8 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (HNX: MSC) lỗ 24,6 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (HoSE: PXS) lỗ 20,1 tỷ đồng.

Thủy sản An Giang, doanh nghiệp trong top triền miên thua lỗ

Thua lỗ thành… truyền thống

Trong danh sách các doanh nghiệp báo lỗ trong quý 1.2018, có nhiều DN “lỗ riết thành quen” đối với giới đầu tư. Trong đó nổi bật là Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (UPCoM: VST), theo BCTC quý I/2018, VST tiếp tục lỗ ròng 74 tỷ đồng. Đây cũng là  quý lỗ thứ 25 liên tiếp của VST và năm 2017 cũng là năm thứ 6 liên tiếp, VST có LNST âm. Hiện, giá cổ phiếu VST chỉ ở mức 700 đồng/CP và đa số là “trắng” giao dịch.

Kế đến, Công ty Cổ phần Thuận Thảo (UPCoM: GTT), cũng là doanh nghiệp “nổi tiếng” vì... liên tục báo lỗ. Trong quý I/2018, GTT có mức lỗ 42 tỷ đồng, đây là quý thứ 12 liên tiếp, công ty có LNST âm. Còn nhớ, trước năm 2014, công ty có KQKD khá tốt nhưng từ năm 2014 và 2015, GTT lỗ liên tiếp dẫn đến cuối tháng 5.2016, công ty phải hủy niêm yết trên sàn HoSE, chuyển sang sàn UPCoM.

Ngày giao dịch đầu tiên trên UPCoM, GTT có giá đóng cửa cuối phiên là 800 đồng/CP. Hiện, giá cổ phiếu GTT chỉ ở mức 300 đồng/CP và thường xuyên “trắng” giao dịch.

Một cái tên cũng khá quen thuộc là Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (Vosco, HoSE: VOS), theo BCTC hợp nhất quý I/2018, VOS lỗ hơn 30 tỷ đồng. Như vậy, sau khi thoát lỗ vào quý 4.2017, sau 11 quý liên tiếp thua lỗ, công ty tiếp tục trở lại tình trạng lỗ. Tính tới cuối quý 1.2018, lỗ lũy kế của VOS đã lên tới hơn 821 tỷ đồng. Hiện giá cổ phiếu VOS cũng chỉ ở mức 1.850 đồng/CP.

Trong khi đó, theo BCTC hợp nhất quý 1.2018, Công ty Cổ phần Công nghiệp Gốm sứ Taicera (HoSE: TCR) lỗ hơn 29 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp, doanh nghiệp này kinh doanh không có lãi. Hiện giá cổ phiếu TCR chỉ 2.700 đồng/CP.

Tương tự, theo BCTC quý I/2018, Công ty Cổ phần Tấm lợp Vật liệu Xây dựng Đồng Nai (UPCoM: DCT) có mức lỗ 27 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 25 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp, công ty có LNST âm. Hiện, giá cổ phiếu DCT hiện chỉ ở mức 800 đồng/CP và liên tục trắng giao dịch.

Tin mới lên