Tài chính quốc tế

Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018: Tiền ảo không phải là tiền tệ

(VNF) - Một trong những chủ đề 'nóng' nhất tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018 (WEF) tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ là về tiền ảo. Hầu hết các nhà lãnh đạo, nhà kinh tế học và CEO hàng đầu tham dự Diễn đàn đều đồng tình rằng Bitcoin là một sản phẩm đầu tư hấp dẫn, nhưng không thể nào là một loại tiền tệ.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018: Tiền ảo không phải là tiền tệ

WEF 2018 đồng tình rằng tiền ảo không phải là tiền tệ

Tiền ảo là một trong những chủ đề thu hút nhất ở WEF 2018. Ban tổ chức WEF đã dành riêng một phiên họp chính thức về vấn đề này, cũng như một khu vực mang tên Crypto HQ tập trung chủ yếu vào công nghệ blockchain.

Trong khi tiềm năng của blockchain, công nghệ nền tảng đứng sau tiền ảo, được đánh giá cao, thì dường như Bitcoin lại là một vấn đề khiến các nhà hoạch định chính sách toàn cầu lo ngại. Chỉ trong năm 2017, mức lợi nhuận khổng lồ lên đến 13.000% đã đưa Bitcoin từ một phát kiến của ngành công nghệ thành chủ đề "nóng" nhất tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay.

Stephen Poloz, Thống đốc Ngân hàng Canada, trả lời phỏng vấn của CNBC: "Bitcoin không sở hữu giá trị nội tại, cho nên nó không phải là một tài sản thực sự. Đầu tư vào nó chỉ đơn thuần như đầu cơ hay đánh bạc".

Cecilia Skingsley, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Điển, cho biết bà "không thấy có vấn đề gì với người sử dụng Bitcoin như một tài sản để đầu tư". "Tuy nhiên, nó quá biến động để được sử dụng làm tiền tệ", bà Skingsley nói.

Ngay cả những người tham dự Davos đã từng đầu tư vào Bitcoin cho biết khả năng sử dụng nó như một đồng tiền rất hạn chế. Jennifer Zhu Scott, một doanh nhân và nhà đầu tư tiền ảo, mô tả Bitcoin như là một "cách để lưu trữ giá trị, tương tự như vàng". "Tôi không nghĩ chúng ta nên coi Bitcoin là một đồng tiền, vì tính biến động của nó ảnh hưởng đến giá vàng", bà Scott nói thêm.

Một trong những lí do khiến Bitcoin khó có thể được công nhận là do tính ẩn danh trong giao dịch. Điều này khiến Bitcoin chủ yếu được sử dụng trong những hoạt động bất hợp pháp, và gây ra nhiều lo ngại cho các chính phủ.

Christine Lagarde, giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết: "Thực tế tính chất ẩn danh của Bitcoin giúp nó trở nên hoàn hảo khi che giấu, bảo vệ các hoạt động rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Và điều này thật khó chấp nhận với một đồng tiền chính thức".

"Chúng tôi khuyến khích fintech, chúng tôi khuyến khích đổi mới, nhưng chúng tôi muốn đảm bảo rằng toàn bộ thị trường tài chính của chúng tôi đều an toàn và không bị sử dụng cho hoạt động bất hợp pháp", Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin nói.

Thủ tướng Anh Theresa May cũng đồng quan điểm với các nhà lãnh đạo nói trên khi bà trả lời Bloomberg rằng chính phủ của bà sẽ "xem xét một cách nghiêm túc" vấn đề tiền ảo.

Sự biến động mạnh của tiền ảo trong một thời gian ngắn khiến nhiều người nghi ngại Bitcoin là một bong bóng. Nhưng cũng có những người tham dự Diễn đàn lạc quan về tiềm năng của công nghệ này. Điều này tạo ra những cuộc tranh luận sôi nổi về việc có nên hay không để tiền ảo trở thành tiền tệ chính thức.

Richard Muirhead, Tổng thư ký của Fabric Ventures, cho biết: "Chúng ta vẫn chưa gặp một bong bóng tương tự như bong bóng dotcom, nếu xét về tổng vốn hóa thị trường", ông Richard Muirhead, Tổng thư ký của Fabric Ventures, trả lời câu hỏi của phóng viên trong một phiên họp.

Ủng hộ ý kiến của ông Muirhead còn có Nic Cary, đồng sáng lập ví tiền ảo Blockchain. "Chúng ta phải nhìn vào những nền tảng cơ bản của Bitcoin," ông nói. "Tôi nhận thấy khối lượng giao dịch bằng tiền ảo tăng nhanh mỗi ngày và đó là một trong những tín hiệu tích cực rằng mọi người đang dần ghi nhận sự hiện diện và tính ưu việt của loại tiền mới này. Tiềm năng là vô hạn".

Tin mới lên