Bất động sản

Điểm nhấn BOT: Cai Lậy khủng hoảng, Thái Nguyên - Chợ Mới bế tắc

(VNF) - Liên danh Cienco4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc vừa có văn bản tiếp tục khẩn cầu Thủ tướng Chính phủ can thiệp để tiến hành thu giá dịch vụ hoàn vốn cho Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới.

Điểm nhấn BOT: Cai Lậy khủng hoảng, Thái Nguyên - Chợ Mới bế tắc

Trạm thu phí trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới.

Trong khi cuộc khủng hoảng ở Trạm thu phí Cai Lậy vẫn chưa có hồi kết, những vướng mắc ở dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cũng đang chưa có lời giải thỏa đáng.

Theo Báo Đầu tư, sau nhiều văn bản thúc giục, vào cuối tuần trước, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản trả lời Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về phương án giảm giá dịch vụ và triển khai thu giá dịch vụ Dự án BOT tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3, đoạn km75 - km100 (Dự án).

Cụ thể, tại Văn bản số 5317/UBND - CNN, UBND tỉnh Thái Nguyên đột ngột đề nghị Bộ GTVT dỡ bỏ trạm thu giá dịch vụ Dự án tại km77+922 - Quốc lộ 3 cũ; cho phép nhà đầu tư thực hiện mở rộng, hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đặt trạm thu giá dịch vụ sử dụng trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và đường Thái Nguyên - Chợ Mới.

"Bộ có thể dùng cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ ngân sách Trung ương cho nhà đầu tư phần doanh thu bị giảm do xóa bỏ trạm thu giá trên Quốc lộ 3 cũ", ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị.

Cần phải nói thêm rằng, do điều kiện nguồn vốn nhà nước khó khăn, trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trương đầu tư Dự án theo hình thức hợp đồng BOT và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 5136/VPCP-KTN ngày 9/7/2014. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư Dự án và giao cho Liên danh Cienco4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc là nhà đầu tư.

Theo phương án hoàn vốn đã thống nhất với UBND tỉnh Thái Nguyên và Bộ Tài chính, Dự án sử dụng 2 trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Km72+930) và trên QL3 hiện tại (km77+922) để hoàn vốn.

Để hỗ trợ người dân khu vực lân cận trạm thu giá dịch vụ, vào cuối tháng 3/2017 (trước 2 tháng Dự án thông xe), Bộ GTVT đã thống nhất với UBND tỉnh Thái Nguyên và nhà đầu tư xây dựng phương án giảm giá dịch vụ, hỗ trợ các phương tiện của người dân khu vực lân cận trạm.

Theo báo cáo của Liên danh Cienco4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc tại Văn bản số 13012/LD-ĐT ngày 28/10/2017, Nhà đầu tư đã phối hợp với các địa phương, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND tỉnh Thái Nguyên thống nhất phương án giảm giá dịch vụ cho các phương tiện của người dân có hộ khẩu thường trú tại các huyện Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa và TP. Thái Nguyên.

Tuy nhiên, trong Văn bản số 5317, UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, nếu tiến hành thu giá dịch vụ tại trạm Km77+922 - Quốc lộ 3 cũ sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trên địa bàn do một số người dân địa phương không chấp nhận việc đầu tư trên đường cũ để thu phí, kể cả có tiến hành giảm phí cho một số đối tượng.

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết, đề xuất mới nhất của UBND tỉnh Thái Nguyên đã phá vỡ cam kết trước đó với nhà đầu tư và đẩy Dự án vào ngõ cụt.

Cụ thể, Dự án cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và Dự án BOT xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn km75 - km100 là hai công trình độc lập, không liên quan tới nhau nên không thể ghép để hoàn vốn như đề nghị của tỉnh Thái Nguyên.

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco4 - đại diện Liên danh Cienco4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc cho biết, nhà đầu tư vừa có văn bản tiếp tục khẩn cầu Thủ tướng Chính phủ can thiệp để tiến hành thu giá dịch vụ hoàn vốn cho Dự án.

Ông Huỳnh cho biết, sau 9 tháng kể từ ngày đưa công trình vào khai thác, việc thu giá dịch vụ hoàn vốn vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền chấp nhận đã đẩy nhà đầu tư vào tình thế rất khó khăn.

Cụ thể, tính đến ngày 28/11/2017, nhà đầu tư vẫn chưa có bất kỳ doanh thu nào để hoàn vốn, trong khi vẫn phải trả nợ lãi vay ngân hàng (khoảng 16 tỷ đồng/tháng), chi phí duy trì hoạt động của doanh nghiệp dự án và chi phí bảo dưỡng thường xuyên (khoảng 700 triệu đồng/tháng). 

Tính tổng cộng, trong khi chờ đợi được thu giá dịch vụ, liên danh nhà đầu tư đã phải chi trả khoảng 160 tỷ đồng. Gánh nặng tăng lên khi từ tháng 11/2017, doanh nghiệp dự án bắt đầu phải thanh toán khoảng 40 tỷ đồng nợ gốc cho các ngân hàng tài trợ vốn.

"Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ nếu các vướng mắc liên quan đến quyền thu giá dịch vụ không được giải quyết sớm", ông Nguyễn Tuấn Huỳnh nói.

Tin mới lên