Diễn đàn VNF

Ba nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế trong ba tháng cuối năm

(VNF) - Diễn đàn VNF kỳ này giới thiệu góc nhìn của chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ về kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, qua đó có thể dự báo được triển vọng của cả năm 2016.

Ba nhóm giải pháp thúc đẩy  phát triển kinh tế trong ba tháng cuối năm

TS. Lưu Bích Hồ

"Bức tranh kinh tế 9 tháng qua và hiện nay cho thấy triển vọng cả năm 2016 sẽ không như mong đợi đầu năm. Tăng trưởng không thể đạt mục tiêu 6,7% mà chỉ khoảng 6 - 6,2%. Mục tiêu lạm phát tương đối chắc dưới 5%. Thu chi ngân sách cũng sẽ không đạt kế hoạch vì đã qua 3/4 chặng đường với mức thực hiện chỉ được khoảng 2/3, bội chi có thể lớn hơn năm 2015. Thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao khiến dư địa tài khoá thu hẹp, tạo sức ép rủi ro bất ổn vĩ mô trong trung hạn. 

Thời gian tới, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi nhưng chậm và vẫn diễn biến phức tạp. Trong nước, nền kinh tế  tuy đã có chuyển dịch tích cực nhưng vẫn chưa ra khỏi vùng thấp trũng khi tái cơ cấu còn chưa đạt mức cơ bản. Các chính sách và quy định mới cùng sự điều hành của bộ máy Nhà nước chưa khắc phục được quán tính chậm đi vào cuộc sống.

Giải pháp cho những tháng còn lại, không thể nào khác là tiếp tục phấn đấu theo những hướng đã xác định, là có bước đột phá về tổ chức thực hiện đến từ sự đổi mới mạnh bộ máy quản lý và chỉ đạo điều hành ở tất cả các cấp các ngành. Sự chỉ đạo điều hành vĩ mô nền kinh tế cả trước mắt và vài năm tới cần tập trung cho mấy trọng điểm sau:

Một, chính sách tài khóa. Chúng ta đang ở một điểm nút thắt quá chặt nhưng không thể để chặt thêm tạo rủi ro bất ổn khó lường và kìm hãm tăng trưởng. Cần chấm dứt tăng nợ công với tốc độ như vừa qua. Mức chi ngân sách để trả nợ ở mức 25-30% thì không thể bảo đảm cả ổn định, tăng trưởng như mong muốn, lại luôn luôn chịu sức ép chống đỡ làm cho không thể căn cơ và chủ động thực thi chính sách phát triển bền vững. Thay vì Nhà nước phải lo vay nợ, hãy chuyển vai trò và trách nhiệm cho xã hội, cho hợp tác công - tư, cho khu vực tư nhân ở mức cao nhất có thể.

Đây là lối thoát duy nhất, cũng là thực chất và mục tiêu của Nhà nước kiến tạo. Cùng với nợ công, phải dứt điểm giải quyết nợ xấu để thật sự trở về tình trạng bình thường trong hoạt động của hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp. Việc cắt giảm chi thường xuyên ngân sách Nhà nước cần được Quốc hội quyết định cứng và giám sát ở mức cao nhất; chấm dứt tình trạng chi vượt và ngoài mức phê duyệt.

Hai, có bước bứt phá quyết định trong việc thực hiện cổ phần hóa và cải cách DNNN. Đây là "lô cốt" phải đánh "tổng công kích". Kế hoạch đã đặt ra cần làm đúng, làm tốt, làm nhanh hơn nếu có thể. Một biện pháp không thể chần chừ thêm là hình thành ngay cơ quan/tổ chức chuyên trách quản lý, giám sát vốn và tài sản của DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Chậm ngày nào, khó và thiệt hại thêm ngày đó.

Ba, tái cơ cấu đi nhanh vào tâm điểm là nâng cao năng suất, chất luợng, sức cạnh tranh trên cơ sở KHCN - Đổi mới sáng tạo để thật sự chuyển sang mô hình tăng trưởng mới chủ yếu phát triển theo chiều sâu. Phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy KHCN vào sản xuất kinh doanh, kết nối thành chuỗi giá trị và tham gia vào chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu. 

Thông điệp từ cuộc sống: hành động và hành động với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất vì sự kiến tạo, ổn định và phát triển".

Tin mới lên